Nhìn lại 6 thiết bị Android thất bại vì cố gắng tạo sự khác biệt

    Tùng Phạm,  

    Nhằm thu hút các khách hàng, những nhà sản xuất luôn cố gắng làm sản phẩm của mình độc đáo nhất có thể.

    Với chiến lược hợp lý nhằm thu hút các nhà sản xuất, Google đã biến Android trở thành nền tảng di động số 1 thế giới chỉ trong thời gian ngắn. Trong rất nhiều những sản phẩm Android như vậy, để chọn được 1 thiết bị ưng ý là điều không dễ dàng với người dùng. Nhằm thu hút các khách hàng, những nhà sản xuất luôn cố gắng làm sản phẩm của mình độc đáo nhất có thể. Tuy nhiên, đôi khi chính vì sự khác biệt đó mà chúng phải nhận lấy thất bại và nhanh chóng bị lãng quên.

    1. Amazon Fire Phone

    Amazon đã có 1 khởi đầu như mơ khi tiến vào thị trường di động bằng chiếc tablet Kindle Fire giá rẻ của mình. Chính vì thế, không ít người đã kỳ vọng vào 1 kết cục tương tự đối với smartphone đầu tiên của hãng là Fire Phone. Smartphone đầu tiên của Amazon có khá nhiều tính năng mới nhằm tạo sự khác biệt so với vô vàn các sản phẩm Android khác.

    Có thể kể đến là giao diện người dùng với hiệu ứng dựa vào góc nhìn của người dùng được ghi nhận bởi 4 camera hồng ngoại ở mặt trước Fire Phone. Ngoài ra là các giao diện cử chỉ độc đáo cũng như ứng dụng Firely chuyên cho nhu cầu mua sắm trên Amazon.

    Tuy nhiên, những điểm sáng này không thực sự ấn tượng để che đi các khuyết điểm của điện thoại này như thiếu vắng các dịch vụ Google, giá cao, màn hình bé... Chính vì thế mà từ 1 sản phẩm có thể coi là bom tấn, Fire Phone nhanh chóng bị người dùng quên lãng ngay cả khi Amazon đã giảm giá mạnh giá bán. Vào tháng 8 vừa qua, Amazon đã phải tuyên bố ngừng bán Fire Phone. Hãng bán lẻ Mỹ không công bố cụ thể doanh số Fire Phone, chỉ biết rằng nó đã tiêu tốn tổng cộng của Amazon tới 130 triệu USD.


    2. HTC First

    Trước đây chúng ta đã nghe nói nhiều tới việc Facebook sản xuất điện thoại. Dù việc đó chưa thực sự xảy ra nhưng ít ra Facebook cũng đã hợp tác với HTC để sản xuất HTC First, thiết bị được nhiều người coi là điện thoại Facebook đầu tiên.

    Điểm nổi bật lớn nhất của HTC First là máy được trang bị giao diện Facebook Home đầy mới lạ do chính Facebook phát triển hỗ trợ nhiều tính năng cho người dùng "nghiện" Facebook. Song việc tận dụng tấm bình phong Facebook không thực sự giúp HTC First ghi điểm trong mắt người dùng.

    Facebook Home tích hợp khá sâu ứng dụng Facebook vào giao diện người dùng. Mọi thứ từ status, hình ảnh đều được cập nhật trực tiếp lên màn hình chủ của thiết bị. Bạn có thể ấn “Like” hoặc bình luận cực kỳ dễ dàng ngay trên đó. Tuy nhiên, nếu không phải người quá đam mê sử dụng Facebook bạn sẽ thấy giao diện này có nhiều điểm không tiện lợi cho các tác vụ cơ bản. Giờ đây, để gọi điện, nhắn tin hay duyệt web bạn sẽ mất một bước là truy cập vào App Launcher mới có thể tìm thấy các ứng dụng này. Thêm vào đó là những lo ngại từ việc cứ để Facebook push các thông tin mới liên tục sẽ khiến nguồn pin cạn kiệt nhanh chóng.


    3. Nokia X

    Giống như điện thoại Facebook, nhiều người đã trông đợi vào 1 smartphone chạy Android tới từ Nokia. Không phụ sự kỳ vọng đó, cựu vương di động đã tung ra Nokia X. Mặc dù vậy, những gì mà Nokia X thể hiện lại khiến nhiều người thất vọng. Thay vì hướng tới phân khúc cao cấp và chăm chút cho thiết kế hay các tính năng thì Nokia X chỉ đơn thuần là 1 smartphone Android giá rẻ có nhiều hạn chế để kích thích người dùng sử dụng các dịch vụ của Microsoft. Nhưng cái bóng quá lớn của Google cũng như sự xuất hiện của nhiều đối thủ cùng phân khúc đã khiến Nokia X thất bại.


    4. Xperia Play

    Cha đẻ của hệ máy chơi game PlayStation đã từng hy vọng sẽ hốt bạc nhờ chiếc Xperia Play, khi cung cấp cho smartphone này một bàn phím cứng tương tự như những chiếc tay cầm chơi game. So với các smartphone Android thông thường thì Xperia Play cho thấy tiềm năng vượt trội của mình với chế độ hoạt động như thiết bị "2 trong 1" là điện thoại và máy chơi game.

    Trong thời gian đầu, Xperia Play đã nhận được khá nhiều lời khen ngợi từ phía khách hàng nhờ trải nghiệm chơi game phong phú với phím bấm game chuyên dụng, hỗ trợ nhiều chế độ chơi. Tuy nhiên, nhanh chóng sau đó, máy đã sớm bị quên lãng bởi Sony cùng các nhà sản xuất đã thiếu đầu tư cho những tựa game hỗ trợ.


    5. Galaxy Beam

    Theo Samsung, các smartphone ra đời là nhằm thay thế cho những chiếc laptop hay máy tính cồng kềnh, cho phép người dùng làm việc, giải trí tối đa trên các thiết bị cầm tay. Galaxy Beam là một trong những sản phẩm như thế. Thiết bị này ngoài khả năng hoạt động như một chiếc smartphone thông thường còn được tích hợp một máy chiếu ở cạnh trên nhằm phục vụ cho các nhân viên văn phòng hay phải thuyết trình.

    Ý tưởng độc đáo là thế nhưng cuối cùng, Galaxy Beam đã gặp phải thất bại bởi những hạn chế liên quan tới phần mềm trình chiếu cũng như hiệu năng chiếu không cao. Củng phải nhắc tới việc nhu cầu người dùng cho 1 thiết bị như thế là không nhiều.


    6. Xperia P

    Xperia P là máy tính bảng của Sony với thiết kế gập cho phép người dùng có thể dễ dàng bỏ vào túi khi di chuyển. Tuy nhiên, chúng ta đã không còn thấy Sony sản xuất 1 chiếc máy tính bảng nào tương tự như Xperia P. Đó là do thiết bị quá kén người dùng.

    Thiết kế gập tuy mang lại tính linh hoạt cho Xperia P nhưng lại làm cản trở tầm nhìn người dùng. Trong khi đó, những lợi ích với màn hình gập mà Sony đưa ra bao gồm cho phép hiển thị 2 nội dung song song, hiển thị bàn phím khi chơi game cũng không thực sự rõ ràng.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày