Nghe ARM giải thích về bí kíp họ đang tu luyện mang tên "tốc độ Trung Hoa" - điều làm nên sức mạnh của các thương hiệu điện thoại Trung Quốc

    Le Min Kop,  

    Chẳng phải ngẫu nhiên ARM lại ví von bản thân như hình ảnh chuyển mình của Trung Quốc, bởi đây là một trong những thị trường smartphone tàn khốc nhất thế giới.

    Trung Quốc là một thị trường smartphone sôi động và cạnh tranh bậc nhất thế giới. Những công ty mà ngay cả báo chí còn vất vả để phát âm cứ tầng tầng, lớp lớp thay phiên nhau. Bất kỳ một cái tên nào biến mất sẽ nhanh chóng được thế chỗ trong cuộc chiến tranh giành từng đồng nhân dân tệ.

    Huawei Mate 9 cho thấy khả năng ra mắt sản phẩm trong thời gian ngắn của Trung Quốc
    Huawei Mate 9 cho thấy khả năng ra mắt sản phẩm trong thời gian ngắn của Trung Quốc

    Tốc độ phát triển chóng mặt và sức sáng tạo của thị trường di động Trung Quốc nổi tiếng đến mức trở thành một biểu tượng. ARM gọi đó là “Tốc độ Trung Hoa” để làm chuẩn mực so sánh cho kiến trúc lõi xử lý di động mới ra mắt và dùng như tính từ mô tả cho bước tiến vượt bậc về khả năng thiết kế và chế tạo điện thoại so với trước đây.

    Trước khi công bố hai sản phẩm chiến lược Cortex-A75 và A55, ARM đã tổ chức sự kiện tiền đề tại quê nhà Cambridge, Anh để chỉ rõ nhu cầu thay đổi của toàn ngành công nghiệp. Qua đó, hãng tự hào giới thiệu giải pháp từ thiết kế mới của mình. Đó cũng là lần đầu tiên chúng ta nghe giám đốc tiếp thị ARM Ian Hutchinson nói về khái niệm “Tốc độ Trung Hoa” và ý nghĩa chiến lược kinh doanh của ông.

    Thị trường smartphone tại Trung Quốc vô cùng khắc nghiệt
    Thị trường smartphone tại Trung Quốc vô cùng khắc nghiệt

    Hutchinson lấy ví dụ,Huawei Mate 9 được trang bị chip đồ họa Mali-G71 chỉ 8 tháng sau khi ARM giao sản phẩm cho đối tác. Nếu theo đúng quy trình, thời gian từ thiết kế thô cho tới sản phẩm hoàn chỉnh phải mất ít nhất 1 năm, nhưng Huawei đã rút ngắn được 1/3 chu trình.

    Hãy nhìn để thấy, OnePlus ở Thâm Quyên đã thay thế OnePlus 3 bằng chiếc OnePlus 3T chỉ trong vòng vài tháng hồi năm ngoái và dự kiến sẽ sớm bán ra chiếc OnePlus 5. Trung Quốc sản sinh ra nhiều ngôi sao sáng giá như Oppo và Vivo vốn xây dựng vững chắc mạng lưới cửa hàng tại các vùng nông thôn (trong khi Huawei tập trung vào thị trường đô thị) và trung thành với chiến lược lôi kéo người dùng bằng cam kết liên tục nâng cấp các tính năng, như máy ảnh kép, tăng dung lượng pin và viền màn hình mỏng.

    Nhu cầu mua sản phẩm công nghệ tại Trung Quốc rất cao
    Nhu cầu mua sản phẩm công nghệ tại Trung Quốc rất cao

    Đó là chưa kể những thương hiệu tầm tầm như Doogee và Maze, cả hai dù ít được người dùng quốc tế biết đến nhưng lại gây ấn tượng tại thị trường nội địa với màn hình hiển thị gần như không có viền.

    Mọi người vẫn thắc mắc vì sao các nhà sản xuất Trung Quốc lại có thể đạt tới tốc độ tăng trưởng như vậy. Chính ARM cho biết, họ (công ty Trung Quốc) đã tiết kiệm rất nhiều khâu trung gian khi không tiến hành thử nghiệm hay kiểm tra tỉ mỉ, thay vào đó chỉ chú trọng làm sao để ra mắt sản phẩm trước đối thủ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.

    Điều đó có nghĩa, họ sẽ đưa ra thiết kế dự kiến với yêu cầu về nhiệt độ và mức tiêu thụ năng lượng của dòng vi xử lý tiếp theo. Khi con chip được chuyển đến, họ sẽ bắt tay vào việc ngay. Rõ ràng rủi ro sẽ rất lớn nếu tính toán sai, nhưng tính cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc đẩy các nhà sản xuất vào thế không còn gì để mất. CEO Yuanqing Yang của Lenovo cũng thừa nhận như vậy và bằng chứng rõ nét chính là ở doanh số phập phồng của hãng hay như màn hụt hơi sau bước chân thần tốc của Xiaomi.

    Xiaomi từng có bước tiến thần tốc nhưng giờ đã thấy mọi thứ không hề dễ dàng
    Xiaomi từng có bước tiến thần tốc nhưng giờ đã thấy mọi thứ không hề dễ dàng

    Theo dữ liệu của Accenture, nhu cầu tiêu dùng công nghệ tại Trung Quốc ngày càng tăng đồng thời người dân rất sẵn sàng để mua một chiếc điện thoại mới. Nhưng yếu tố quyết định để họ nâng cấp nằm ở chính những tiện ích vượt trội so với thiết bị cũ cùng mức giá hấp dẫn. Điều đó thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phải tung ra bản nâng cấp liên tục, không có chỗ cho mô hình mỗi năm một mẫu smartphone như Mỹ hay phương Tây. Ngay cả gã khổng lồ Apple vốn gây tầm ảnh hưởng rộng lớn trên toàn thế giới vẫn ngậm ngùi nhận trái đắng tại Trung Quốc.

    Những người am hiểu thị trường đất nước tỷ dân mô tả, văn hóa kinh doanh ở đây là phải tăng tốc tối đa nếu không muốn bị vùi dập. Nếu tại Mỹ và châu Âu, các quyết định được đưa ra theo từng tuần, thậm chí hàng tháng thì ở Trung Quốc phải tiến hành từng ngày. Đó cũng bởi một phần nhờ lợi thế địa lý khi công ty điện thoại lại rất gần các nhà máy sản xuất. Nhưng hơn hết, đó là khác biệt về quan điểm ở Trung Quốc, nơi luôn coi trọng “tốc độ và phá bỏ các rào cản” còn hơn cả thung lũng Silicon.

    Ở một lĩnh vực mang tính cạnh tranh như thị trường smartphone Trung Quốc, rủi ro trở thành yếu tố thúc đẩy mọi người vươn lên để sinh tồn. Chiến lược đó tồn tại những mặt trái nhất định khi các công ty không đủ thời gian để tối ưu mọi thứ và hoàn thiện thiết kế. Nhưng chẳng là gì bởi tốc độ thay thế smartphone dần rút ngắn với hợp đồng 2 năm. Người dùng khao khát sở hữu mẫu điện thoại mới bất kể có sử dụng hết tính năng hay không.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ