Mỏng hơn? Âm thanh tốt hơn? Không, đây mới là lý do thực sự khiến Apple loại bỏ cổng tai nghe

    L.H.C,  

    Đừng phí công tranh cãi về chuyện người dùng liệu có hưởng lợi khi cổng tai nghe 3.5mm bị khai tử và tai nghe không dây trở thành tiêu chuẩn mới cho smartphone. Bạn chỉ cần biết một sự thật duy nhất: công ty con của Apple cũng là nhà sản xuất tai nghe không dây lớn nhất thế giới!

    "Một vài người đã từng hỏi vì sao chúng tôi lại bỏ cổng analog từ chiếc iPhone. Mọi thứ gói gọn trong một từ duy nhất: lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm để bước tiếp đến một thứ mới mẻ có lợi cho tất cả chúng ta", Phil Schiller, vị phó tổng phụ trách marketing của Apple trong ngày ra mắt chiếc iPhone 7.

    Lời nói của Schiller không phải là hoàn toàn vô lý. Khe cắm tai nghe truyền thống là một thứ công nghệ đã có hàng chục năm tuổi đời. Tại sao lại không để thứ kết nối cũ kỹ này về vườn cùng với ổ đĩa CD hay cổng LAN trên laptop – vốn đều là những nạn nhân cũ của Apple? Chẳng phải tai nghe không dây và loa Bluetooth cũng đã trở nên khá phổ biến trong những năm vừa qua hay sao?

    Dũng cảm vì người dùng hay vì Apple?

    Đó không phải là những luận điểm sai hoàn toàn. Thế nhưng, cổng tai nghe 3.5mm có một điểm khác biệt căn bản so với ổ đĩa CD và cổng Ethernet: vứt bỏ cổng 3.5mm là mang lại rất, rất nhiều phiền toái cho phần đông người dùng. Đầu tiên, gần như tất cả những chiếc tai nghe có dây mà người dùng đang có sẽ không thể hoạt động trực tiếp với iPhone 7. Để chúng tương thích với iPhone mới, bạn sẽ phải sử dụng adapter được Apple bán kèm điện thoại nhưng lại rất... dễ mất. Lúc nào bạn cũng sẽ phải mang adapter kèm điện thoại chứ không phải là kèm theo tai nghe. Bạn cũng không thể vừa sạc pin vừa nghe tai nghe nếu không bỏ ra... vài chục đô mua một phụ kiện khác của Apple.

    Thay đổi mới mang lại quá nhiều bất tiện. Đổi lại, lợi ích thực tiễn nhất khi loại bỏ cổng 3.5mm chỉ là để tiết kiệm thêm một khoảng trống rất, rất nhỏ cho chiếc iPhone. Schiller không sai khi nói rằng chất lượng âm thanh qua cổng Lightning hoặc các phụ kiện gắn cổng Lightning chắc chắn sẽ được cải thiện, nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm người dùng thực sự quan tâm và thực sự cảm nhận được thay đổi đó?

    Hãy nhớ rằng ngay cả iPhone 5 cũng có khả năng phát âm thanh qua cổng Lightning bằng adapter hoặc phụ kiện amp/DAC. Việc Apple vừa làm đơn giản chỉ là ép buộc người dùng phải lựa chọn một giải pháp công nghệ không thực sự có lợi cho họ.

    Vậy ai có lợi? Câu trả lời là Apple. Apple sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi tai nghe dùng jack 3.5mm chìm vào dĩ vãng.

    Doanh số của chiếc iPhone 7 chắc chắn sẽ lên tới hàng chục triệu đơn vị trong vòng vài tháng. Những phiền toái do thiết kế mới gây ra chắc chắn sẽ khiến họ cân nhắc về việc mua tai nghe Bluetooth hoặc tai nghe, adapter và amp/DAC kết nối Lightning. Bất kỳ một sản phẩm nào trong số này đều đem lại doanh thu cho Apple.

    Đầu tiên, các công ty muốn sản xuất tai nghe Lightning hoặc phụ kiện chính thức cho iPhone (MFi) đều phải ký kết thỏa thuận nhượng quyền với Apple. Các điều khoản nhượng quyền không được làm rõ, song nhiều nguồn tin cho rằng Apple sẽ được hưởng lợi nhuận trên mỗi phụ kiện Lightning bán ra. Khi "ép" được người dùng mua tai nghe hoặc phụ kiện Lightning cho iPhone 7, Apple sẽ gia tăng đáng kể nguồn thu từ các đối tác.

    "Mỏ vàng" Bluetooth

    Nhưng mỏ vàng thực sự không phải là Lightning mà là Bluetooth. Không chỉ sở hữu một lượng người dùng đông đảo, Apple còn có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà sản xuất smartphone khác. Ví dụ, ngay từ khi chiếc iPhone 7 vẫn còn chưa rò rỉ hoàn toàn, Lenovo đã kịp ra mắt chiếc Moto Z không có cổng tai nghe 3.5mm. Chắc chắn quyết định khai tử cổng tai nghe trên iPhone 7 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ thị trường smartphone và thị trường tai nghe. Nhu cầu tai nghe Bluetooth chắc chắn sẽ tăng cao và Apple sẽ lại một lần nữa hưởng lợi.

    Lý do là bởi Apple đang sở hữu nhà sản xuất tai nghe Bluetooth số 1 thế giới: Beats Electronics. Theo số liệu của NPD công bố vào tháng 7 vừa qua, Beats chiếm 25% thị phần tai nghe Bluetooth. Doanh thu của Beats cao hơn LG, Bose và Jybird.

    Thị trường này cũng sở hữu một đặc trưng mang đậm màu sắc Apple: doanh thu không tương xứng với thị phần. Theo NPD, tai nghe Bluetooth chỉ chiếm 17% lượng tai nghe bán ra tại Mỹ nhưng lại thu về 54% tổng doanh thu. Tai nghe Beats được bán với giá cao chót vót và cũng có lợi nhuận biên ở mức... 50% trở lên. Nghe giống như một giấc mơ dành cho Tim Cook, vị CEO có biệt tài thu lời tối đa từ mỗi sản phẩm bán tới tay người dùng.

    Quyết định khai tử cổng 3.5mm để thúc đẩy tai nghe Bluetooth vào lúc này là khôn ngoan hơn bao giờ hết. Trong năm qua, doanh số tai nghe không dây đã tăng tới 64% so với 2014. Với quyết định khai tử cổng analog truyền thống, con số này chắc chắn sẽ còn tăng mạnh mẽ hơn trong tương lai gần.

    Nhà phân tích thị trường Ben Arnold của NPD khẳng định: "Quyết định này của Apple thực sự sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ thị trường tai nghe Bluetooth vì người dùng đang sử dụng rất nhiều nhãn hiệu tai nghe khác nhau. Dù vậy nhưng tôi vẫn nghĩ rằng ở vị trí người dẫn đầu, Beats sẽ là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất. Chưa kể, Beats còn được tận hưởng các chiến dịch marketing kết hợp với Apple và nhiều ưu đãi tương tự".

    Không mấy ngạc nhiên, kế hoạch hoàn hảo này đã được Apple thực hiện ngay từ sự kiện iPhone 7 của tuần qua. Bên cạnh 2 chiếc AirPods có giá 159 USD nhưng chất lượng chỉ ngang EarPods giá 29 USD, Apple còn giới thiệu tới 3 mẫu Beats trên sân khấu: Solo 3 Wireless giá 300 USD, Powerbeats 3 giá 200 USD và Beats X giá 150 USD.

    Không phải vô cớ mà mức giá của AirPods được đặt lên mức cao chót vót so với các mẫu Beats mới và cũng không phải vô cớ mà tai nghe Beats bỗng dưng lại được góp mặt trong một sự kiện lớn của Apple (điều chưa từng xảy ra trước đây). Với iPhone 7, Beats Electronics đã thực sự trở thành một phần quan trọng trong tầm nhìn dành cho tương lai của Apple.

    Không phải MacBook Air

    Khi Apple loại bỏ ổ CD và cổng LAN khỏi chiếc laptop, công ty của Steve Jobs chỉ dám làm điều này trên một model duy nhất: chiếc MacBook Air đầu tiên. Ra mắt rất ấn tượng nhưng chiếc MacBook Air 2008 thực chất là một sản phẩm có giá quá đắt so với giá trị thực sự, có cấu hình quá kém cỏi và có thể coi là dành riêng cho những kẻ cuồng Táo nhất. Tác động của MacBook Air đến thị trường 2008 là không đáng kể, khi mẫu laptop siêu mỏng này ra mắt Apple vẫn chưa đạt nổi 5% thị phần toàn cầu.

    Dẫu sao, MacBook Air đã thực sự mở ra một chương mới về thiết kế laptop. Ổ đĩa quang và cổng LAN dần dần chìm vào quá khứ và những chiếc laptop siêu mỏng trở thành tiêu chuẩn cho doanh nhân.

    Lần này, quyết định khai tử cổng tai nghe sẽ không tác động đến thế giới người tiêu dùng theo kiểu "âm thầm" như vậy. Apple thu về gần như toàn bộ lợi nhuận của thị trường smartphone, là tiêu chuẩn để cả Samsung và Xiaomi "học hỏi" và cũng là công ty tạo nhịp cho thị trường toàn cầu. Gã khổng lồ xứ Cupertino vừa mới khai tử một chuẩn kết nối đã gắn bó với người tiêu dùng trong hàng chục năm trời, đánh đổi sự tiện lợi của người dùng lấy lợi nhuận khủng cho một công ty con.

    Đó không phải là một quyết định trái với đạo đức, bởi ai kinh doanh rồi cũng muốn thu lời "khủng". Và cũng chẳng ai có thể phủ nhận rằng càng ngày hai chữ "kết nối" càng đồng nghĩa với hai chữ "không dây". Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng Apple nên vỗ ngực tự hào đã dũng cảm giết chết cổng tai nghe vì lợi ích của iFan. Khai tử cổng tai nghe truyền thống để kích cầu tai nghe Bluetooth và phụ kiện Lightning rõ ràng là một quyết định kinh doanh không hơn không kém, và nếu có dũng cảm, Apple cũng chỉ vừa "dũng cảm" đối đầu với người dùng của mình mà thôi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ