Mỗi người chúng ta đang sở hữu 1 tấn rác thải nhựa trên Trái Đất hiện tại

    Kuroe,  

    Nhựa plastic tiện dụng trong cuộc sống hàng ngày như vậy, nhưng những hậu quả mà chúng để lại cho môi trường thì không dễ chịu một chút nào. Vậy nên mỗi người chúng ta bớt được chừng nào, dù ít hay nhiều thì cũng sẽ tốt hơn.

    Từ năm 1950 đến nay thế giới đã sản xuất ra hơn 9 tỉ tấn nhựa plastic, và phần lớn chúng vẫn còn tồn tại xung quanh chúng ta.

    Một nghiên cứu mới đây theo dõi tình hình sản xuất và phân phối nhựa trên toàn thế giới, đã phát hiện ra rằng, chỉ có 2 tỉ tấn nhựa plastic đang được con người sử dụng. Vậy 7 tấn nhựa còn lại đi đâu mất rồi?

    Câu trả lời có lẽ cũng không quá bất ngờ: chúng đang tồn tại xung quanh chúng ta dưới dạng rác thải: trong các bãi chôn lấp rác. dưới dạng rác tái chế, hay thậm chí còn là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường đất đai và biển cả. Một lượng nhỏ rác thải nhựa được thiêu hủy trong các lò thiêu.

    Thế nhưng trong khi số rác thải kể trên chất thành núi lớn mà không phân hủy được, thì con người vẫn cứ tiếp tục sản xuất thêm nhiều nhựa hơn nữa. Theo như số liệu thống kê trong nghiên cứu thì trong vòng 30 năm trở lại đây, chúng ta đã tạo ra phân nửa số rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.

    Tất nhiên chúng ta không thể nào phủ nhận tính tiện ích của loại vật liệu này đối với đời sống con người, khi mà nhựa plastic gần như gắn liền với mọi mặt của cuộc sống hiện đại: trong các bao bì tại siêu thị, làm vỏ chai nước, làm ống hút, v...v... Nhưng tốc độ phát triển đáng báo động của rác thải nhựa có lẽ sẽ khiến không ít người giật mình, khi mà con số này đã tăng từ 1% lượng rác thải toàn cầu lên thành 10% chỉ trong chưa đầy 50 năm.

    "Nếu xu hướng như hiện tại vẫn tiếp diễn. các nhà khoa học dự báo tới năm 2050 chúng ta sẽ thải ra khoảng 13 tỉ tấn rác thải nhựa ra môi trường" - Hiệp hội Phát triển Khoa học Mỹ công bố trong tạp chí Science Advances hôm thứ 4 vừa qua.

    Ông Roland Geyer - một trong những nhà nghiên cứu - cho biết: "Đối với tôi điều đáng ngạc nhiên nhất chính là tốc độ tăng trưởng như vũ bão của rác thải nhựa". Cũng theo như nghiên cứu thì tỉ lệ rác thải nhựa được tái chế tại Mỹ rất thấp (9%), kém xa so với châu Âu (30%) hay Trung Quốc (25%).

    Tất nhiên việc tái chế chỉ có tác dụng kéo dài thời gian trở thành rác thải của nhựa plastic mà thôi. Nếu muốn loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa, sẽ chỉ có một cách duy nhất là thiêu hủy. Về phương diện này thì châu Âu và Trung Quốc cũng bỏ xa Mỹ, với tỉ lệ rác thải nhựa được tiêu hủy lên tới 40%. Nhưng giải pháp thiêu hủy rác thải nhựa là một lựa chọn tương đối nguy hiểm, bởi nếu khói thải sau thiêu hủy không được xử lý một cách cẩn thận sẽ còn gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nữa.

    Trung Quốc có lẽ là một trong những quốc gia sản xuất nhiều nhựa plastic nhất trên thế giới, tiếp đến là khu vực châu Âu, cũng như Mỹ và các quốc gia châu Á khác. Nhưng chuyện phát thải rác thải nhựa lại là chuyện không của riêng ai - bởi người tiêu dùng trên toàn thế giới đều có tham gia vào quá trình này.

    Trong quá trình nghiên cứu, các thành viên đã vô cùng bất ngờ với những kết quả mà họ thu được. "Chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước lượng nhựa plastic khổng lồ được sản xuất và tiêu dùng" - ông Geyer chia sẻ. Ông mong muốn các chính trị gia cũng như những người tiêu dùng lưu ý về vấn đề này nhiều hơn nữa.

    "Tôi hy vọng độc giả sẽ phần nào có được cái nhìn về thách thức khổng lồ mà nhựa plastic cũng như rác thải nhựa gây ra cho môi trường. Lượng rác thải đó khổng lồ, và vẫn đang tiếp tục to lớn hơn nữa" - ông Geyer cho biết thêm.

    Rác thải nhựa nếu không được thiêu hủy sẽ tiếp tục nằm lại trong lòng đất hoặc trong nguồn nước. Và vì nhựa plastic là polymer nên chúng sẽ tiếp tục tồn tại hàng chục, thậm chí là hàng trăm năm.

    "Tôi nghĩ chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa vĩnh viễn. Chúng sẽ xuất hện ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta, và ngày một nhiều hơn nữa" - ông Geyer kết thúc.

    Tham khảo Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ