Tản mạn về App Store (P1): Trình tìm kiếm ứng dụng của Google hạ "nốc ao" Apple

    Trần Anh,  

    (GenK.vn) - App Store khá lộn xộn khi không có trình tìm kiếm hiệu quả, trong khi đối thủ Google Play làm rất tốt điều này.

    Vào năm 2013, App Store thu về 10 tỷ USD tổng lợi nhuận trong khi Facebook chỉ thu được gần 8 tỷ USD. Trung bình mỗi tháng có khoảng 2 tỷ ứng dụng được tải về. Nhưng App Store vẫn khá lộn xộn.

    Mặc dù lượng sản phẩm và doanh thu cao nhưng App Store vẫn khá lộn xộn

    Mặc dù lượng sản phẩm và doanh thu cao nhưng App Store vẫn khá lộn xộn

    Khi được hỏi về tình trạng hiện nay của App Store, nhiều hãng phát triển ứng dụng cho rằng khi nắm trong tay 1, 2 triệu ứng dụng, Apple hơi chững lại trong chuyện đổi mới khi cửa hàng trực tuyến của họ vẫn luôn như vậy từ xưa tới nay.

    Cụ thể, khi nhận xét về quy trình tìm kiếm ứng dụng của App Store, Ouriel Ohayon, người sáng lập và đồng thời là CEO của nền tảng khám phá và quảng cáo ứng dụng AppsFire, cựu biên tập viên của trang TechCrunch tại Pháp cho biết: “App Store vẫn bị hạn chế trong việc tìm kiếm. Mặc dù nó giống như một danh sách các ứng dụng có khả năng phát triển thành hệ sinh thái nhưng hầu hết những nhà phát triển vẫn gặp vấn đề trong việc đến với người dùng và người sử dụng cũng gặp khó khăn trong việc tìm đúng ứng dụng.”

    Tinh chỉnh App Store là một vấn đề khá quan trọng trong bối cảnh các nhà phát triển ứng dụng thu được xấp xỉ 7 tỷ USD/năm từ cửa hàng trực tuyến của Apple và thu nhập của họ phụ thuộc chủ yếu vào thành công của các sản phẩm do mình làm ra hoặc phát triển.

    Mặt khác, theo quan điểm của Apple, hãng cần “dĩ hòa vi quý” với các nhà phát hành ứng dụng bởi quan ngại họ có thể đến với Google và Play Store. Khi Apple cạnh tranh với Android, một trong những lợi thế chủ đạo của hãng chính là khả năng duy trì mối quan hệ với các nhà phát triển ứng dụng thứ ba, những người tạo ra các sản phẩm di động xuất sắc. Nếu không có họ, Táo khuyết sẽ phải đối mặt với rủi ro thua cuộc trong cuộc chiến nền tảng với Android.

    Nếu không có những nhà phát triển sản phẩm, Apple rất có thể thua Android trong cuộc chiến nền tảng

    Nếu không có những nhà phát triển sản phẩm, Apple rất có thể thua Android trong cuộc chiến nền tảng

    Khả năng tìm kiếm và khám phá

    Theo Erez Pilosof, người phát triển Hop – ứng dụng có chức năng tái cấu trúc email dưới dạng tin nhắn thoại giữa hai bên, nhận định: “Tìm kiếm ứng dụng trong các cửa hàng trực tuyến hiện nay khá khó khăn. Nếu bạn tìm Hop trên cửa hàng của Apple, bạn sẽ thu được những kết quả chẳng liên quan gì tới email. Đôi khi, chúng cho ra những kết quả khá ‘dị’ hay không có gì cả. Apple nên bổ sung thêm một số đoạn mã để cải thiện tính năng tìm kiếm thì hơn.”

    Người viết cũng từng thử tìm Hop theo lời của Pilosof và kết quả thu được đầu tiên chính là Doodle Jump và Hop nằm cách đó 23 ứng dụng khác. Không những vậy, đây không phải là sản phẩm duy nhất gặp vấn đề với chức năng tìm kiếm khá yếu của App Store. Điển hình như khi ứng dụng chat mới nhất của Facebook – Slingshot ra mắt, từ khóa “Facebook” cũng không đủ để cho người dùng tìm được ứng dụng cần thiết. Không những vậy, khi internet tràn ngập các thông tin về ứng dụng chat của mạng xã hội lớn nhất hành tinh muốn cạnh tranh thị phần với Snapchat xuất hiện, “Slingshot” cũng chỉ đem đến cho bạn những trang ứng dụng liên quan tới từ khóa nhưng người dùng các sản phẩm của Apple phải trải qua ít nhất 4 trang để có được kết quả mình cần.

    Ví dụ của Pilosof về kết quả thu được khi tìm kiếm Hop

    Ví dụ của Pilosof về kết quả thu được khi tìm kiếm Hop

    Tới thời điểm hiện tại, khi bạn tìm kiếm “Slingshot”, nó sẽ xuất hiện ngay trên trang kết quả đầu tiên nhưng thứ hạng kết quả xuất hiện phụ thuộc chủ yếu vào số lần tải về của người dùng và không liên quan mấy tới độ “hot” hay xu hướng sử dụng của sản phẩm.

    Apple đang cố gắng hết sức trong việc sửa chữa vấn đề trên. Vào năm 2012, hãng đã mua lại Chomp – bộ tìm kiếm ứng dụng cho phép người dùng tìm kiếm các sản phẩm dựa trên chức năng và cách sử dụng thay vì tên. Vào năm 2013, Táo khuyết quyết định mua thêm hãng nghiên cứu dữ liệu Topsy – đối tác chính thức của Twitter với nhiệm vụ phân loại hàng trăm tỷ “lời nói” (tweet) của người dùng từ khi Twitter bắt đầu hoạt động. Nhiều người cho rằng, cả Chomp và Topsy một ngày nào đó sẽ hỗ trợ cho công cụ tìm kiếm của App Store, nhưng tới nay Apple vẫn chưa có bất cứ cải tiến gì đáng chú ý dành cho vấn đề này.

    Có thể nâng cấp chức năng tìm kiếm trên App Store là một vấn đề nan giải hơn chúng ta tưởng do lượng ứng dụng của cửa hàng khá lớn, nhiều sản phẩm có tên trùng hoặc gần giống nhau về cách phát âm hay từ khóa khiến cho khả năng phân loại sản phẩm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với nhiều ứng dụng có tuổi đời lâu năm và ít được biết đến.

    Nhiều sản phẩm trên App Store trùng tên hoặc cách phát âm gây khó khăn cho người dùng

    Nhiều sản phẩm trên App Store trùng tên hoặc cách phát âm gây khó khăn cho người dùng

    Theo ông David Chartier, quản lí marketing của AgileBits, nhóm phát triển ứng dụng quản lý mật khẩu nổi tiếng 1Password cho biết: “Vấn đề chủ yếu xoay quanh tình trạng của App Store khi một số thay đổi dành cho công cụ tìm kiếm của họ có tác dụng nhất định nhưng không giải quyết được vấn đề triệt để. Họ nên loại bỏ những ứng dụng ‘có tuổi’ trong cửa hàng của mình. Đối với những sản phẩm không được cập nhập trong vòng X năm, họ cũng nên kiểm tra hoặc thông báo cho nhà phát triển nâng cấp sản phẩm của mình trong một khoảng thời gian nhất định.”

    Về cơ bản, đây là giải pháp giúp cho người dùng luôn có những sản phẩm mới và trong tình trạng sử dụng tốt. “Tôi nghĩ nhận thức được hoàn cảnh hiện tại có thể giúp họ thay đổi điều đó. Tôi không hoàn toàn chắc liệu nó có thể giải quyết được toàn bộ vấn đề hay không nhưng cũng có một số cách đơn giản khác như quảng bá trên các phương tiện truyền thông sẽ giúp ứng dụng xuất hiện ở vị trí dẫn đầu.”

    Mặt khác, Hillel Fuld – Giám đốc marketing của nhóm phát triển ứng dụng giao tiếp Zula cho rằng: “Tiềm năng liên quan tới hoạt động tìm kiếm cực kì lớn. Nhưng tìm kiếm theo ngữ cảnh lại rất khó… Apple nên hiểu ý định của người dùng khi đề xuất kết quả. Google làm rất tốt điều này trên trang web của mình.”

    Google làm khá tốt nhiệm vụ tìm kiếm theo ngữ cảnh hơn Apple

    Google làm khá tốt nhiệm vụ tìm kiếm theo ngữ cảnh hơn Apple

    Trong khi Google sử dụng lịch sử tìm kiếm của mỗi người để “nhân cách hóa” kết quả của họ thì Apple cũng có thể giới thiệu tính năng đề xuất kết quả ngay trên thanh tìm kiếm của mình. Cái App Store còn thiếu chính là tính năng nhân cách hóa cửa hàng trực tuyến dành cho mỗi người sử dụng. Ban đầu, họ thử nghiệm với Genius nhưng nó lại thất bại. Hiện nay, Apple đã thay thế tính năng này bằng Explore nhưng không có cách nào thu được kết quả tương tự Google.

    Amazon là một ví dụ điển hình của mô hình “lai” kết hợp giữa sắp xếp thông tin và nhân cách hóa kết quả tìm kiếm, giúp người dùng tìm kiếm kết quả chính xác hơn và tránh phiền phức. Google cũng sử dụng phương thức đề xuất kết quả trên trong cửa hàng trực tuyến Google Play của mình. Khi hạn chế kết quả tìm kiếm như vậy, Apple đang vô tình làm giảm hứng thú trong trải nghiệm người dùng App Store.

    (Còn tiếp)

    Tham khảo BusinessInsider.

    >> Tản mạn về App Store (Phần 2 - phần cuối)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày