Nếu thử tính năng chống nước của điện thoại, đừng ngâm chúng vào nước đá

    Nguyễn Hải,  

    Ngay cả với những chiếc điện thoại được trang bị khả năng chống nước, nước đá lạnh vẫn là nỗi kinh hoàng mỗi khi đối mặt. Trừ phi chúng là Galaxy S7.

    Một trong những kẻ thù lớn nhất của điện thoại di động không gì khác ngoài nước. Do vậy, nhiều nhà sản xuất smartphone trên thế giới, dù âm thầm hay công khai, đều trang bị khả năng chống chịu nước cho sản phẩm cao cấp của mình. Nhưng trước khi tự tin mang điện thoại của mình đi bất cứ đâu, một điều bạn nên lưu ý rằng các thông số chịu nước như: độ sâu hay thời gian ngâm nước, đều được đo trong điều kiện phòng thí nghiệm, thay vì thực tế khắc nghiệt ở bên ngoài.

    Điển hình như môi trường nước trong phòng thí nghiệm là nước sạch ở điều kiện bình thường. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu đó lại là nước đá lạnh thay vì nước ở nhiệt độ thường.

    Một chiếc smartphone thuần cảm ứng thông thường, tự bản thân cũng có khả năng chống chịu nước nhất định. Bộ khung đơn giản, ít nút bấm, được ghép khít với màn hình cảm ứng, sẽ tạo ra áp suất không khí bên trong thiết bị. Áp suất này dù nhỏ, nhưng cũng đủ để ngăn nước ngấm vào các bản mạch bên trong máy, nếu không bị ngâm quá lâu và quá sâu. Tuy vậy, điều này sẽ thay đổi nếu đó là nước đá lạnh.

    Nhiệt độ thấp sẽ làm thể tích không khí bên trong máy co lại, áp suất giảm đi, tạo ra lực hút nước từ bên ngoài vào trong máy. Đặc biệt là khi chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường bên ngoài và nước đá lạnh cao hơn, sẽ càng làm nước dễ xâm nhập vào bên trong máy hơn. Ngoài ra, nhiệt độ bên trong khung máy thấp cũng sẽ làm tăng khả năng tích tụ hơi nước bên trong máy. Khi lượng hơi nước tích tụ đủ lớn, cũng có thể sẽ làm điện thoại hỏng các linh kiện điện tử trong thiết bị của bạn.

    Ngay cả với những điện thoại có khả năng chống chịu nước, nước đá lạnh cũng rất nguy hiểm. Nhiệt độ thấp có thể làm các miếng đệm hay gioăng cao su bị co lại, thay vì bịt kín các khe hở trên điện thoại, tạo cơ hội cho nước xâm nhập vào bên trong. Tùy vào mỗi hãng khác nhau có thể sử dụng chất liệu khác nhau để trám các khe hở này, do vậy mỗi hãng cũng sẽ có khả năng chống chịu khác nhau trong môi trường nước đá lạnh.

    Ngoài ra một điểm lưu ý khác nữa là, ngâm điện thoại của bạn vào trong một hộp nước đá lạnh sẽ khác với việc ngâm chiếc điện thoại đó vào nước ở nhiệt độ thường và đặt trong tủ đá. Khi đặt trong tủ đá, nhiệt độ môi trường sẽ được giảm từ từ thay vì giảm đột ngột như thả vào bình nước đá. Do giảm nhiệt độ từ từ, nên bản thân các phân tử nước cũng sẽ đông đặc lại quanh các khe hở của điện thoại, nên cho dù các lớp gioăng cao su có thể bị co lại, nước cũng sẽ khó xâm nhập vào bên trong điện thoại hơn.

    Một tác hại khác mà nước đá lạnh có thể gây ra cho smartphone là màn hình điện thoại. Với đa số các điện thoại dùng màn hình LCD (màn hình tinh thể lỏng) hay các biến thể của nó như TFT – LCD hay IPS LCD, tiếp xúc với môi trường nhiệt độ thấp cũng có tác hại đáng kể. Nhiệt độ thấp của nước đá lạnh có thể tạo ra các bong bóng giữa các tinh thể hay làm tích tụ các phân tử chất lỏng (nghĩa là phá vỡ trật tự của các phân tử trên màn hình), dẫn tới việc màn hình kém nhạy, phản hồi chậm hoặc bị phá hủy vĩnh viễn.

    Nhưng điều này dường như không đúng với màn hình AMOLED của Samsung, do sử dụng công nghệ hoàn toàn khác của LCD. Bạn có thể thấy trong clip dưới đây, chiếc Galaxy S7 bị ngâm trong nước rồi bỏ tủ lạnh đến khi bị đóng băng nhưng vẫn hoạt động bình thường sau khi lau khô.

    Galaxy S7 Edge "phiên bản đóng băng".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ