Nếu xảy ra tai nạn, đó là lỗi của người thiết kế đường - cách quản lý giao thông độc nhất vô nhị của Thụy Điển

    KON,  

    Nếu một chiếc xe suýt nữa đâm phải người đi đường khi nó đang rẽ phải khi đèn đỏ, đó là lỗi của ai? Theo ông Matts-Ake Belin, nhà chiến lược an toàn giao thông của Thuỵ Điển, lỗi là ở người đã thiết kế giao lộ.

    "Tại sao chúng ta lại đổ lỗi hoàn toàn lên đầu những người tham gia giao thông, khi chúng ta biết rằng họ sẽ nói chuyện điện thoại, hay làm những việc sẽ khiến chúng ta không vui?" Belin nói với CityLab trong một cuộc phỏng vấn. "Vì thế, hãy thử xây dựng một hệ thống thân thiện hơn với con người xem sao."

    Belin là một trong những người sáng tạo ra Vision Zero, một chính sách của Thuỵ Điển được áp dụng vào năm 1997 nhắm loại bỏ các ca tử vong trên đường. Nhưng không như những chính sách nhằm khiến cho đường phố an toàn hơn, Vision không cố gắng đổ lỗi cho nạn nhân hay thủ phạm. Thay vào đó, Vision Zero cố gắng xây dựng một hệ thống mà họ nghĩ là sẽ an toàn hơn. Và Vision Zero có vẻ đang thành công. Từ khi bắt đầu chiến dịch, Vision Zero đã làm giảm hơn nửa số tử vong giao thông, xuống dưới 3 người chết/100.000. Hãy so sánh với con số này ở Hoa Kỳ, là 11,6 người chết/100.000 người.

    Hầu hết những người làm trong ngành an toàn giao thông đều muốn thay đổi hành vi của con người, Belin chia sẻ. Nhưng con người thường không để ý. Chúng ta đi đường tắt, chúng ta dùng điện thoại khi mà chúng ta không nên dùng. Vision Zero tính toán đến những điểm yếu này của con người và cố thiết kế để khắc phục những điểm yếu đó. Vision Zero cũng công nhận là không có tử vong không có nghĩa là không có tai nạn.

    "Ở Vision Zero, tai nạn không phải là vấn đề chính. Vấn đề là người tham gia giao thông bị chết hoặc bị thương nặng," Belin chia sẻ. "Và lý do mà người tham gia giao thông bị thương nặng là bởi vì con người chỉ có một ngưỡng chịu đựng tác động bên ngoài nhất định. Và chúng tôi hiểu rõ được là con người có thể chịu đựng được đến đâu."

    Một cách để làm giảm chấn thương là làm giảm tốc độ, bởi vì khi bị đâm bởi một chiếc xe đi nhanh hơn thì chắc chắn sẽ tăng khả năng gây chết người hơn. Khi mà xe ô tô, người đi bộ hoặc người đi xe đạp buộc phải đi cùng nhau, vận tốc tối đa sẽ giảm, khoảng 30 km/h. Điều này làm giảm nguy cơ gây tai nạn tử vong xuống còn 10%, thay vì là 80% khi mà vận tốc tối đa là 50 km/h.

    Vision Zero cũng không hẳn là không ưa xe ô tô. Belin thừa nhận rằng xe ô tô vẫn còn cần thiết. "Trong xã hội hiện nay chúng ta đang phụ thuộc vào vận tải đường bộ, chúng ta cần phải cho phép hầu hết mọi người sử dụng phương tiện này." Chúng ta chỉ cần kiểm soát việc sử dụng của họ tốt hơn thôi.

    Thuỵ Điển cũng có những cách tiếp cận việc thực thi khác nhau. Lấy ví dụ như ở Thuỵ Điển, quốc gia này có một trong những mạng lưới camera trên đường bộ lớn nhất thế giới, nhưng họ lại không bắt ai cả, cũng chẳng kiếm tiền từ tiền phạt. Mặc dù vậy, camera đã tăng mức độ tuân thủ tốc độ từ 50% lên đến khoảng 90%. Việc quốc gia này không kiếm lợi nhuận từ tiền phạt có nghĩa là mục đích của máy ảnh là an toàn, chứ không phải là để kiếm tiền. "Vì vậy chúng tôi đã khích lệ mọi người làm điều đúng đắn," Belin cho hay.

    Hệ thống có vẻ là hợp lý và đúng đắn, tuy nhiên có cũng có nhiều sự phản đối. Các nhà kinh tế học chính trị coi sự an toàn như một sự đánh đổi, với số tử vong là "mức giá mà bạn phải trả cho giao thông," và các chuyên gia giao thông vẫn muốn thay đổi hành vi của con người chứ không phải là thiết kế lại hệ thống đường xá để thích ứng với bản chất con người.

    Tham khảo Fast Company

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ