Mỗi kết quả tìm kiếm của Google đều có mặt trái: chúng dẫn đến sự thải khí CO2

    Tấn Minh,  

    Mỗi kết quả tìm kiếm của Google đều khiến hành tinh chúng ta phải trả giá. Để xử lý 3,5 tỷ tìm kiếm mỗi ngày, Google đã thải ra đến 40% lượng carbon của toàn Internet.

    Mặc dù Internet được nhắc đến như là một "đám mây", nhưng nó thực ra lại dựa vào hàng triệu máy chủ vật lý đặt trong các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới. Các trung tâm dữ liệu này được kết nối với nhiều dặm cáp quang dưới đáy biển, switch và router, tất cả đều cần rất nhiều năng lượng để hoạt động. Phần lớn năng lượng đó đến từ các nguồn thải carbon dioxide ra không khí - kết quả của việc đốt nhiên liệu hoá thạch. Một nghiên cứu từ năm 2015 cho thấy hoạt động Internet dẫn đến phát thải khí CO2 ngang ngửa ngành công nghiệp hàng không toàn cầu!

    "Dữ liệu cực kỳ ô nhiễm" - Joana Moll, một nhà nghiên cứu tập trung vào tính chất vật lý của Internet cho biết. Năm 2015, để minh hoạ cho hậu quả môi trường mà các kết quả tìm kiếm của Google mang lại, nhà nghiên cứu kiêm hoạ sỹ này đã tạo ra một công cụ hình ảnh hoá dữ liệu gọi là CO2GLE. Hình ảnh dưới đây được chụp từ website Joana tạo nên vào ngày 1/5 vừa qua.

    Mỗi kết quả tìm kiếm của Google đều có mặt trái: chúng dẫn đến sự thải khí CO2 - Ảnh 1.

    "Hầu như chẳng có ai nhớ rằng Internet được cấu thành bởi các cơ sở hạ tầng vật lý liên kết với nhau, và chúng tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên" - Moll viết lời giới thiệu về dự án của mình như vậy - "Làm thế nào mà cả xã hội lại mù mờ về một sự thật rõ ràng như vậy chứ?"

    CO2GLE sử dụng dữ liệu lưu lượng Internet năm 2015, và nó dựa trên giả định rằng Google.com "xử lý một con số trung bình khoảng 47.000 yêu cầu tìm kiếm mỗi giây, tức tương đương với 500kg khí thải CO2 mỗi giây". Con số này nếu chia nhỏ ra sẽ tương ứng với khoảng 0,01kg CO2 trên mỗi yêu cầu tìm kiếm. Moll nói rằng những con số nêu trên đều là ước chừng mà thôi, và Google cũng chẳng xác nhận bài toán này. Trên thực tế, một ước tính vào năm 2009 do Google thực hiện đã cho kết quả rằng mỗi yêu cầu tìm kiếm sẽ tạo ra 0,2g khí thải CO2.

    Một người phát ngôn của hãng cũng cho biết cung cấp các dịch vụ của Google cho một người dùng trong một tháng cũng làm phát sinh lượng khí nhà kính ngang bằng với lái xe một dặm (một chiếc xe chạy xăng trung bình thải ra 8,91kg CO2 trên mỗi 3,8 lít xăng (tức 2,34kg CO2/lít). Tại Mỹ, xe hơi trung bình chạy 10,5km trên mỗi lít xăng, tức một xe hơi sẽ thải ra 224,13g/km.

    Nói là vậy, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa rõ cụ thể các bộ máy tìm kiểm thải ra bao nhiêu khí nhà kính. Một ước tính từ cơ quan tư vấn môi trường Anh cho thấy mỗi kết quả tìm kiếm của Google sẽ thải ra từ 1 đến 10 kg CO2. Con số 10kg là xét trong trường hợp bạn phải khởi động máy trước khi bắt đầu tìm kiếm, nhưng ngay cả với con số 1kg thì ước tính này vẫn cao hơn nhiều so với các kết quả của Google lẫn Moll.

    Google rất quan tâm đến lượng khí thải carbon của hãng. Hiện gã khổng lồ tìm kiếm đang thiết kế các trung tâm dữ liệu tiết kiệm năng lượng hơn, đầu tư vào năng lượng sạch, và đưa ra nhiều chương trình giảm thải carbon. Người phát ngôn của công ty nhấn mạnh rằng Google đã hạn chế carbon từ năm 2007, nhưng điều đó vẫn không khiến người ta quên đi rằng cơ sở hạ tầng của hãng thải ra một lượng đáng kể khí CO2.

    Phát biểu tại Hội thảo Internet Media Age tại Barcelona tuần trước, Moll trình bày một công cụ hình ảnh hoá dữ liệu khác mà cô gọi là "DEFOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOREST": cứ mỗi giây sử dụng Google, 23 cái cây phải tận dụng tối đa khả năng hấp thụ CO2 của chúng.

    Mỗi kết quả tìm kiếm của Google đều có mặt trái: chúng dẫn đến sự thải khí CO2 - Ảnh 2.

    DEFOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOREST - chụp ngày 1/5

    Nghiên cứu của Moll tập trung vào Google bởi quy mô của nó, nhưng các website khác cũng góp phần vào lượng khí carbon của Internet. Facebook là một ví dụ: các trung tâm dữ liệu và hoạt động kinh doanh của mạng xã hội này thải ra 718.000 tấn CO2 vào năm 2016, tức tương đương lượng xả thải CO2 hàng năm của khoảng 77.500 hộ gia đình tại Mỹ sử dụng điện.

    "Điều tôi đang thực sự cố gắng làm là khiến mọi người suy nghĩ và tự xem xét lại tính cần thiết của dữ liệu và tính cần thiết của việc sử dụng Internet trực tiếp" - Moll nói - "Để tính toán lượng CO2 của Internet là cực kỳ phức tạp. Nó là cơ sở hạ tầng lớn nhất từng được xây dựng nên bởi con người và nó có sự tham gia của quá nhiều nhân tố... Nhưng những con số (mà Moll đưa ra) có thể đóng vai trò nâng cao nhận thức".

    Tham khảo: Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ