Ngành công nghiệp smartphone cạn kiệt ý tưởng tới mức dùng cổng tai nghe và màu sắc làm "chiêu trò" nhận diện thương hiệu?

    Le Min Kop,  

    Sức sáng tạo của toàn ngành bị đặt dấu hỏi lớn khi những tính năng mới chẳng thấy đâu, thay vào đó là vài ba chi tiết tầm thường được "thổi phồng" lên thành hiện tượng.

    Smartphone ngày càng hoàn thiện để đáp ứng gần như mọi nhu cầu của người dùng. Chất lượng máy ảnh không có nhiều thay đổi trong vài năm trở lại đây , thời lượng pin các đời máy năm 2017 được đảm bảo đủ cho một ngày dài bận rộn.

    Công nghệ sạc nhanh trở nên phổ biến, độ hoàn thiện thiết bị ngày càng cao và tính năng chống thấm nước dường như là tiêu chuẩn của mọi nhà sản xuất. Phải chăng, các công ty quá vất vả trong việc tạo nên khác biệt trên thị trường tới mức những thứ đơn giản như cổng tai nghe hoặc màu sắc mới lại trở thành cứu cánh cho họ?

    Apple tự nhận mình dũng cảm khi loại bỏ cổng tai nghe 3.5 mm trên iPhone 7. Nhưng tất cả chúng ta đều hiểu, đó thực tế là chiêu trò buộc người dùng phải chi thêm tiền cho tai nghe không dây AirPods. Hãy nhìn cách công ty cho ra bộ chuyển đổi cổng 3.5mm và tai nghe EarPods hỗ trợ Lightning để thấy họ sợ quyết định của mình gây ra phản ứng tiêu cực như thế nào.

    Nhưng trên hết, động thái của Táo khuyết chẳng làm các nhà sản xuất khác bận tâm. Nếu như trước đây, cả làng công nghệ hồ hởi trang bị cảm biến vân tay lên dòng thiết bị của mình cho “bằng bạn bằng bè” thì nay, họ vẫn giữ lại cổng 3.5mm.

    Nên nhớ, cổng tai nghe không phải là một tính năng, cũng giống như cổng sạc, nút âm lượng hay cổng hồng ngoại (IR Blaster). Nó đơn giản chỉ là thứ vốn có ở đó. Nếu một công ty quyết định loại bỏ cổng sạc để chuyển sang dùng công nghệ không dây, thì phải chăng những OEM còn lại trở nên khác biệt vì vẫn giữ thiết kế cũ?

    Cũng giống như việc chuyển từ chuẩn microUSD sang USB Type-C, nếu các nhà sản xuất cung cấp bộ chuyển đổi cổng tai nghe phù hợp thì người dùng sẽ chẳng mấy bận tâm tới thay đổi này. Đơn giản, đó không phải thứ gì đó quá mới mẻ. Cái mọi người quan tâm là liệu thay đổi đó có mang lại trải nghiệm tốt hơn hay không, còn hình thức bên ngoài không quá quan trọng.

    Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà smartphone gần như hoàn thiện. Đã qua rồi cái thời máy ảnh điện thoại chụp ảnh “mờ tịt”, pin sạc nguyên chiều chỉ để dùng cho một tối hay như gặp trời mưa là xác định máy hỏng vì không thấm nước.

    Do mọi thứ đã đủ tốt, các công ty lại quay sang cố thổi phồng tầm quan trọng của những thứ vốn rất bình thường. Lấy ví dụ, OnePlus tuần trước mở chiến dịch quảng cáo rầm rộ về phiên bản OnePlus 3T “đặc biệt” được bán với số lượng có hạn. Thế nhưng, cái “đặc biệt” đó lại nằm ở lớp vỏ màu đen của máy vốn được biết như màu cơ bản trên điện thoại.

    Model giới hạn chẳng mang tới gì khác biệt ngoại trừ logo Collette ở mặt sau và nước sơn đen. Vậy nhưng công ty lại quảng bá trên Fanpage Facebook như một thứ gì đó cao siêu. Điều đó phô bày cho thực trạng cạn kiệt ý tưởng.

    Không chừng trong thời gian tới, giới công nghệ sẽ lặp lại chiêu bài cũ rích này cho việc loại bỏ IR Blaster hay bỏ phím Home vật lý để dùng phím ảo trên màn hình. Chẳng nhà sản xuất xe hơi nào đi thổi phồng sản phẩm của mình có 4 bánh và động cơ đốt trong. Đó vốn dĩ là những thứ hết sức cơ bản phải có. Những gì người dùng muốn thấy là tính năng mới chưa từng được biết đến trước đó.

    Khách hàng ngày càng trở nên tỉnh táo hơn để không bị dụ vào kiểu quảng cáo kiểu thiết kế mô-đun của LG hoặc cố thuyết phục về chiếc điện thoại chắc chắn có đủ tính năng cần thiết. Vì thế, các nhà sản xuất trở nên khó khăn hơn trong việc tìm ra điểm nhấn thu hút công chúng.

    Giá smartphone đang dần chạm ngưỡng 1.000 USD và người dùng chắc chắn không muốn bỏ tiền ra chỉ để thử nghiệm tính năng hoặc kiểm tra chất lượng sản phẩm cho bất kỳ nhà sản xuất nào. Thế nhưng, bản thân chúng ta cũng cần tỉnh táo tránh bị cuốn vào những chiêu trò được thổi phồng lên.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ