Tầm ảnh hưởng của hãng smartphone số một Trung Quốc đã lớn tới cỡ nào?

    Yến Thanh,  

    Mới đây, Huawei đã trở thành hãng sản xuất smartphone lớn thứ 2 tại thị trường di động châu Âu.

    Có một thực tế không thể phủ nhận, thị trường Trung Quốc đã và đang trở thành mảnh đất rất màu mỡ đối với nhiều hãng điện thoại trên toàn cầu. Sau sự thống trị của Apple, Samsung, thị trường này chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các đại diện trong nước như Huawei, Vivo hay Xiaomi.

    Liên tục trong thời gian gần đây, ngôi vương của làng di động Trung Quốc đang được chuyển giao cho 2 nhà sản xuất là Xiaomi và Huawei. Tuy nhiên, chúng ta sẽ chỉ đề cập tới Huawei với vị thế là nhà sản xuất smartphone số 1 Trung Quốc hiện tại, để xem tầm ảnh hưởng của Huawei đã lớn mạnh tới đâu.

    Thị trường nội địa là số một

    Đóng góp một phần không nhỏ cho sự thành công của Huawei ngày hôm nay chính là thị trường di động Trung Quốc. Thị trường 1,4 tỷ dân nghiễm nhiên trở thành bàn đạp vững chãi nhất các các nhà sản xuất nội địa. Và Huawei cũng không nằm ngoài xu thế này.

    Nếu như vào thời điểm Q2/2015, các chuyên gia đã vinh danh Xiaomi là nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc với thị phần khoảng 18%. Thì trong Q3/2015 vừa qua, vị trí này đã thuộc về tay Huawei, với thị phần khoảng 18,7%, gần tương đương với con số mà Xiaomi đã đạt được.

    Về cơ bản, đây là một tín hiệu đáng vui mừng cho thương hiệu Hoa Vĩ. Bởi trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu bão hòa, mức độ tăng trưởng chậm lại giữa các quý tài chính gần đây, việc giữ được ngôi vị đầu bảng không phải là điều dễ dàng.

    Nhận định về tình hình kinh doanh của Huawei gần đây, chuyên gia từ TrendForce cho rằng:

    "Huawei đang cho thấy tiềm lực của một ông lớn trong làng di động Trung Quốc. Với mục tiêu vận chuyển khoảng 100 triệu thiết bị mỗi năm, sẽ không bất ngờ gì khi Huawei đồng thời là một 1 trong 5 nhà sản xuất lớn nhất thế giới."

    Vươn tầm quốc tế không phải điều viển vông

    Khác với phần lớn các nhà sản xuất Trung Quốc hiện nay, Huawei là công ty chịu khó đầu tư vào các bằng sáng chế, cũng như chăm lo tới vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền nhất. Thông qua những động thái này, Huawei đang thể hiện rõ tham vọng vươn ra biển lớn của mình.

    Nhờ đó, nhìn vào thị trường di động toàn cầu hiện nay, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ở đâu đó người ta đã thấy bóng dáng của các smartphone Huawei được người dùng đón nhận, thay vì những tên tuổi như Xiaomi, TCL hay Oppo.

    Đáng chú ý, trong Q3/2015 vừa qua, Huawei đã có một bước đi thần tốc khi trở thành nhà sản xuất lớn thứ 2 tại châu Âu, nhảy liền 4 bậc so với cùng kì năm ngoái. Vượt qua những thương hiệu truyền thống như HTC, Sony hay Motorola, Huawei được xem là làn gió mới cho người dùng châu Âu.

    Trong đó, lý do khiến Huawei trở nên thành công tại thị trường quốc tế tới vậy,là bởi, bản thân các smartphone của thương hiệu Hoa Vĩ đã đáp ứng được 2 yếu tố mà bất kì người dùng nào cũng đều mong muốn: cấu hình, hiệu năng tốt, giá hợp lý, tương xứng với chất lượng của sản phẩm.

    Huawei muốn trở thành Samsung thứ hai?

    Bản thân thương hiệu Huawei và Samsung có rất nhiều điểm tương đồng, như đều chú trọng tới thị trường di động nội địa, đầu tư rất lớn về mặt hình ảnh sản phẩm, hoặc vay mượn, góp nhặt ý tưởng và cải tiến để cho ra những mẫu sản phẩm, mẫu tính năng tốt hơn.

    Ở đây, chúng ta có thể đề cập tới 2 yếu tố đã khiến Huawei lại được người dùng quốc tế chú ý tới vậy. Đầu tiên, nói về công nghệ, Huawei thậm chí đã 2 lần cướp ngôi tiên phong của Apple, nhờ màn hình Force Touch trên chiếc Mate S, và màn hình sapphire trên chiếc Ascend P7 Sapphire.

    Yếu tố thứ hai chính là thiết kế góp nhặt của các smartphone Huawei. Bởi khi nhìn vào mặt sau của chiếc smartphone Huawei Mate S, chúng ta sẽ nhận ra những nét đặc trưng của chiếc One M9 của HTC. Trong khi đó, mặt trước của mẫu điện thoại này là những đường cắt tinh xảo của ngôn ngữ OmniBalance.

    Nói cách khác, Huawei đã cho ra đời những sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành rẻ, nhưng lại mang trong mình những đặc điểm của các thiết bị hàng đầu. Vô hình chung, điều này đã giúp doanh số smartphone tăng trưởng mạnh, và chưa hề có xu hướng sụt giảm trong tương lai.

    Nhưng

    Với hơn 70% doanh thu đến từ các thị trường quốc tế, rõ ràng quá trình xây dựng thương hiệu của Huawei đang đạt được các bước tiến đáng kể. CEO của Huawei cho biết, quá trình xây dựng thương hiệu có thể sẽ diễn ra rất chậm rãi, song Huawei đã và đang đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng tại châu Âu.

    Với các thị trường khác, vấn đề của Huawei không chỉ dừng lại ở việc thuyết phục người tiêu dùng rằng các sản phẩm smartphone Trung Quốc đáng giá hơn những chiếc iPhone hay Samsung Galaxy. Tại Mỹ, Huawei cũng từng bị nghi là liên hệ với chính quyền Trung Quốc.

    Điều này đồng nghĩa, rào cản duy nhất với Huawei chính là lòng tin của người tiêu dùng. Và nếu khắc phục được vấn đề này, đồng thời, đẩy mạnh doanh số smartphone tại các thị trường mới nổi, chúng ta sẽ khó lòng dự đoán được, trong nay mai, ngôi vị nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới có thuộc về Huawei hay không?

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày