So sánh Galaxy Note 4 và Xperia Z3: chọn thiết kế hay tính năng

    IcedT,  

    Galaxy Note 4 có camera tốt, trang bị nhiều tính năng độc đáo trong khi Xperia Z3 sở hữu thiết kế cao cấp, màn hình cho màu sắc chân thực.

    Thiết kế:

    Sony vẫn áp dụng triết lý thiết kế OmniBalance có từ thời Xperia Z lên Xperia Z3 ở cách bố trí phím nguồn nằm chính giữa cạnh phải, các phím bấm được chế tác từ kim loại với độ chi tiết cao… nhưng việc bo tròn khung viền máy đã cải thiện khá nhiều cảm giác cầm trên tay. Ngoài ra, việc bo tròn này cũng tạo sự đồng nhất cho màu sắc của máy hơn do loại bỏ phần mặt phẳng có màu khác biệt trên viền máy trên các dòng sản phẩm đời trước.

    Bên cạnh Apple và Nokia, Sony là một trong những thương hiệu sản xuất smartphone có chất lượng gia công rất tốt và tỉ mỉ trong từng chi tiết. Các đường nét dù là nhỏ nhất trên nền chất liệu nhôm của viền máy hay mặt kính ở hai mặt trước, sau của Xperia Z3 đều được hoàn thiện và xử lý ở một trình độ rất cao, cho ra một sản phẩm tạo cảm giác rất sang trọng ngay từ khi mới cầm trên tay. Sony đã rất khéo léo khi ghép viền nhôm của máy với bốn miếng nhựa trong mờ ở bốn góc máy (cùng chất liệu và cách hoàn thiện với Xperia Z3 Compact) có lẽ nhằm giảm thiểu khả năng móp máy hay hạn chế tình trạng cản sóng của nhôm. Các nắp che cổng kết nối, khay nanoSIM cũng được hoàn thiện rất tốt và liền lạc với bộ khung viền của Xperia Z3.

    Tuy nhiên Xperia Z3 vẫn có những nhược điểm nhỏ về thiết kế. Đầu tiên, viền máy bằng nhôm với độ nhám tương tự iPhone cộng với hai mặt kính bám vân tay khiến cho cảm giác cầm chiếc máy này trên tay khá khó chịu, đặc biệt đối với những người hay ra mồ hôi. Thêm vào đó, kích thước các phím bấm trên máy khá nhỏ, khó thao tác, đặc biệt là cụm phím tăng giảm âm lượng rất mảnh và ngắn dễ gây nhầm lẫn khi bấm. Việc dồn toàn bộ phím bấm về cạnh phải của Xperia Z3 cũng không phải là một lựa chọn khôn ngoan của Sony khi máy mất đi tính cân bằng và cũng giống như Xperia Z3 Compact, phím chụp ảnh rất dễ vướng vào ngón út khi cầm máy bằng tay trái.

    Sau phép thử Galaxy Alpha, Galaxy Note 4 là chiếc Note đầu tiên sở hữu bộ khung nhôm. Tuy nhiên, Samsung vẫn khá “sến” trong thiết kế khi phần viền này bị cắt bởi những dải nhựa nhỏ chống nhiễu sóng khá “vô duyên”. Bên cạnh đó, các chi tiết gờ nổi lên ở hai cạnh của viền nhôm Galaxy Note 4 dường như để giảm tình trạng cấn phím nhưng lại tạo cảm giác khá thừa thãi khi các phím bấm trên đó đều mảnh. Việc vuốt cong phần viền ở cạnh dưới và cạnh trên (giắc cắm tai nghe) khiến cho Note 4 không toát lên vẻ sang trọng dù có nắp lưng vân da bám tay khá tốt (và cũng chống xước cho mặt sau nữa).

    Chạy theo trào lưu chung, Samsung ngoài ứng dụng viền nhôm lên Galaxy Note 4 còn vát cong màn hình của thiết bị này về các phía. Việc này tưởng chừng sẽ giúp cho thao tác trên màn hình máy trở nên “sướng” hơn khi vuốt về các cạnh hay vuốt từ cạnh vào trong màn hình nhưng câu trả lời lại là KHÔNG. Thật vậy, do phần viền khá sắc và nổi lên trên so với màn hình nên khiến cho các đường vuốt cong trên màn hình Galaxy Note 4 gần như chỉ có tác dụng tăng tính thẩm mỹ cho máy. Với các màu sắc tương ứng, Galaxy Note 4 có viền nhôm được mạ tiệp màu tương tự như cách Sony áp dụng trên Xperia Z2. Tuy nhiên do Note 4 là một trong những thử nghiệm đầu tiên của Samsung với nhôm nên không thể đảm bảo rằng lớp mạ này sẽ tróc cùng năm tháng.

    Có nắp pin có thể tháo rời nhưng Galaxy Note 4 tạo cảm giác rất chắc chắn khi cầm trên tay mà không hề ọp ẹp. Nắp lưng này có thiết kế chắc chắn như vậy là do có rất nhiều chốt nằm ở mặt sau, nhưng cũng sẽ là nơi hút bụi vào máy nếu người dùng không để ý kĩ khi lắp lại vào máy. Ngoài ra, một nhược điểm còn tồn tại là các khe hở giữa màn hình và phần khung của Galaxy Note 4 khá rõ rệt, đặc biệt một số máy còn có khe hở bên phải màn hình rộng hơn bên còn lại. Cũng do có thiết kế không nguyên khối nên Galaxy Note 4 không có khả năng chống nước như Xperia Z3 hay ngay cả đàn em Galaxy S5, đây là một thiếu sót không đáng có với một siêu phẩm của Samsung.

    Về kích thước, do sở hữu màn hình chỉ 5,2 inch so với 5,7 inch của Note 4 nên Z3 có vẻ ngoài mảnh mai, nhỏ gọn hơn khá nhiều. Thêm vào đó, phần viền màn hình của Xperia Z3 đã mỏng hơn các thế hệ trước khá nhiều, đem lại vẻ thanh thoát hơn cho thiết bị này. Mặc dù vậy, Galaxy Note 4 với các đường vuốt cong ở mặt lưng và các nét diamond-cut trên khung nhôm lại đem lại cảm giác cầm chắc chắn và thích thú hơn. Trên thực tế, Xperia Z3 khiến tôi khá lo khi cầm trên tay giống như iPhone 6 Plus do cả hai máy đều có mặt lưng bằng phẳng.

    Màn hình:

    Giữ nguyên kích thước 5,7 nhưng Galaxy Note 4 được Samsung tăng lực với độ phân giải lên tới 2K (1440 x 2560 điểm ảnh), đem lại cho máy mức mật độ điểm ảnh dày đặc, lên tới 551 pixel trên mỗi inch. Trên thực tế thì độ phân giải Full HD của Xperia Z3 cũng đã quá tốt đối với một chiếc smartphone, ngay cả một vị đại diện Sony cũng cho rằng không đáng để đem công nghệ 2K xuống điện thoại. Với các công nghệ và cách cân chỉnh màu sắc mới, Galaxy Note 4 đem lại trải nghiệm hình ảnh tương tự như dòng máy tính bảng Galaxy Tab S với các màu sắc hiển thị rực rỡ, nịnh mắt, phù hợp nhất cho nhu cầu giải trí nhưng lại không thực như Xperia Z3. Thật vậy, màn hình của Galaxy Note 4 có xu hướng ngả xanh trong khi Xperia Z3 luôn trung thành với các màu sắc theo tiêu chuẩn.

    Để thay đổi, cân chỉnh lại màu sắc theo ý thích thì cả Galaxy Note 4 và Xperia Z3 đều có công cụ tích hợp trong phần cài đặt máy. Tuy vậy, Galaxy Note 4 chỉ có 4 chế độ hiển thị tích hợp, không cho phép người dùng chỉnh sửa nâng cao như Xperia Z3 với các tùy chọn cân bằng trắng, tăng giảm độ bão hòa của các màu đỏ, xanh dương và xanh lá riêng biệt. Ngoài ra, Xperia Z3 còn có các công nghệ độc quyền Triluminos và X-Reality nhưng trên thực tế thì màn hình này cho màu sắc vẫn hơi ám tông lạnh. Qua thời gian sử dụng, Xperia Z3 thể hiện khả năng nhìn ngoài nằng khá tốt (máy có độ sáng 600 nits) và các chi tiết hình ảnh hiển thị trong trẻo và như nổi lên trên màn hình. Một nhược điểm về màn hình của Xperia Z3 là việc phải “gánh” thêm cụm phím ảo thay vì đặt dưới màn hình như Note 4.

    Độ phân giải màn hình nét hơn cũng đồng nghĩa với việc thời lượng pin của Galaxy Note 4 bị rút ngắn. Dù có ưu điểm hơn về khả năng tiết kiệm năng lượng (các điểm ảnh màu đen tự động tắt đèn nền do sử dụng AMOLED) nhưng mật độ pixel quá nhiều khiến cho Galaxy Note 4 phải xử lý khối lượng công việc nặng hơn màn hình tấm nền IPS của Xperia Z3.

    Camera:

    Camera là một nâng cấp rất đáng giá trên Galaxy Note 4. Mặc dù chất lượng ảnh chụp thông thường của Galaxy Note 3 đã khá tốt nhưng trải nghiệm chụp ảnh trên thế hệ Note 4 còn được cải tiến hơn nữa. Không chỉ là nâng cấp về phần cứng với camera độ phân giải cao hơn (16 MP), chất lượng hình ảnh chụp từ chiếc máy này cũng như trải nghiệm chụp cũng được nâng cao đáng kể. Trong các điều kiện ánh sáng tốt, ánh sáng yếu hay phức tạp chiếc máy này vẫn cho tốc độ chụp và khả năng xử lý ảnh có thể coi là tốt nhất nhì hiện nay đối với chế độ chụp tự động của một chiếc smartphone

    Trong cùng điều kiện chụp, Galaxy Note 4 cho khả năng cân bằng trắng khá tốt. Thử nghiệm chụp mặt lưng một chiếc iPad trong nhà, Xperia Z3 cho ra ảnh bị ám hồng nặng trong khi Galaxy Note 4 xử lý ra ảnh có màu sắc chân thực hơn. Ngoài ra, Xperia Z3 cũng không khử rung tốt như đối thủ Samsung khi ảnh chụp thiếu sáng không rõ chi tiết, bị mờ và thậm chí còn mất nét do khả năng lấy nét không tốt. Trong các bài thử, người viết đều sử dụng chế độ chụp tự động hoàn toàn nhằm đem lại cái nhìn khách quan hơn.

    Ngoài ra, cả hai ứng dụng camera trên hai máy đều có giao diện dễ nhìn, dễ sử dụng. Nếu nhàm chán với các chế độ chụp cơ bản, người dùng có thể thử và tải thêm các tính năng chụp vui khác được Sony và Samsung cung cấp miễn phí trên các kho ứng dụng. Nếu như Xperia Z3 sở hữu nút chụp ảnh nhanh nằm ở cạnh phải của máy với hai nấc nhấn đem lại trải nghiệm như máy ảnh thông thường thì Galaxy Note 4 lại có khả năng chụp ảnh bằng cách chạm vào cảm biến nhịp tim ở sau lưng máy rất mới lạ. Xperia Z3 cũng khắc phục được nhược điểm nóng máy khiến chế độ chụp ảnh bị đóng băng đã tồn tại trên các dòng máy thế hệ trước.

    Tính năng và thời lượng pin:

    Nếu so về các tính năng chỉ có trên từng thiết bị trong bài viết này, Xperia Z3 cầm chắc phần thua. Về phần cứng, Galaxy Note 4 sở hữu bút S Pen với khả năng nhận diện nhiều lực nhấn hơn và hiệu quả sử dụng cũng rất tốt. Với các loại “ngòi bút” ảo mới, Galaxy Note 4 đem lại trải nghiệm viết trên máy đã gần giống như viết trên giấy. Các tính năng khác như cảm biến nhịp tim, đo tia UV ngoài giá trị tham khảo cũng giúp người dùng có được cái nhìn tốt hơn về thể trạng của bản thân cũng như hỗ trợ cho các hoạt động thể thao trở nên thú vị hơn với chiếc máy này. Duy chỉ có cảm biến vân tay vẫn chưa hoạt động trơn tru, mượt mà khi người dùng phải quét ngón tay qua nhiều lần thì may ra mới có một lần chính xác. Samsung cũng trang bị nhiều chế độ chạy đa nhiệm thú vị cho Galaxy Note 4 như kéo từ góc màn hình để thu nhỏ giao diện ứng dụng, thu nhỏ ứng dụng thành giao diện tương tự Chat Heads của Facebook, chia đôi màn hình… và khả năng quét chọn văn bản từ hầu như mọi ứng dụng với bút S Pen.

    Về phần Sony, họ chú trọng hơn vào các trải nghiệm nghe nhìn trên Xperia Z3. Dù cùng sở hữu kết nối microUSB thế hệ 2 nhưng một số thử nghiệm cho thấy Xperia Z3 có thể xuất âm thanh qua cổng này để phát ra qua các DAC di động, đem tới trải nghiệm âm thanh chất lượng cao hơn cho các người dùng khó tính. Ngoài ra, Sony cũng đem công nghệ âm thanh Hi-Res lên chiếc máy này, cùng với các tùy chỉnh riêng phù hợp với một số dòng tai nghe của hãng. Trong khi Galaxy Note 4 đặt loa ở mặt sau của máy thì Xperia Z3 cũng khá tinh tế khi thiết kế bộ đôi loa stereo nằm hoàn toàn ở mặt trước của máy, trong đó một loa kiêm luôn vị trí của mic thoại. Một tiện ích nhỏ nhưng ít người quan tâm trên Xperia Z3 đó là khả năng tải hình ảnh ở độ phân giải tối ưu (cạnh ngang 2048 điểm ảnh) lên Facebook. Xperia Z3 cũng có giao diện đa nhiệm với các app mini nhưng thực tế thì nó không được cải tiến nhiều kể từ thời Xperia Z.

    Kể từ Galaxy S5, giao diện TouchWiz trên các dòng máy Samsung đã chạy theo trào lưu phẳng hóa. Giao diện này đem lại cái nhìn mới mẻ, đơn giản hóa hơn cho các máy Samsung nhưng nó vẫn khá nặng nề khi sử dụng. Trong khi đó, Xperia Z3 sở hữu bộ biểu tượng mang phong cách thực theo truyền thống và được bổ sung thêm hình nền động với dải sáng học hỏi từ giao diện XMB trên các máy chơi game PlayStation khá nghệ thuật. Về hiệu năng, cả hai máy đều sở hữu cấu hình thuộc hàng đỉnh nhất hiện nay và cuộc đua cấu hình cũng đang chững lại nên không có bất cứ tác vụ nào có thể gây khó dễ Galaxy Note 4 hay Xperia Z3.

    Một tính năng gần như đã tạo nên dấu ấn riêng của dòng Xperia Z là khả năng chống nước và bụi bẩn. Trên Xperia Z3 thì tiêu chuẩn chống nước này đã là IP68, có nghĩa là chống toàn bộ bụi bẩn chui vào máy và chống nước ở độ sâu 1 mét trong thời gian nửa tiếng liên tục. Con số này đã tăng dần qua các máy thuộc dòng này kể từ IP57 trên Xperia Z. Trong khi đó, Galaxy Note 4 lại không được trang bị tính năng này dù rất nhiều người dùng đã mong đợi được sở hữu một chiếc Galaxy S5 chống nước phiên bản phóng lớn có tặng kèm bút S Pen.

    Dung lượng pin của cả hai thiết bị xấp xỉ nhau, đều trên 3000 mAh (Galaxy Note 4 là 3220 mAh còn với Xperia Z3 là 3100 mAh). Tuy vậy với lợi thế màn hình AMOLED nên Galaxy Note 4 có thể vượt qua bài thử phát video liên tục ở độ sáng cao nhất, mở volume tối đa với tai nghe với thời lượng sử dụng lên tới gần 10 giờ liên tục. Trong khi đó, Xperia Z3 tỏ ra hụt hơi hơn có lẽ do sử dụng công nghệ màn hình LCD không tối ưu điện năng bằng. Ngoài ra, Galaxy Note 4 có nắp lưng có thể tháo được nên người dùng có thể thay thế pin dễ dàng hoặc dự phòng thêm vài viên pin phòng trường hợp sử dụng với cường độ nhiều. Galaxy Note 4 còn nổi trội hơn với công nghệ sạc nhanh QuickCharge 2.0 giúp sạc 50% pin trong thời gian chỉ nửa tiếng. Dù vậy, cả hai máy đều cho hiệu năng pin khá tốt với điều kiện sử dụng thông thường, không đến mức phải sạc hai lần một ngày. Trong điều kiện pin gần hết, người dùng có thể kích hoạt chế độ tiết kiệm STAMINA trên Xperia Z3 trong khi Galaxy Note 4 có thể trở thành một chiếc điện thoại cơ bản với màn hình đen trắng, tắt hết các chức năng giải trí và kết nối thông thường nhằm tiết kiệm pin tối đa.

    Kết luận:

    Với giá bán chênh lệch nhau một triệu đồng cho hàng chính hãng (Xperia Z3 giá 16,99 triệu đồng, Galaxy Note 4 giá 17,99 triệu đồng, tham khảo FPT Shop) và hơn hai triệu đồng cho hàng xách tay (Tham khảo hệ thống Viettablet.com), người dùng khi mua Galaxy Note 4 sẽ có một thiết bị có camera vượt trội và sở hữu nhiều tính năng thú vị hơn, đơn cử như bút S Pen. Trong khi đó, nếu là tín đồ của thiết kế đẳng cấp mang phong cách Sony với khả năng chống nước và muốn tiết kiệm chi phí, Xperia Z3 sẽ là một lựa chọn xứng tầm.

    >> Trải nghiệm camera trên Galaxy Note 4: chụp nhanh, ảnh đẹp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày