"Nghe" qua làn da - Giác quan tiếp theo của con người đã được khám phá

    NPQM,  

    Một phát minh đột phá hỗ trợ con người trong rất nhiều lĩnh vực, đi cùng với tiềm năng lớn trong tương lai.

    Nếu tôi nói rằng cơ thể chúng ta có khả năng nghe được mọi vật xung quanh mà không cần đến tai, hay chính xác là màng nhĩ, thì bạn có tin không?

    Đó chính là những gì đã từng khiến cho chuyên gia thần kinh học David Eagleman trăn trở, day dứt 5 năm trở về trước. Cuối cùng, sau khi tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng cơ thể con người, ông bất chợt nhận ra thêm một "cổng cắm tai nghe" khổng lồ gắn liền với chúng ta. "Chính là làn da đơn thuần của con người," Eagleman nhận định, "và chúng ta đang vô tình thờ ơ và lãng phí công dụng của nó."

    Vì vậy, Eagleman cùng Scott Novich, sinh viên thân thiết của mình tại Đại học Y Baylor, đã chế tạo thành công "Bộ chuyển đổi siêu cảm biến đa dụng" (VEST) - một hệ thống bao gồm 32 motor siêu nhỏ có tác dụng tạo ra những rung động lên da tương ứng với từng sóng âm thanh tiếp nhận được.

    Cụ thể, trước tiên, một thiết bị như máy tính hay smartphone sẽ làm nhiệm vụ thu nhận sóng âm thanh xung quanh, sau đó phân mảnh chúng thành nhiều dải tần số khác nhau. Mỗi dải tần sẽ kích thích một trong những motor nhất định trong hệ thống VEST, đồng thời trải qua một quá trình trải nghiệm, não bộ của chúng ta sẽ có khả năng làm quen và hiểu được cách mà âm thanh được chuyển hóa thành rung động vật lý, kể cả đối với từ ngữ và lời nói đối thoại.

    "'Giác quan' nhân tạo này hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh mẽ như tai của con người vậy," Eagleman phát biểu.

    Từ đó đến nay, ông đã liên tục rèn luyện cho những người không may mắn bị dị tật về thính giác dần dần học cách nhận mặt lời nói qua hệ thống của mình. Ban đầu là những từ ngữ đơn lẻ, sau đó sẽ là một câu hoàn chỉnh, và cuối cùng là đối thoại tự nhiên như bình thường. Đặc biệt, cũng giống như khi ta học một ngôn ngữ mới, trẻ em - với cấu trúc não còn linh hoạt và dễ tiếp thu - cũng chứng tỏ sự nhanh nhạy vượt trội khi tham gia quá trình sử dụng VEST so với người lớn.

    Ngoài ra, Eagleman cũng tiết lộ thêm rằng công nghệ của mình còn có thể ứng dụng ra nhiều lĩnh vực chuyên sâu khác nữa. Một người phi công có thể áp dụng nó để giải mã tình trạng hiện tại của máy bay thông qua tiếng động cơ chẳng hạn.

    Được biết, stratup Neosensory của Eagleman và Novich đã được khởi động, hướng đến mục tiêu ứng dụng VEST rộng rãi trên toàn thế giới trong nhiều khía cạnh. "Tiềm năng của nó là không thể đong đếm được, đặc biệt là khi đề cập đến sự tiếp nhận và giải mã thông tin," chia sẻ bởi Eagleman.

    Dưới đây là cơ chế hoạt động của VEST:

    1. Ở khoảng cách tầm 6-9m, sử dụng smartphone hoặc máy tính để thu thập âm thanh. Sau đó mỗi âm tần nhất định được phân tích và xử lý qua hệ thống có sẵn.

    2. Qua kết nối Bluetooth, những motor trong máy sẽ tiếp nhận thông tin, rồi phát ra những rung động tương ứng. Mỗi motor được gán cho một tính chất âm tần đặc trưng, do đó những âm thanh giống nhau sẽ cho ra rung động giống nhau.

    3. Ban đầu có thể hơi khó cảm nhận sự khác biệt. Nhưng dần dần não bộ sẽ nhận ra và tự thiết lập những phản xạ có điều kiện theo phản hồi rung đó.

    Tham khảo: popsci.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày