Mỹ: Hỏa táng thi thể bệnh nhân ung thư xong mới phát hiện người này đang bị nhiễm phóng xạ

    zknight,  

    Vấn đề vẫn thường bị xem nhẹ.

    Một người đàn ông 69 tuổi người Mỹ bị ung thư tuyến tụy được cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng huyết áp thấp bất thường. Đáng buồn thay, ông ấy tử vong chỉ 2 ngày sau đó. Như quy trình bình thường, thi thể người đàn ông được đem đi hỏa táng.

    Nhưng điều mà không bác sĩ nào tại bệnh viện này, cũng như các nhân viên tại nhà hỏa táng biết, đó là người đàn ông vừa được tiêm một liều phóng xạ vào người trước đó chỉ 1 ngày. Người bệnh nhân đã đến một bệnh viện khác, nơi các bác sĩ điều trị khối u bằng Lutetium-177 tiêm tĩnh mạch.

    Tại thời điểm ông ấy được hỏa táng, liều phóng xạ này vẫn còn bên trong thi thể.

    Mỹ: Hỏa táng thi thể bệnh nhân ung thư xong mới phát hiện người này đang bị nhiễm phóng xạ - Ảnh 1.

    Một người đàn ông Mỹ được hỏa táng sau khi chết, không ai biết trong người ông ấy có chất phóng xạ

    Trường hợp đáng báo động này đã xảy ra trong năm 2017, nhưng mới vừa được báo cáo trong một tài liệu gửi đến tạp chí JAMA. Nó là minh họa rõ nét nhất cho những rủi ro có thể xảy ra trong 40 triệu thủ tục y học hạt nhân được thực hiện mỗi năm trên thế giới, sử dụng đến dược phẩm phóng xạ.

    Trong khi các bệnh viện và cơ sở y tế đã xây dựng được một quy trình chặt chẽ quản lý phóng xạ điều trị cho bệnh nhân còn sống, vẫn còn đó những lỗ hổng xảy ra sau thời điểm bệnh nhân chết. Trường hợp bệnh nhân 69 tuổi được hỏa táng với liều phóng xạ vẫn còn trong người xảy ra, chỉ đơn giản vì ông ấy đã lọt qua được vết nứt lớn ấy.

    "Dược phẩm phóng xạ đặt ra một thách thức đặc thù, liên quan đến điều kiện an toàn sau khi bệnh nhân chết, nhưng vẫn thường bị xem nhẹ", các nhà nghiên cứu đến từ Mayo Clinic giải thích.

    "Hỏa táng một bệnh nhân bị phơi nhiễm sẽ làm bay hơi dược phẩm phóng xạ, sau đó chúng có thể được hít vào bởi các công nhân (hoặc thải vào cộng đồng lân cận), kết quả là phơi nhiễm [phóng xạ] đã vượt ra ngoài phạm vi một bệnh nhân còn sống".

    Trong trường hợp bệnh nhân 69 tuổi này, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu ông ấy đã mắc phải một điểm mù trong quy trình. Gần một tháng sau, điểm mù này mới được bệnh viện điều trị trước đó và Khoa An toàn bức xạ ở đây phát hiện.

    Họ đã liên lạc ngay với nhà hỏa táng, sử dụng máy đếm Geiger để đo lượng bức xạ tàn dư bên trong buồng hỏa táng, trên các thiết bị bao gồm lò nướng, bộ lọc chân không và máy nghiền xương. 

    Mặc dù mức bức xạ tìm được tương đối thấp, nó cũng đã xác nhận được liều lutetium Lu 177 tồn dư và tạo nên một nguy cơ phơi nhiễm với những nhân viên làm việc tại đây.

    "Mức bức xạ này không giống một vụ nổ Chernobyl hay Fukushima thứ hai, nhưng nó cao hơn mức bạn dự đoán", Kevin Nelson, đồng tác giả nghiên cứu, một nhân viên an toàn bức xạ nói với The Verge.

    Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó.

    Mỹ: Hỏa táng thi thể bệnh nhân ung thư xong mới phát hiện người này đang bị nhiễm phóng xạ - Ảnh 2.

    Liệu các nhân công làm việc trong nhà hỏa táng và khu vực dân cư lân cận có bị ảnh hưởng bởi điều này hay không?

    Khi các nhà nghiên cứu phân tích nước tiểu của những nhân viên làm việc tại nhà hỏa táng, họ không thể tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của Lutetium 177.

    Điều bất ngờ là những nhân viên này lại bị phơi nhiễm với một đồng vị phóng xạ khác, Technetium 99m. Những công nhân cho biết họ chưa bao giờ tiếp xúc với hợp chất này trong bất kỳ một quy trình y học hạt nhân nào.

    Bởi vậy, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng nhà hỏa táng cũng đã xử lý thi thể những bệnh nhân ung thư khác được điều trị bằng Tc 99m. Không có bằng chứng chắc chắn cho việc đó, nhưng nếu dự đoán của họ chính xác, chúng ta thực sự đã phát hiện ra một lỗ hổng lớn trong quy trình quản lý dược phẩm phóng xạ.

    Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu các nhân công làm việc trong nhà hỏa táng và khu vực dân cư lân cận có bị ảnh hưởng bởi điều này hay không?

    Thực tế thì lượng phóng xạ ở đây rất thấp, cho nên ngay cả khi quá trình bay hơi ngẫu nhiên này có đang xảy ra ở khắp nơi trong ngành công nghiệp hỏa táng, nó có thể không nguy hiểm như mọi người mường tượng.

    "Tôi không nghĩ rằng đây là một vấn đề có thể kéo theo bất kỳ nguy cơ ung thư hoặc các bệnh do phóng xạ nào", nhà nghiên cứu ung thư Paolo Boffetta đến từ Trường Y khoa Icahn tại Mount Sinai nói.

    "Nhưng như đã nói, rõ ràng đó [thi thể những bệnh nhân ung thư được điều trị phóng xạ] là một nguồn phơi nhiễm tiềm năng, và nếu ai đó tiếp xúc thường xuyên, mỗi tuần hoặc vài ngày một lần, thì nó có thể trở thành một mối quan tâm thực sự".

    Các nhà nghiên cứu cho biết, hơn một nửa số người Mỹ lựa chọn hình thức hỏa táng sau khi chết. Bởi vậy, quy trình quản lý bệnh nhân từng điều trị với thuốc phóng xạ là một lĩnh vực mà hệ thống y tế Mỹ cần phải quan tâm hoàn thiện.

    Điều này bao gồm quy trình tốt hơn để đánh giá liều lượng phóng xạ trong cơ thể bệnh nhân đã chết (trước khi họ được hỏa táng), và tiêu chuẩn hóa các thông báo của nhà hỏa táng đến khách hàng của họ.

    Mỹ: Hỏa táng thi thể bệnh nhân ung thư xong mới phát hiện người này đang bị nhiễm phóng xạ - Ảnh 3.

    Nhiều nghiên cứu, theo dõi và thống kê mới nên được thiết kế và thực hiện, để sớm cho chúng ta câu trả lời cuối cùng về vấn đề này.

    Trường hợp bệnh nhân 69 tuổi này là lần đầu tiên chúng ta phát hiện ra lỗ hổng trong quy trình. Bởi vậy, không ai thực sự biết nó có xảy ra thường xuyên hay không và nếu có thì ở mức độ nào.

    "Họ chỉ tình cờ phát hiện được trường hợp này bởi vì thông thường họ không có quản lý [thi thể bệnh nhân ung thư sau điều trị phóng xạ]", nhà khoa học hạt nhân Marco Kaltofen đến từ Học viện Bách khoa Worcester ở Massachusetts, cho biết.

    Nhiều nghiên cứu, theo dõi và thống kê mới nên được thiết kế và thực hiện, để sớm cho chúng ta câu trả lời cuối cùng về vấn đề này.

    Tham khảo Sciencealert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ