Người lật tẩy bê bối Chính phủ Mỹ biến mất bí ẩn

    PV,  

    Cựu nhân viên CIA - người tiết lộ bê bối nghe lén của Cục Tình báo Trung ương gia Mỹ - đột ngột biến mất một cách bí ẩn ở khách sạn tại Hồng Kông.

     Edward Snowden. Người lật tẩy bê bối Chính phủ Mỹ đột ngột biến mất

    Edward Snowden. Người lật tẩy bê bối Chính phủ Mỹ đột ngột biến mất

    Cựu nhân viên CIA - người tiết lộ bê bối nghe lén của Cục Tình báo Trung ương gia Mỹ - đột ngột biến mất một cách bí ẩn ở khách sạn tại Hồng Kông.

    Không rõ tung tích

    Đài phát thanh RTHK của Hồng Kông cho biết, Edward Snowden , 29 tuổi, rời khỏi khách sạn Mira vào ngày 10.6, hiện chưa rõ người này đi đâu, chỉ biết rằng nhiều khả năng vẫn còn ở Hồng Kông. Reuters dẫn lời nhân viên khách sạn nói rằng Snowden đã check-out vào buổi trưa.

    Hồng Kông - một phần lãnh thổ của Trung Quốc - ký hiệp ước dẫn độ với Mỹ mặc dù các nhà phân tích cho rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa Snowden về Mỹ có thể kéo dài nhiều tháng và nhiều khả năng có thể bị Bắc Kinh ngăn cản.

    Snowden được cho là đến Hồng Kông ngày 20.5. Theo visa nhập cảnh Hồng Kông đối với công dân Mỹ, thời gian lưu lại tại đây là 90 ngày.

    Snowden là cựu nhân viên kỹ thuật của CIA, hiện đang làm việc tại nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ NSA. Trong tài liệu tiết lộ làm rúng động Mỹ, Snowden cho biết NSA đã xây dựng một hệ thống cho phép nghe lén và giám sát thông tin. Với khả năng này, hầu hết các liên lạc đều được tự động ghi lại.

    "Nếu tôi muốn xem email hay điện thoại của vợ bạn, tất cả những gì tôi cần làm là sử dụng hệ thống chặn. Tôi có thể đọc email, biết được password, danh sách các cuộc gọi điện thoại và thẻ tín dụng của bạn".

    Snowden nói rằng anh không muốn sống ở một xã hội làm những việc như thế. "Tôi không muốn sống ở một nơi mà tất cả những gì tôi làm và nói đều bị ghi âm".

    Snowden cũng cho rằng anh không phạm tội gì. "Chúng ta đã nhìn thấy quá đủ những gì gọi là tội phạm ở chính phủ này. Do đó, cáo buộc chống lại tôi chỉ là hành động đạo đức giả". Tuy nhiên, Snowden thừa nhận anh có thể nhận kết cục là sống trong tù và lo ngại cho những người biết mình.

    Biện hộ việc nghe lén

    Người đứng đầu ngành tình báo Mỹ James Clapper đã mạnh mẽ biện hộ cho các chương trình theo dõi điện thoại của chính phủ sau khi việc ghi âm các cuộc điện thoại và việc theo dõi các máy chủ Internet bị tiết lộ. Ông nói rằng, việc tiết lộ của Snowden gây "tổn hại không thể sửa chữa" và "đáng trách".

    Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ nói, ông muốn đảm bảo với người dân Mỹ rằng cộng đồng tình báo cam kết tôn trọng quyền tự do cũng như quyền riêng tư cá nhân.

    Những tuyên bố mạnh mẽ được đưa ra sau khi báo Guardian của Anh nói, một lệnh mật của tòa án đã đòi Hãng điện thoại Verizon phải trao các hồ sơ lại cho Cơ quan An ninh quốc gia "hằng ngày".

    Thông tin được đưa ra sau những tiết lộ trên cả báo Washington Post và Guardian, nói rằng các cơ quan của Mỹ đã theo dõi trực tiếp từ các máy chủ của 9 hãng Internet để theo dõi người sử dụng trong một chương trình có tên Prism. Các bài báo về Prism nêu ra những câu hỏi mới về việc Chính phủ Mỹ xâm phạm tới mức nào quyền riêng tư của các công dân khi bảo vệ an ninh quốc gia.

    NSA xác nhận đã âm thầm thu thập hàng triệu cuộc gọi điện thoại; nhưng ông Clapper nói, "việc tiết lộ khi không được phép... có thể gây tổn hại dài lâu và không thể sửa chữa được cho khả năng của chúng ta trong việc xác định và đối phó với nhiều mối nguy mà đất nước đang phải đương đầu".

    Bài báo đã bỏ đi "thông tin then chốt" về việc sử dụng các thông tin thu được để "ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố và áp dụng một số các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư và quyền tự do cá nhân".

    Ông Clapper cho hay, thông tin về Prism có "một số điểm không chính xác". Trong khi thừa nhận chính quyền thu thập các cuộc liên lạc từ các hãng Internet, ông nói rằng chính sách áp dụng chỉ nhằm vào các đối tượng "không phải người Mỹ".

    Báo Washington Post cho hay, tuy nhiên một lượng lớn các nội dung trao đổi của người Mỹ vẫn bị kiểm tra để lần theo dấu vết hoặc tìm hiểu thêm thông tin về các đối tượng bị để ý.

    Các thông tin thu thập được từ Prism đã trở thành phần đóng góp quan trọng cho báo cáo hằng ngày lên tổng thống và chiếm tới gần một phần bảy các báo cáo tình báo- tờ báo này nói thêm. Washington Post nêu tên 9 công ty Internet, gồm Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube và Apple.

    Theo BBC
    Lao Động

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày