Một nghiên cứu chỉ ra 2/3 số đột biến ung thư là ngẫu nhiên và không thể tránh khỏi

    zknight,  

    Một tỷ lệ lớn quyết định bạn có mắc ung thư hay không lại là do hên xui.

    Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science ngày hôm nay, các nhà khoa học nói rằng 2/3 số đột biến gây ung thư cho con người là ngẫu nhiên và không thể tránh khỏi. Nó xuất phát từ những lỗi trong quá trình sao chép DNA bình thường, bên trong một người khỏe mạnh bình thường.

     Nghiên cứu gây sốc khi tuyên bố 2/3 số đột biến ung thư là không thể tránh khỏi

    Nghiên cứu gây sốc khi tuyên bố 2/3 số đột biến ung thư là không thể tránh khỏi

    Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, đa số các nhà khoa học đã đồng ý rằng: Ung thư xảy ra trên cơ thể một người bệnh xuất phát hoặc do di truyền hoặc do bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, ngoài ra thì là sự kết hợp của cả hai.

    Thế nhưng, liệu có một yếu tố thứ 3 khác hay không? Mới đây, nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Kimmel Johns Hopkins đã chỉ ra manh mối về điều đó. Bây giờ, dường như những lỗi ngẫu nhiên trong quá trình sao chép DNA, cũng có thể làm cho tế bào bị đột biến để trở thành ung thư.

    Tệ hơn nữa, đa số các lỗi này là thứ con người không, hoặc ít nhất là chưa thể kiểm soát được. Những lỗi sao chép DNA được phám phá xảy ra ở cả những người mà gia đình chưa hề có tiền sử ung thư, họ cũng là những người có lối sống hết sức lành mạnh.

     Số phận đang gieo xúc xắc để quyết định một người sẽ mắc ung thư hay không?

    Số phận đang gieo xúc xắc để quyết định một người sẽ mắc ung thư hay không?

    Lý do tại sao mà các nhà nghiên cứu ung thư chưa thấy được điều đó, là bởi chưa ai có khả năng đo lường được nó”, Cristian Tomasetti, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. Có thể trước đây một số người đã nghĩ đến vấn đề này, nhưng họ chỉ định tính chứ chưa thể đo lường để định lượng và cho ra kết quả khoa học.

    Bây giờ, trong bài báo mới được công bố trên tạp chí Science, Tomasetti và các đồng nghiệp đã chỉ ra một con số đáng ngại: Quá trình sao chép DNA dường như là nguyên nhân của 2/3 các đột biến ung thư.

    Chúng ta đã từng biết rõ rằng mình phải tránh các yếu tố từ môi trường, chẳng hạn như khói thuốc để giảm nguy cơ ung thư. Nhưng không phải ai cũng biết rằng mỗi lần một tế bào bình thường [trong chính cơ thể bình thường] của họ phân chia, nó sao chép DNA để đưa sang một tế bào mới. Quá trình này xảy ra không ít lỗi”, Tomasetti giải thích.

    Những lỗi trong quá trình sao chép này là một nguồn tiềm ẩn đột biến ung thư, mà trong quá khứ nó đã bị khoa học đánh giá thấp. Nghiên cứu [của chúng tôi] đã cung cấp được những ước tính đầu tiên về tỷ lệ các đột biến gây ra bởi những lỗi sao chép này”.

    Sử dụng một mô hình toán học chạy trên máy tính, Tomasetti cùng đồng nghiệp của anh, Bert Vogelstein đã đánh giá dữ liệu DNA và các phát hiện dịch tễ học ở nhiều nơi trên thế giới. Trong số 32 loại ung thư được đưa vào nghiên cứu, họ nhận thấy rằng 66% các đột biến ung thư là kết quả của lỗi sao chép DNA, 29% là do yếu tố môi trường và chỉ có 5% đến từ di truyền.

     Sao chép DNA trong quá trình phân bào gây ra nhiều lỗi, và đó có thể là nguyên nhân của 2/3 tế bào ung thư

    Sao chép DNA trong quá trình phân bào gây ra nhiều lỗi, và đó có thể là nguyên nhân của 2/3 tế bào ung thư

    Bài báo này là lần đầu tiên có người nhìn vào tỷ lệ đột biến ở nhiều loại ung thư đa dạng và gán nó với 3 yếu tố nhân quả”, Tomasetti nói. Trong ung thư tụy, nghiên cứu chỉ ra lỗi sao chép DNA ngẫu nhiên gây ra 77% các khối u.

    Trong ung thư tuyến tiền liệt, não và xương Tomasetti nói rằng nguyên nhân thứ 3 này còn chiếm đến 95% các trường hợp. Điều đó có nghĩa là tập thể dục, ăn uống lành mạnh và hít thở không khí trong lành chỉ giúp bạn giảm được nhiều nhất là 5% nguy cơ.

    Tuy nhiên, cũng có một số loại ung thư khác đã kéo yếu tố “hên xui” này xuống. Chẳng hạn, 65% ung thư phổi xuất phát từ yếu tố môi trường, chẳng hạn như hút thuốc lá hoặc sống trong đô thị ô nhiễm. Ung thư phổi không có yếu tố di truyền nhưng vẫn có 35% cơ hội xuất hiện nhờ các lỗi sao chép DNA.

    Tất cả các dữ liệu tổng hợp lại đã ủng hộ con số mà chúng ta đã thống nhất. Các nhà khoa học nói 40% ung thư có thể được phòng ngừa. Nghĩa là cho đến hiện tại, mọi người vẫn phó mặc 60% còn lại cho “số mệnh”, hay một thứ gì đó ngẫu nhiên ta không thể làm chủ.

    Chúng ta cần tiếp tục khuyến khích mọi người tránh các tác nhân môi trường và có lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ phát triển đột biến gây ung thư”, Vogelstein cho biết. “Tuy nhiên, sẽ vẫn có những người phát triển ung thư do lỗi sao chép DNA ngẫu nhiên. Vì vậy, tìm ra phương pháp tốt hơn để phát hiện ung thư sớm, trong khi nó vẫn có thể được chữa khỏi là hướng đi rất cấp thiết”.

     Các nhà khoa học vãn đang tranh cãi về kết quả của nghiên cứu mới này

    Các nhà khoa học vãn đang tranh cãi về kết quả của nghiên cứu mới này

    Tuy nhiên, cũng phải nói rằng một nghiên cứu quá sốc thế này không phải không gây ra những tranh cãi. Mặc dù Tomasetti hoàn toàn sử dụng các dữ liệu rất uy tín từ Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), với phổ mẫu trên 68 quốc gia khắp thế giới, anh vẫn chưa thể thuyết phục một số nhà khoa học.

    Phó giáo sư Song Wu, đến từ Khoa Toán học thống kê ứng dụng, Đại học Stony Brook cho biết: “Tôi cảm thấy kết luận của họ hơi táo bạo”. Ông quan ngại rằng nghiên cứu dựa trên một mẫu dữ liệu chưa đủ độ phủ rộng và thiếu khách quan.

    Ví dụ, một số nghiên cứu chỉ ra môi trường là thành phần quan trọng ảnh hưởng đến ung thư tuyến tiền liệt. Tomasetti và Vogelstein dường như đã không xem xét đến chúng, và đơn giản tuyên bố ung thư tuyến tiền liệt gần như không bị ảnh hưởng bởi môi trường sống.

    Đồng nghiệp của giáo sư Wu, Yusuf Hannun đến từ Trung tâm Ung thư Stony Brook cũng nói rằng nghiên cứu mới này tồn tại lỗ hổng. Đó có thể là sự tương quan giữa phân chia tế bào gốc và nguy cơ ung thư.

    Bây giờ, trong thời gian chờ đợi các nhà khoa học tiếp tục tranh luận về kết quả này, chúng ta vẫn sẽ phải làm hết sức mình để phòng tránh ung thư: Ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, bỏ hút thuốc lá, tập thể dục và tránh môi trường ô nhiễm. Dẫu tất cả những nỗ lực này chỉ đem lại 1/3 hiệu quả đi chăng nữa, nó cũng là một tỷ lệ đáng để cố gắng.

    Tham khảo ScienceAlert, Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ