Nghe Q - trợ lý ảo phi giới tính đầu tiên trên thế giới cất tiếng nói: không giống nam mà cũng chẳng phải nữ

    Tấn Minh,  

    Trong thế giới công nghệ và trợ lý giọng nói, vấn đề mất cân bằng giới tính không phải là chuyện lạ.

    Vấn đề mất cân bằng giới là một sự thật hiển nhiên trong lĩnh vực công nghệ nói chung và trợ lý giọng nói nói riêng. Dù là Siri, Cortana, Alexa, hay bất kỳ giọng nữ nào phát ra để nhắc bạn rẽ phải khi dùng Google Maps, hầu hết chúng đều là những AI nữ có nhiệm vụ nhận và thực hiện các câu lệnh của chúng ta.

    Với việc có quá nhiều "nữ giới" phục vụ con người trên các thiết bị thông minh, cùng với sự phát triển và phổ biến nhanh chóng của AI, không hề ngạc nhiên khi công nghệ chính là một yếu tố khiến vấn nạn phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại đến ngày nay và sẽ tiếp diễn trong tương lai. Nhưng Q - giọng nói phi giới tính đầu tiên trên thế giới - đã xuất hiện với hi vọng có thể xoá bỏ khuynh hướng thiên vị giới tính trong lĩnh vực công nghệ.

    Q - trợ lý giọng nói phi giới tính đầu tiên trên thế giới

    Được tạo ra bởi một nhóm các nhà ngôn ngữ học, kỹ thuật viên, và nhà thiết kế âm thanh, Q được kỳ vọng sẽ "chấm dứt khuynh hướng thiên vị giới tính" và khuyến khích tạo ra nhiều loại giọng nói hơn nữa để ứng dụng vào công nghệ. Họ đã thu âm lại giọng nói của hơn 20 người bao gồm nam giới, nữ giới, người chuyển giới, và người phi giới tính, nhằm tìm kiếm một giọng nói "không phải của nam hay nữ". Để tìm ra giọng nói này, nhóm Q đã tiến hành một bài test với sự tham gia của hơn 4.600 người, trong đó yêu cầu họ đánh giá một giọng nói theo thang điểm từ 1 (giọng nam) đến 5 (giọng nữ).

    Từ thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu âm thanh đã có thể xác định một dải tần trung tính. Họ thu âm nhiều giọng nói, sau đó tiến hành biên tập qua nhiều công đoạn để đạt được một thứ gọi là "Q".

    Cũng nghe giọng nói phi giới tính mang tên Q

    Dù số nữ giới tham gia vào phát triển AI là không nhiều, nhưng việc hầu như mọi trợ lý giọng nói đều được đặt cho những cái tên thuần nữ, như Alexa của Amazon, Cortana của Microsoft, và Siri của Apple, không phải là điều trùng hợp. Theo nhiều nghiên cứu, không quan trọng giới tính của người nghe là gì, người ta thường thích nghe giọng nam khi liên quan đến các vấn đề về quyền lực, nhưng lại thích nghe giọng nữ hơn khi cần đến sự trợ giúp.

    Dù việc tạo ra một giọng nói phi giới tính là bước đi đúng đắn hướng đến sự hoà nhập, thì công nghệ không thể tiến triển và tránh xa được thiên vị giới tính mà không đa dạng hoá sáng tạo và vai trò lãnh đạo. Các trợ lý giọng nói theo giới tính càng khiến khuynh hướng thiên vị giới tính  trở nên sâu sắc hơn, bởi dữ liệu dùng trong quá trình huấn luyện machine learning được dựa trên hành vi con người - việc những con robot tỏ ra phân biệt giới tính chỉ có một lý do duy nhất xuất phát từ con người mà chúng học hỏi.

    Tham khảo: TheNextWeb

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ