Một cuộc khủng hoảng nguồn cung màn hình OLED sắp tới?

    Nguyễn Hải,  

    Hàng loạt các dấu hiệu cho thấy nhu cầu về màn hình OLED đang tăng vọt nhưng các nhà sản xuất lớn đều gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu này.

    Các tin tức từ hôm qua cho thấy Google đang tìm cách đảm bảo việc gia tăng sản xuất màn hình OLED tại LG bằng cách rót thêm một khoản tiền mặt trị giá 880 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ Won). Trong khi chưa có bên nào xác nhận thông tin này, tin đồn còn cho thấy rằng, có ít nhất một nhà sản xuất smartphone lớn đang lo ngại về triển vọng cung cấp màn hình trong những năm tới. Hơn nữa, còn có hàng loạt chỉ số khác cho thấy rằng một cuộc khủng hoảng nguồn cung OLED có thể sắp xảy ra.

    Nhu cầu tăng vọt từ các nhà sản xuất smartphone

    Một trong những yếu tố đóng góp lớn nhất cho việc thiếu hụt lượng dự trữ OLED là do chiếc iPhone 8 sắp ra mắt. Từ lâu đã có tin đồn rằng Apple cuối cùng đã quyết định chuyển từ công nghệ màn hình LCD sang OLED, và tất nhiên, một bước đi như vậy sẽ cần phải bổ sung ngay lập tức hàng triệu đơn đặt hàng màn hình OLED từ chuỗi cung cấp. Một báo cáo vào đầu năm nay cho thấy rằng Apple sẽ cần khoảng 14% khả năng sản xuất của Samsung để đáp ứng nhu cầu dự kiến cho chiếc iPhone 8 của họ.

    Samsung dự kiến sẽ là nhà sản xuất màn hình độc quyền cho chiếc iPhone 8 của Apple, khi hiện tại hãng này là nhà sản xuất lớn nhất cho các tấm panel OLED kích thước nhỏ. Ước tính hiện Samsung đang sử dụng đến 56% các tấm panel OLED trên thị trường cho dòng smartphone Galaxy của họ, bao gồm cả những chiếc flagship Galaxy S và dòng điện thoại tầm trung A series.

    Giữa nhu cầu của riêng mình và đơn hàng lớn từ Apple, các đối tác khác của Samsung, như Oppo, Vivo và những công ty khác, sẽ phải cạnh tranh để giành được các hợp đồng mua tấm panel. Sau khi trừ đi nhu cầu của riêng mình và tin đồn về đơn hàng của Apple, Samsung ước tính chỉ còn khả năng cung cấp khoảng 50 triệu tấm panel AMOLED cho các nhà sản xuất trong năm tới.

    Điều này có thể là ngọn nguồn cho quyết định của Google khi tiếp cận LG thay vì người đang dẫn đầu thị trường. LG đang mạnh tay đầu tư để mở rộng dây chuyền sản xuất OLED nhằm bắt kịp với công suất của Samsung, nhưng dường như họ đã tìm được cho mình một vài hợp đồng cung cấp.

    Khoản đầu tư của Google được cho là có giá trị đến 880 triệu USD sẽ đủ cho LG xây dựng một dây chuyền sản xuất mới dành riêng cho các tấm panel trên điện thoại. Công ty vốn đã có hai nhà máy sản xuất màn hình OLED dẻo, một hướng đi mà LG cho biết sẽ đầu tư nghiêm túc trong năm nay.

    Tin đồn cũng cho thấy rằng, đơn hàng của Google có thể sẽ được sản xuất tại nhà máy E5 ở thành phố Gumi City, Hàn Quốc. LG hiện là nhà cung cấp tấm panel lớn nhất cho các loại OLED TV cỡ lớn, nhưng họ vẫn đang cố gắng bắt kịp ngôi vị dẫn đầu của Samsung trong việc sản xuất tấm panel cho điện thoại. Samsung hiện chiếm đến 95% thị trường OLED cho di động.

    Giá thành giảm giúp màn hình OLED chiếm thế thượng phong trước LCD

    Một yếu tố khác càng làm gia tăng áp lực lên nguồn cung OLED là việc chi phí sản xuất giảm và sản lượng được cải thiện, đã giúp cho giá thành của loại công nghệ này giảm so với màn hình LCD truyền thống. Năm ngoái, khoảng cách về giá giữa hai loại màn hình điện thoại này đủ lớn để các nhà sản xuất điện thoại tầm trung cần phải cân nhắc các sự lựa chọn. Một số lượng nhỏ các smartphone giá rẻ hơn đã xuất xưởng với màn hình OLED, nhưng chúng hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cung dư thừa từ Samsung.

    Lượng nhu cầu tăng thêm từ dòng thiết bị tầm trung này kết hợp với các đơn hàng lớn từ những gã khổng lồ dường như là các yếu tố làm giảm mức độ sẵn có của những tấm panel, đặc biệt từ các nhà sản xuất lớn nhất. Điều này cũng tạo nên một hiệu ứng dây chuyền đến các nhà sản xuất smartphone.

    Asus cho biết, họ đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung màn hình từ Samsung cho các sản phẩm tầm trung của họ. Thay vào đó, công ty đã phải tìm tới các nhà sản xuất tấm panel từ Trung Quốc như Tianma Micro Electronics và BOE Technology Group để có được các sản phẩm mình cần. Tuy nhiên, các nhà sản xuất tấm panel này sẽ khó kịp ra mắt sản phẩm trước 2018, và ngay cả sau đó, năng lực sản xuất cũng sẽ mất một thời gian nữa để đạt công suất tối đa.

    Theo các báo cáo của ngành, trong khi Oppo và Vivo đã tìm cách đảm bảo nguồn cung từ người dẫn đầu thị trường, Samsung, nhưng Huawei lại không thể đảm bảo nhu cầu của mình được đáp ứng đủ. Nếu đúng như vậy, rất có thể Huawei sẽ phải tìm nguồn cung bổ sung từ các nhà sản xuất khác hay đơn giản chỉ giới hạn màn hình OLED cho một số model flagship, hoặc họ cũng có thể lựa chọn sử dụng màn hình LCD cho các sản phẩm của mình. Ngoài ra cũng có tin đồn HTC sẽ lựa chọn công nghệ OLED cho thiết bị của mình, nhưng dường như họ không may mắn như vậy.

    Theo Android Authority

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ