Microsoft: Từ ông ngáo ộp đến Windows đi muôn nơi

    Minh Lết,  

    (GenK.vn) -Khi máy tính và internet nhảy từ trên bàn vào trong túi người sử dụng, Microsoft trở thành 1 công ty rất lớn nhưng lại có ảnh hưởng nhỏ.

    Trước thềm thông tin Microsoft có ý định hợp nhất các nền tảng Windows, tôi xin kể 3 câu chuyện có thể phần nào giúp cho bạn đọc hiểu được những thứ đứng đằng sau quyết định ấy của Microsoft. 

    Câu chuyện thứ 1: Từ ông ngáo ộp đến trình duyệt và HĐH di động

    Năm 1998, Netscape Communicatons đâm đơn kiện Microsoft vì cho rằng Microsoft đã cạnh tranh không lành mạnh bằng cách cài đặt sẵn trình duyệt Internet Explorer trên HĐH Windows của mình. Netscape Communications là cha đẻ của trình duyệt Netscape Communicator, những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Netscape Communicator chiếm trên 90% thị phần trình duyệt trên máy tính cá nhân. Ngay sau đó khi Microsoft tham chiến với Internet Explorer, dù được đánh giá là có tính năng kém hơn Netscape, nhưng do được tặng kèm miễn phí ngay trên Windows, Internet Explorer nhanh chóng đè bẹp Netscape. Cùng trong năm 1998, Netscape phải bán mình cho AOL và công khai mã nguồn của Netscape Communicator mà về sau này được dùng để phát triển thành Mozilla FireFox mà ngày nay ai cũng biết.

    Bất chấp bị đánh giá là cửa dưới với sự hà hơi tiếp sức của Windows, Internet Explorer đập nát Netscape để trở thành ông vua trình duyệt.

    Bất chấp bị đánh giá là "cửa dưới" với sự hà hơi tiếp sức của Windows, Internet Explorer đập nát Netscape để trở thành ông vua trình duyệt.

    Netscape không phải là nạn nhân duy nhất của Microsoft, trước đó 4 năm, Microsoft xoá sổ 1 đối thủ đáng gờm với mảng kinh doanh phần mềm soạn thảo văn bản là WordPerfect của Novell. Không công bố đầy đủ API (bộ công cụ giúp người viết ứng dụng giao tiếp với hệ thống) của Windows, Microsoft khiến WordPerfect hoạt động chậm ,không ổn định trên Windows. Từ chỗ có 50% thị phần, WordPerfect nhanh chóng lao dốc rồi biến mất khỏi thị trường để nhường chỗ cho sự thống trị của bộ công cụ Microsoft Office.

    Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Microsoft Word đè bẹp WordPerfect dù đắt hơn, ít tính năng hơn.

    Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Microsoft Word đè bẹp WordPerfect dù đắt hơn, ít tính năng hơn.

    Trong suốt thập niên 90, Microsoft là con ngáo ộp của làng công nghệ. Những cái tên dám ngáng đường Microsoft như Novell Netware(1 HĐH mạng), WordPerfect(trình xử lý văn bản) ... đều bị Microsoft đè bẹp và đi vào dĩ vãng bất kể những sản phẩm đó từng có chất lượng hay thị phần như thế nào. Và sức mạnh của Microsoft chỉ nằm ở 1 yếu tố quyết định: Sự phổ biến của HĐH Windows. Nắm giữ Windows trong tay, Microsoft kiểm soát tới 95% số máy tính cá nhân trên toàn cầu, dùng nền tảng đó để cạnh tranh khiến Microsoft có thể chiến thắng bất kỳ đối thủ nào, dù sản phẩm của họ có tốt tới đâu. 

    Đã có thời cái tên Microsoft vừa được kính nể vừa bị căm ghét. Và vai trò của Microsoft khi đó là thúc đẩy sự tiến lên của cả thế giới công nghệ, 1 cái "hắt hơi" của Microsoft cũng đủ khiến cả ngành công nghiệp máy tính chao đảo. Cách đây 15 năm, đã dùng máy tính, dù ít hay nhiều bạn đều nằm trong tầm kiểm soát của Microsoft.

    15 năm sau, tôi hoàn toàn có thể dùng máy tính mà không dính dáng gì tới Microsoft. Máy tính ở công ty và laptop tôi dùng iMac và Macbook Air, lên mạng công cụ tìm kiếm tôi sử dụng là Google, hệ điều hành điện thoại tôi ưa thích là Android, email tôi sử dụng là Gmail. Microsoft đang chật vật trong tất cả các mảng kinh doanh mới mà hãng mở ra, từ Windows Phone cho tới Bing. Với doanh thu 1 năm hơn 100 tỷ USD, Microsoft vẫn là 1 trong những công ty lớn nhất làng công nghệ. Nhưng tầm ảnh hưởng của Microsoft, không biết từ lúc nào, dường như đã biến mất. Từ chỗ nhúng tay vào mọi mặt của đời sống công nghệ thông qua thị phần và sự ảnh hưởng toàn diện của Windows, bước sang thời kỳ của Internet và thiết bị di động, Microsoft đã đánh mất sự kiểm soát của mình với những xu hướng mới như máy tìm kiếm Internet hay HĐH di động. Tất cả những điều ấy xảy ra ngay trong khi Microsoft vẫn kiểm soát trên 90% thị phần HĐH PC, chứng tỏ rằng Microsoft không thể mãi bám víu vào Windows để tồn tại trong 1 thị trường liên tục tiến lên và ngày càng rời xa PC truyền thống.

    Microsoft: Từ ông ngáo ộp đến Windows đi muôn nơi

    Windows từng là vũ khí tối thượng của Microsoft, là bệ phóng lý tưởng cho tất cả các sản phẩm khác của hãng nhưng giờ đây trong kỷ nguyên di động, hậu-PC, Windows không còn là phương thuốc trị bách bệnh của Microsoft nữa. Windows không thể thuyết phục người dùng quay từ Android hay iOS sang Windows Phone cũng như không thể khiến người dùng Google ngả về Bing. Khi máy tính và internet nhảy từ trên bàn vào trong túi người sử dụng, Microsoft trở thành 1 công ty rất lớn nhưng lại có ảnh hưởng nhỏ. Những lợi thế chiến lược của Microsoft đang ngày càng trở nên không mấy giá trị. Microsoft cần tìm đường khác xâm nhập kỷ nguyên hậu-PC đang đến mỗi ngày 1 gần hơn.

    Câu chuyện thứ 2: 25 năm mơ ước thống nhất và Windows đi muôn nơi

    Những năm 1990, Microsoft và IBM đường ai nấy đi. Thoát khỏi vòng kiềm toả của IBM, Microsoft tự do thúc đẩy Windows với giao diện đồ hoạ. Giữa lúc Windows đang dần toả về các thiết bị ngoài PC cá nhân, Bill Gates đưa ra chiến lược: Windows Everywhere (Windows đi muôn nơi). Nền tảng của chiến lược này là xây dựng 1 Windows hợp nhất với chung 1 kernel cho tất cả các thiết bị. Nói 1 cách nôm na, từ các máy ATM đến máy tính bảng, PocketPC đều sẽ sử dụng chung 1 nhân Windows như trên desktop, chỉ lược bỏ bớt các thành phần không cần thiết để nhẹ bớt yêu cầu về phần cứng. 1 bản Windows trên mọi thiết bị đem lại trải nghiệm nhất quán cũng như 1 lợi ích tuyệt vời: 1 phần mềm chỉ cần viết 1 lần có thể chạy được (hoặc có thể dễ dàng chuyển đổi) trên 1 thiết bị khác.

    Microsoft: Từ ông ngáo ộp đến Windows đi muôn nơi

    Tuy nhiên khi bộ lõi Windows phình to ra để thoả mãn những nhu cầu ngày càng cao về đồ hoạ cũng như tính năng trên máy tính để bàn thì việc duy trì những "phiên bản rút gọn" của Windows trên các thiết bị như máy ATM, PocketPC, tablet... lại càng trở nên khó khăn hơn. Ngay cả khi đã rút gọn tới mức tối đa, Windows vẫn trở nên quá nặng nề trên các thiết bị vốn bị giới hạn về tốc độ xử lý, tốc độ đường truyền cũng như dung lượng lưu trữ, dung lượng pin. Kết quả là Microsoft phải "đập" nhân Windows thành nhiều phiên bản khác nhau. Windows NT dành cho PC và Windows Embedded dành cho các thiết bị nhúng, Windows CE cho thiết bị di động... Chiến lược "Windows đi muôn nơi" của Microsoft thất bại từ đó.

    HĐH Windows Mobile dựa trên nhân Windows CE thay vì Windows NT do các giới hạn về phần cứng ở thời điểm đó.

    HĐH Windows Mobile dựa trên nhân Windows CE thay vì Windows NT do các giới hạn về phần cứng ở thời điểm đó.

    25 năm sau, Microsoft lại 1 lần nữa muốn thử nghiệm với "Windows đi muôn nơi 2.0". Lần này các giới hạn công nghệ đã được khắc phục rất nhiều, sức mạnh xử lý, lưu trữ của các thiết bị di động gần như tiệm cận desktop. Và thực tế là Windows Phone 8 dùng nhân Win NT hoạt động rất ổn định trên các thiết bị di động cũng là 1 bước tiến quan trọng trong nỗ lực hợp nhất nền tảng của Microsoft. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Microsoft đưa ra được 1 giao diện có thể sử dụng trên cả thiết bị di động và PC. Điều kiện công nghệ dường như đã chín muồi hơn với "Windows đi muôn nơi 2.0".

    Tuy vậy vẫn còn những vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo sự thành công của "Windows đi muôn nơi 2.0": giao diện Modern UI trên Windows Phone rất hợp lý nhưng trên PC nó lại nhận nhiều chỉ trích và thực tế là đa phần người dùng Windows 8 vẫn chọn giao diện truyền thống thay cho Modern UI. 

    Rất thành công trên Windows Phone nhưng khi áp dụng vào cách thao tác bằng chuột và bàn phím trên Windows thì giao diện Morden UI lại gặp nhiều chỉ trích.

    Rất thành công trên Windows Phone nhưng khi áp dụng vào cách thao tác bằng chuột và bàn phím trên Windows thì giao diện Modern UI lại gặp nhiều chỉ trích.

    Giao diện ứng dụng phải thiết kế cho 2 cách tương tác bàn phím chuột trên PC và cảm ứng trên thiết bị di động cũng là 1 rào cản cho việc hợp nhất nền tảng. Cuối cùng là vấn đề kích cỡ màn hình, sự khác biệt về kiến trúc xử lý (ARM trên di động và Intel trên máy tính bàn) cũng là những bài toán khó mà Microsoft cần giải trước khi "Windows đi muôn nơi 2.0" cất cánh.

    Câu chuyện thứ 3: Từ nhân sự đến tư duy

    Sau 30 năm thống trị ngành công nghiệp PC, Microsoft đã từ 1 công ty phần mềm nhỏ biến thành 1 tập đoàn khổng lồ, quan liêu bậc nhất thung lũng Silicon. Những chuyện cười như kiểu: "Cần 5 kỹ sư và 1 cái bàn của Microsoft để thay 1 cái bóng đèn, 1 ông đứng trên bàn giữ bóng, 4 ông còn lại nâng 4 góc bàn chạy vòng tròn để vặn bóng ra" cho thấy vị trí của Microsoft trong mắt các đồng nghiệp ở Silicon Valley. Ở Microsoft có những quản lý cấp cao ăn lương để quản lý người quản lý người quản lý những kỹ sư... không làm gì cả. Điều này thể hiện sinh động qua những cải tiến cải lùi rất loay hoay trên Windows Vista và sau đó là Windows 8, những cải tiến mà về sau người dùng chỉ muốn tắt quách hoặc quay về bản Windows cũ.

    Được đánh giá là cởi mở, mạnh dạn và giống với Bill Gates hơn người tiền nhiệm Steve Balmer, Nadella đang được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều thay đổi cho 1 Microsoft chậm chạp.

    Được đánh giá là cởi mở, mạnh dạn và giống với Bill Gates hơn người tiền nhiệm Steve Balmer, Nadella đang được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều thay đổi cho 1 Microsoft chậm chạp.

    Việc làm đầu tiên của Satya Nadella ở vị trí tân CEO là tuyên chiến với những nhân sự ăn không ngồi rồi tại Microsoft. Đợt sa thải nhân viên kỷ lục vừa rồi của Microsoft là một lời tuyên ngôn cho thời kỳ mới tại Microsoft về cả nhân sự lẫn tư duy quản lý.

    Dưới thời Steve Balmer, Microsoft luôn bảo vệ Windows bằng mọi giá, kể cả phải hi sinh những ý tưởng có thể giúp Microsoft nhảy vọt trong tương lai. Windows và Office là 2 nguồn thu chính mà Microsoft không thể đánh mất và cũng không thể chấp nhận đem ra thí nghiệm dưới bất kỳ hình thức nào. Trái lại, Satya sẵn sàng thử nghiệm và sẵn sàng đánh đổi con gà đẻ trứng vàng Windows lấy 1 tương lai chưa đoán định trước được. Tinh thần can đảm và không ngại thay đổi ấy rất đáng khen, nhưng liệu nó có thể đem lại cho Microsoft 1 chỗ đứng vững chắc trong kỷ nguyên Hậu-PC hay không lại là điều không thể nói trước.

    Chỉ biết rằng câu chuyện về Microsoft có lẽ đã bắt đầu sang 1 chương mới. Tốt hoặc xấu, chúng ta cứ chờ xem.

    >> Những chuyện chưa bao giờ kể về thánh cô Cortana và tài dự đoán World Cup

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ