Nhộn nhạo thị trường iPhone cũ dịp sát Tết: hết năm, chết pin!

    Yến Thanh,  

    Với những chiếc iPhone đời cũ như iPhone 4S, iPhone 5 - những sản phẩm đã qua sử dụng, liệu chúng có khởi sắc như iPhone 6/6 Plus trong năm vừa qua?

    Có thể nói, năm 2014 được coi là năm thành công với thương hiệu Apple và cả những thiết bị cầm tay như iPhone 6/6 Plus. Không chỉ thể hiện ở việc nhanh chóng gia tăng thị phần tại các thị trường chiến lược mà iPhone thế hệ mới còn góp 1 phần không nhỏ vào doanh thu cao kỉ lục là 74,6 tỉ USD cùng với lợi nhuận ròng 18 tỉ USD.

    Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những chiếc iPhone chính hãng và nguyên tem. Vậy còn những chiếc iPhone đời cũ như iPhone 4S, iPhone 5 - những sản phẩm đã qua sử dụng, liệu chúng có khởi sắc như những người anh em của mình?

    iPhone cũ - tiết kiệm là "dân sách"

    Nếu những chiếc iPhone 6/6 Plus thế hệ mới bán được 74,5 triệu chiếc trong 3 tháng cuối năm thì iPhone cũ cũng nhộn nhịp không kém dù chưa có bất kì thống kê nào từ các tổ chức lớn. Một loạt những sản phẩm cũ mang thương hiệu Táo Khuyết đã rất thành công trong năm 2014 có thể kể tên như iPhone 4, iPhone 4S, iPhone 5S và đặc biệt là iPhone 5.

    Không phải tự nhiên mà những chiếc iPhone cũ lại được người dùng ưa chuộng tới vậy, bởi với giá bán cao - thậm chí là "chát chúa" thì iPhone chính hãng thực sự là 1 giấc mơ xa vời đối với đại đa số người dùng hiện nay. Chỉ cần bỏ ra khoảng 2-3 triệu đồng là bạn đã có thể sở hữu ngay 1 chiếc iPhone 4 hoặc 4S ngoại hình "đẹp long lanh" - nói theo văn phong của dân buôn bán.

    Hoặc nếu có điều kiện hơn thì iPhone 5 cũng chỉ có giá từ 5-6 triệu đồng, còn như iPhone 5S thì lại ở mức cao hơn hẳn, khoảng 8-9 triệu đồng. Minh chứng vào những ngày đầu tháng 1, hàng loạt các cửa hàng đã rộ lên chiến dịch "xả hàng" iPhone 5 chỉ với 5 triệu đồng, "máy mới, phụ kiện zin", đổi trả 1 năm gây sốt và thu hút được một lượng người dùng không nhỏ.

    Chưa bàn tới chất lượng của những sản phẩm nói trên, với mức giá dễ thở hơn, chắc chắn iPhone cũ sẽ là 1 lựa chọn hợp lí cho bất kể người dùng nào hiện nay. Nếu bạn vẫn không tin, có thể đi 1 vòng quanh Hà Nội, từ những dãy văn phòng cho tới các quán cà phê, trà đá vỉa hè, đâu đâu cũng iPhone, nhà nhà iPhone, người người iPhone.

    Chia sẻ của anh Thái (Đống Đa, Hà Nội): "Mình dùng chiếc iPhone 4S này cũng được nửa năm nay rồi. Ngày trước mua 4 triệu, máy cũ nhưng ngoại hình đẹp, tới giờ dùng vẫn OK. Chủ yếu dùng nghe gọi với chụp ảnh là hết. Dở ở chỗ là máy đã phải thay pin 1 lần rồi, cũng may là đến nay vẫn chưa sao."

    Còn chị Tú (Thái Hà, Hà Nội) cho biết: "Con gái như mình ai chả thích iPhone, nhiều tiền thì mua máy mới, như mình không có thì tích góp mua máy cũ. Mình mua chiếc iPhone 5 này được hơn 1 tháng nay, cửa hàng nói là như mới, với giá 5,5 triệu đồng. Tới nay chưa có sự cố gì xảy ra. Ai nói gì thì nói chứ thích thì mình cứ mua, chả ai lại đi đánh giá những người dùng iPhone cũ cả."

    Tóm lại, qua chia sẻ của một số người dùng, phần lớn họ đều cho rằng thuận mua thì vừa bán, không có điều kiện dùng máy mới thì ta tìm máy cũ. Tuy nhiên, cũ tới đâu thì ngoại hình cũng vẫn phải "đẹp". Điều đáng nói là đòi hỏi vốn bất thường này lại được các cửa hàng chuyên bán iPhone cũ cụ thể hóa bởi những sản phẩm như mới nhưng giá thành lại quá mềm. Phải chăng, có điều gì không đúng ở đây?

    Dở khóc dở cười chuyện mua iPhone cũ

    Bên cạnh niềm vui được sở hữu 1 chiếc iPhone mà mình mơ ước bây lâu, cũng có không ít những câu chuyện buồn liên quan tới iPhone cũ để rồi tiền mất tật mang. Theo lời kể của anh Huy (Kim Mã, Hà Nội), vì tin tưởng 1 cửa hàng chuyên bán iPhone gần nhà nên ngay khi góp đủ tiền, anh đã sắm ngay cho mình 1 chiếc iPhone 5S trong tháng vừa qua với giá 9,5 triệu đồng.

    Trong khoảng 1 tuần đầu, máy chạy tốt và không hề có hiện tượng gì bất thường. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần sau đó, chiếc iPhone 5S của anh bắt đầu có hiện tượng nóng máy đối với những tác vụ nhẹ, đặc biệt, máy nóng tới bỏng tay khi sạc tới gần đầy. Anh lập tức mang ra cửa hàng và yêu cầu kiểm tra. Sau khoảng nửa ngày, cửa hàng thông báo pin của máy anh đã "ra đi" và đòi khoảng nửa triệu đồng cho 1 viên pin mới.

    Thế nhưng, điều đáng nói là anh vẫn phải bỏ tiền túi để sửa máy bởi theo cửa hàng, máy anh đã hết thời hạn 1 đổi 1 trong 1 tuần. Ngoài ra, sự cố liên quan tới pin là bởi thói quen sử dụng sai của người dùng. Anh Huy ngán ngẩm: "Tưởng mua iPhone cũ là cơ chế bảo hành thoáng hơn, ai dè họ còn khó khăn hơn cả các đại lý chính hãng. Mà máy mới mua về được 2 tuần đã có thể hỏng pin, đến chịu."

    Nhìn vào trường hợp của người dùng kể trên, có thể thấy, ngoài giá bán tốt, các chế độ bảo hành của iPhone cũ cũng không "thoáng" như chúng ta vẫn tưởng. Bởi rõ ràng, 1 chiếc iPhone đã qua sử dụng dù ít hay nhiều cũng tiềm ẩn kha khá những rủi ro mà chúng ta chẳng thể lường trước.

    Khác với trường hợp của anh Huy, anh Vũ (Láng Hạ, Hà Nội) lại cảm thấy may mắn hơn khi tìm được một cửa hàng bán iPhone cũ "hợp ý":

    "Mình mua 1 chiếc iPhone 5 trắng cách đây khoảng 2 tháng. Khi mua về, cửa hàng nói rằng đây là sạc cáp loại 1 chứ không được là hàng "zin". Ban đầu mình không để ý lắm nên cứ dùng bình thường. Ai dè, dùng một thời gian máy bị loạn cảm ứng.

    Cứ nghĩ là lỗi do sạc nên chạy xuôi chạy ngược mấy lần đi mua sạc, cáp mới nhưng chẳng ăn thua. Cuối cùng mang ra hàng kiểm tra, họ bảo máy bị lỗi cảm ứng và cho đổi máy khác. Mình mừng quá, liền đổi sang 1 chiếc iPhone 5 khác. Và tới giờ này máy vẫn êm du."

    Tất nhiên, anh Vũ cũng cho rằng, mua iPhone cũ cũng chẳng khác gì chơi trò "đỏ đen", may mắn thì tìm được cửa hàng uy tín hoặc mua được chiếc máy tốt. Còn không thì máy móc có vấn đề, cửa hàng bảo hành ngặt nghèo. Tóm lại, nếu có điều kiện, thay vì tiếc rẻ một số tiền, người dùng nên tìm tới hàng chính hãng nói chung và iPhone chính hãng nói riêng bởi những lợi ích mà hãng cũ không thể sánh được.

    iPhone cũ "chết pin" bất thường dịp cận Tết

    Nếu đi sâu đi sát vào những câu chuyện của nhiều người dùng khác, chắc chắn, chúng ta sẽ còn nghe thêm những vụ việc "oái oăm" hơn nữa. Tuy nhiên, đó mới là phía người dùng, vậy còn giới kinh doanh, những cửa hàng sửa chữa iPhone cũ, câu chuyện của họ ra sao?

    Theo đại diện của một cửa hàng chuyên sửa chữa iPhone trên đường Lê Thanh Nghị, Hà Nội, trong dịp cận Tết Ất Mùi, những lỗi liên quan tới pin đang trở thành "hiện tượng". Anh chia sẻ, đành rằng, càng về tới những ngày cuối năm, người dùng sẽ năng tu sửa máy móc, thiết bị hơn nhưng theo ghi nhận của cửa hàng, lỗi pin trên những chiếc iPhone cũ đang ngày một xuất hiện nhiều hơn.

    Lượng pin mà cửa hàng thay thế trong một ngày.

    Lượng pin mà cửa hàng thay thế trong một ngày.

    Theo vị đại diện này, mỗi viên pin trên iPhone đều có một tuổi thọ nhất định, tùy vào thói quen sử dụng của người dùng. Đấy là với những chiếc iPhone mới, còn với những chiếc iPhone cũ, việc mua về hôm nay, hôm sau hỏng pin là điều hoàn toàn có thể xảy ra bởi với những thiết bị đã qua sử dụng, chẳng ai có thể nói trước được điều gì.

    Anh cho biết, càng về tới dịp cuối năm, số lượng pin mà cửa hàng anh phải thay thế ngày một nhiều hơn. Chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ cũng có tới 2-3 trường hợp là tới để thay pin iPhone. Tất nhiên, giá thành cho mỗi lần thay pin này cũng không quá đắt, như viên pin trên iPhone 4/4S là khoảng 200-300 ngàn đồng, còn như iPhone 5/5S là khoảng 400-500 ngàn đồng.

    Khi được hỏi về nguyên nhân của những sự cố liên quan tới pin, anh chia sẻ: "Khi pin xảy ra lỗi và phải thay, thường thì việc sạc pin qua đêm trong thời gian dài sẽ là nguyên nhân chủ yếu, ngay cả các hãng điện thoại cũng khuyến cáo về việc này. Đấy là chưa kể tới nguồn gốc xuất xứ của máy. iPhone chuẩn bao giờ chả tốt hơn hàng dựng."

     

    Anh cũng cho rằng, nếu điều kiện cho phép, người dùng nên đầu tư cho mình hẳn 1 chiếc iPhone mới, có thể là xách tay nhưng đặc biệt cần mới. Bởi may mắn thì mua được 1 chiếc iPhone "đúng là cũ" còn rủi thì ai cũng rõ, hỏng hóc liên miên, nhiều lỗi oái oăm phát sinh...

    Thế nhưng, đó chỉ là lý thuyết và thực tế lại chẳng như ta mong đợi. Có vẻ như chiêu thức iPhone máy cũ - giá rẻ đã quá được lòng người dùng trong khi chất lượng cũng như nguồn gốc của máy đã không phải là điều quá quan trọng. Thay cho lời kết, mong rằng, qua bài phóng sự này, bạn đọc sẽ rút ra cho mình những bài học khi chọn mua iPhone cũ, không nền vì "nước sơn tốt" trước mắt mà quên đi "nước gỗ tốt" bên trong.

    >> iPhone 6S sẽ tích hợp công nghệ Force Touch tương tự Apple Watch?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ