Nạn tin giả hoành hành trên Facebook - đâu là giải pháp?

    Ngocmiz,  

    Trong khi chính Facebook còn đang lúng túng trước vấn nạn này, các nhà phát triển độc lập đã nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp thú vị.

    Sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khép lại với hàng loạt “bão tố” trên mặt trận truyền thông, ngành công nghiệp fact-checking (xác thực thông tin) đã nở rộ một cách chưa từng thấy. Người ta chỉ trích Facebook vì nghi ngờ thông tin giả mạo lan truyền trên site đã chi phối kết quả bầu cử mà không nhìn nhận rõ căn nguyên của chúng. Trong khi Mark Zuckerberg còn đang tuyệt vọng giải thích về vụ việc, vấn nạn tin giả đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục hoành hành ở đủ mọi hình thức.

    Những trò giả mạo có thể là các "bài báo" được chế ra để câu view vào trang mà hàng ngàn người vẫn liên tục bị "dắt mũi":

    Cũng có thể là những sự kiện giả thu hút hàng nghìn người tham gia như thế này:

    Nhân vật chính, nhạc sỹ Fred Durst không hề xuất hiện, nhưng số người cả tin đổ xô đến ngóng chờ buổi diễn của ông đông đến mức chủ nhà hàng phải dán một mẩu giấy giải thích event Facebook là "hàng fake" ngoài cửa thế này:

    Hay nghiêm trọng hơn là các mẩu tin giật gân về những vấn đề hệ trọng như tranh cử tổng thống hay chính sách quốc gia nhưng hoàn toàn không được kiểm chứng:

    Đây cũng chính là lý do nhiều người quay ra chỉ trích nền tảng Facebook vì đã không có biện pháp xử lý những mẩu tin thất thiệt khiến họ lầm tưởng Hillary Clinton đã nắm chắc phần thắng.

    Đối mặt với vấn đề này, Facebook chưa đưa ra được giải pháp nào cụ thể mà chỉ lên tiếng rằng “việc phân loại tin tức thật giả là hết sức phức tạp” bởi công ty lo ngại sẽ gây ra tình trạng thiên lệch nếu phải chặn một số page nhất định.

    Trong khi đó, nhiều tổ chức và các nhà phát triển độc lập lại tỏ ra nhanh nhạy hơn hẳn trong việc khắc phục vấn nạn nội dung giả.

    Một nhóm sinh viên đại học tại Mỹ đã dành 36 giờ tham gia cuộc thi Hackathon (thi lập trình giải quyết vấn đề dưới áp lực thời gian cho sẵn) để thiết kế tiện ích Chrome có tên FiB: Stop living a lie giúp người dùng xác định các tin đáng ngờ trên Facebook.

     Tiện ích Fib: Stop living a lie sẽ gắn nhãn not verified trên mỗi đường link đáng ngờ

    Tiện ích Fib: Stop living a lie sẽ gắn nhãn "not verified" trên mỗi đường link đáng ngờ

    Bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tiện ích này sẽ phân loại các bài đăng có chứa hình ảnh khiêu dâm, link giả mạo, link malware và tin tức không chính thống. Với mỗi link, hệ thống sẽ phân tích các yếu tố như độ tin cậy của website, kiểm tra malware hoặc tìm kiếm nó trên Google/Bing. Với các ảnh chụp màn hình từ Twitter, FiB: Stop living a lie sẽ tự động chuyển thành ký tự rồi tìm tên người dùng trên Twitter để xem chúng có thực sự được những người dùng đó đăng tải hay không.

    Một tiện ích Chrome khác có tên B.S. Detector do nhà phát triển độc lập Daniel Sieradski thiết kế cũng giúp người dùng lọc bớt tin giả từ các page không chính thống trong blacklist của Sieradski. Tuy nhiên, Sieradski chia sẻ rằng anh đã thu thập một danh sách các trang lừa đảo/không đáng tin để B.S. Detector nhận diện chứ không thiết kế ra thuật toán cảnh báo người dùng trên từng link bài báo. Người dùng có thể yêu cầu chỉnh sửa setting danh sách các trang nghi vấn trên GitHub.

     B.S. Detector cũng gắn cờ với các nguồn bài không đáng tin

    B.S. Detector cũng gắn cờ với các nguồn bài không đáng tin

    Những nỗ lực giảm thiểu tin tức giả chưa dừng lại ở đây. Một tổ chức phi lợi nhuận của Anh mới đây cũng ra mắt các công cụ giúp xác thực thông tin dễ dàng như Full Fact với mục tiêu có thể vượt mặt các công cụ xác thực nổi tiếng của Mỹ như PolitiFact, FactCheck.org hay Snopes.com khi sử dụng cả thuật toán tự động lẫn các chuyên gia thật để đánh giá mức độ trung thực của các khẳng định trên mạng. Full Fact hy vọng có thể mang công cụ của mình tới tay các nhà báo cũng như chính những độc giả thông thái hiện nay.

     Full Fact có thể đưa ra kết luận liệu những lời khẳng định trên mạng có dựa trên các dữ liệu lạc hậu/không chính thống hay không

    Full Fact có thể đưa ra kết luận liệu những lời khẳng định trên mạng có dựa trên các dữ liệu lạc hậu/không chính thống hay không

    Sự phổ cập của Internet đã nhấn chìm con người trong một biển dữ liệu online mà kiến thức hay tư duy phản biện chưa chắc đã đủ để thẩm định được tính đúng sai của các luồng thông tin. Thế nhưng xét một cách tích cực thì chỉ khi những vấn đề như vậy bùng nổ, con người ta mới thực sự nỗ lực đi tìm lời giải cho chúng. Tuy chưa phải là hoàn hảo nhưng những ứng dụng, tiện ích xác thực thông tin hiện nay chắc chắn sẽ là lời gợi ý cho những hệ thống phân loại tối ưu hơn trong tương lai.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày