Dù có nhiều ưu điểm như kết nối ổn định, tốc độ cao, tuy nhiên ở thời điểm đứt cáp, kết nối cáp quang không khác nhiều so với kết nối dial-up trước đây.
Thời điểm cuối những năm 90, người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận với internet hơn nhưng nó vẫn còn là một thứ xa xỉ đối với cuộc sống thường ngày. Tôi còn nhớ năm 1998, chiếc máy tính đầu tiên được sở hữu trong đời có màn hình dày bịch, case to hơn cả máy chơi game hiện nay nhưng giá lên tới 20 triệu đồng. Nếu sử dụng thêm internet ở mức phổ thông, lựa chọn chính sẽ là mạng "tút tút" (dial-up) VNN1268, 1269 tính tiền theo... phút, trung bình mỗi tháng tôi phải trả thêm tới 500.000 đồng cho dịch vụ này.
Tuy nhiên có được kết nối dial-up ở thời điểm trên đã được coi là "cao cấp" vì giá dịch vụ kết nối internet quá cao so với nhu cầu thường ngày. Với tốc độ "rùa bò", để tải xong một website phải mất tới cả phút đồng hồ. Thậm chí với một số trang web nặng, có sử dụng nhiều flash, hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng time-out không thể truy cập hoặc hiển thị đầy đủ.
Để truy cập website thông thường đã gặp nhiều khó khăn, việc xem video trực tuyến gần như là điều nằm ngoài sức tưởng tượng, hoặc nếu muốn xem tôi buộc phải tạm dừng để máy tự tải trước nội dung. Hội bạn chúng tôi thường nói vui với nhau rằng mạng dial-up là dùng để đọc báo, đừng mơ tưởng tới việc chơi game hay xem phim trực tuyến.
Và rồi tới năm 2003, ADSL xuất hiện như một "vị cứu tinh" cho những người nghiện internet. Đã từng có thời kỳ dịch vụ internet ADSL Việt Nam có tốc độ tăng trưởng được đánh giá là bùng nổ với số thuê bao phát triển năm sau gấp đôi năm trước. Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của dịch vụ này là tốc độ cao, có thể đáp ứng được nhu cầu chơi game trực tuyến và xem video, hơn nữa ADSL tính cước dựa vào dung lượng tải về mà không phải thời gian sử dụng như dial-up.
Nếu như trước đây với ưu thế về băng thông tốc độ cao, khi hoạt động không ảnh hưởng tới đường dây điện thoại cố định… công nghệ băng rộng ADSL đã "khai tử" công nghệ dial-up. Nay, sau một thời gian, vị thế của ADSL đã lung lay và dần được thay thế bằng công nghệ cáp quang.
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng liên tục tung ra các gói cước giá rẻ, thậm chí chỉ ngang bằng ADSL nhưng người dùng được sử dụng mạng ổn định, tốc độ tải lên và xuống cao. Những tưởng chúng ta đã tìm được "thiên đường" với dịch vụ cao cấp này, nhưng ít ai có thể ngờ có thời điểm cáp quang khiến chúng ta quay về thời "đồ đá" như khi sử dụng dial-up.
Câu chuyện về đứt cáp nóng hơn bao giờ hết khi năm 2014 vừa qua, đã có tới 3 lần cáp quang biển bị gián đoạn và mỗi lần kéo dài tới cả tháng trời. Tới đầu năm 2015, một lần nữa tuyến cáp quang biển AAG bị đứt và thời gian dự kiến sửa chữa ít nhất là 3 tuần.
Ở thời đại công nghệ, chúng ta cập nhật tin tức qua báo điện tử, theo dõi thông tin từ bạn bè mình qua mạng xã hội, xem video và nghe nhạc trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu,... cùng với đó là rất nhiều dịch vụ khác như game online, email,... Tất cả đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đứt cáp quang biển.
Tôi chợt nhớ tới kết nối dial-up trước đây, có lẽ nó không khác biệt là bao so với tốc độ mạng hiện tại. Để tìm kiếm thông tin và hình ảnh trên Google, tôi cũng phải đợi hàng phút. Nếu muốn xem video, YouTube sẽ bị loại ngay khỏi danh sách. Hay như việc check mail thường ngày, tôi cũng phải nhìn thanh loading chạy mà không biết khi nào mới tải xong.
Chúng ta không thể làm gì khác bởi việc đứt cáp nằm ngoài mong muốn và dự tính của đơn vị quản lý, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, khi công nghệ len lỏi trong mọi ngóc ngách cuộc sống thì việc internet gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới gần như toàn bộ người dùng.
Có nhiều cách khắc phục như dùng dịch vụ trong nước hay sử dụng công cụ hỗ trợ, tuy nhiên tất cả chỉ là tạm thời. Điều chúng ta có thể làm chỉ là chờ đợi và hi vọng tuyến cáp quang biển "bình an vô sự".
>> Cứu cánh mùa đứt cáp, công cụ nào sẽ thay thế Google Search tại VN?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cuối cùng Samsung đã khắc phục được vấn đề mà người dùng Galaxy Z Fold than phiền bấy lâu nay
Galaxy Z Fold Special Edition đang cho thấy những cải tiến lớn, ngay cả với Galaxy Z Fold6 vừa ra mắt.
Mở hộp Cooler Master MasterLiquid 360 Atmos: không chỉ là tản nhiệt AIO