Nghi vấn Michelangelo đã làm giả kiệt tác cổ đại

    Kim, Thể thao & Văn hóa 

    Laocoön và Con trai - tuyệt tác 2.000 năm tuổi được tìm thấy tại Rome hồi thế kỷ 16 - chân thực tới mức người ta nghi ngờ Michelangelo đã làm giả nó để các nhà khảo cổ đương thời "ngẫu nhiên" tìm thấy.

    Khách tới thăm Bảo tàng Pius-Clementine, tọa lạc tại Vatican thường dừng bước trước bức tượng trứ danh. Nằm tại Tòa Bát Giác, bức điêu khắc “Laocoön và Con trai” mô tả cảnh tượng kinh hoàng: rắn biển quấn lấy ba cha con Laocoön đang quằn quại trong vô vọng. Oằn người cố thoát khỏi vòng vây của rắn biển, biểu cảm của Laocoön cho thấy nỗi kinh hoàng trong khoảnh khắc con rắn chuẩn bị tấn công.

    Nghi vấn Michelangelo đã làm giả kiệt tác cổ đại - Ảnh 1.

    Tuyệt tác “Laocoön và Con trai” được trưng bày tại Bảo tàng Pius Clementine ở Vatican - Ảnh: NatGeo.

    Nhà nghiên cứu nghệ thuật cổ và kinh điển Nigel Spivey đã gọi bức điêu khắc này là “biểu tượng nguyên mẫu cho cơn đau loài người” trong nghệ thuật phương Tây. Câu chuyện về vị linh mục Laocoön và hai người con được thuật lại nhiều lần trong nhiều tác phẩm văn học cổ điển, nhưng tiếng tăm nhất phải kể đến sử thi Aeneid do Virgil hoàn thiện năm 19 Trước Công nguyên.

    Trong Quyển Hai của trường ca Aeneid, vốn mô tả đoạn kết của Cuộc chiến thành Troy, Laocoön nghi ngờ con ngựa gỗ do người Hy Lạp gửi tới là một cái bẫy được ngụy trang khéo léo. Nhưng ngay khi cầm giáo đâm vào con ngựa gỗ, Laocoön và hai người con trai bị rắn biển bủa vây, kéo họ xuống làn nước chết chóc. Người dân thành Troy cho rằng cái chết của Laocoön hành động trừng phạt của thánh thần, nên đã kéo con ngựa vào trong thành để xoa dịu cơn thịnh nộ của đấng toàn năng.

    Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

    Sự kiện khám phá ra bức điêu khắc Laocoön là một trong những điểm nhấn của thời kỳ Phục Hưng. Tác phẩm để lại dấu ấn khó phai trong tâm trí người đương thời, nhất là với các nhà điêu khắc và đặc biệt với Michelangelo.

    Nghi vấn Michelangelo đã làm giả kiệt tác cổ đại - Ảnh 2.

    Bức tranh khắc do họa sĩ Marco Dente thực hiện, mô tả tượng cẩm thạch “Laocoön và Con trai” trước khi được phục chế. Hai trong số nhân vật hiện hữu mất tay phải, trong khi đó người con trai đứng bên phải (trong ảnh) mất ngón tay - Ảnh: NatGeo.

    Tháng Một năm 1506, địa chủ Felice de Fredis tiến hành thi công tại một trong những vườn nho của ông nằm trên dốc Đồi Esquiline tại thủ đô Rome. Tiền xu cổ, tượng hay những nội dung được chạm khắc trên đá vẫn thường xuất hiện tại những công trường như thế này, nhưng vào thời điểm ngày 14/1 năm ấy, các công nhân phát hiện ra một cảnh tượng phi thường: một khoang chứa ẩn trong lòng đất đặt đầy những bức tượng cẩm thạch tinh xảo, to lớn.

    Tượng đẹp, nhưng không nguyên vẹn. Laocoön mất tay phải, và hai người con của vị linh mục thiếu đi nhiều tiểu tiết. Theo nhận định của chuyên gia đương thời, bức tượng cẩm thạch đã ngủ yên suốt nhiều thập kỷ, nhưng một khi lộ thiên, tin lành đã lập tức bay khắp chốn và đến tai Giáo hoàng Julius II.

    Bản thân là một nhà sưu tập những báu vật kinh điển của nền văn minh La Mã cổ kính, Giáo hoàng lập tức gửi một phái đoàn tới khảo sát khu vực khai quật. Trong đoàn chuyên gia có 3 cái tên sáng giá, là kiến trúc sư Giuliano da Sangallo, giáo chủ hồng y tương lai Jacopo Sadoleto, bên cạnh nhà điêu khắc, họa sĩ, kỹ sư và nhà thơ Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni.

    Nhìn vào phát hiện mới, nhóm chuyên gia lập tức nhận ra danh tính nhân vật được tạc tượng. “Đây chính là nhân vật Laocoön mà Pliny từng nhắc đến”, Sangallo khẳng định chắc nịch, đồng thời nhắc đến tên triết gia vĩ đại Gaius Plinius Secundus, người đã thảo cuốn bách khoa đầu tiên của nhân loại - Naturalis Historia, hay Lịch sử Tự nhiên.

    Trong thời kỳ Phục Hưng, các họa sĩ và học giả tôn vinh thời kỳ cổ điển và mong muốn lưu giữ những giá trị tốt đẹp cho thời kỳ đương thời. Những người học cao như Sangallo không lạ lùng gì tuyệt tác Lịch sử Tự nhiên của Pliny, vốn cô đọng tinh hoa của lịch sử, khoa học và cả nghệ thuật. Trong cuốn bách khoa toàn thư, Pliny mô tả tác phẩm điêu khắc “vượt trên mọi thứ mang tính nghệ thuật từng được phơi bày. Từ một khối cẩm thạch duy nhất, những nghệ nhân vùng Rhodes - là Hagesander, Polydoros và Athenadorios - đã tạo tác nhóm người gồm Laocoön và hai con trai, với rắn biển quấn lấy họ”.

    Nghi vấn Michelangelo đã làm giả kiệt tác cổ đại - Ảnh 3.

    Một trang của cuốn sách Naturalis Historia, hay Lịch sử Tự nhiên - Ảnh: Tu viện Abbaye de Saint Vincent, Le Mans, Pháp.

    Laocoön, hãy cho hậu bối thấy cánh tay của ông nào!

    Tới tháng Ba năm 1506, tác phẩm được chuyển tới Sân trong Belvedere của Vatican, với ngoại hình được tôn tạo lại đôi chút bởi Donato Bramante. Mặc dù danh tính người được tạc tượng đã rõ, học giả vẫn đặt ra những câu hỏi chưa lời giải đáp. Laocoön và Con trai giống với mô tả của Pliny chỉ trừ một điểm: nó không được tạc từ một khối cẩm thạch duy nhất, mà được ghép từ 8 khối. Nghi vấn xuất hiện, rằng ai mới là tác giả thực sự của tác phẩm điêu khắc, họ làm nó khi nào, và tại sao tác giả lại mong muốn mô tả nỗi đau thấu tâm can.

    Bên cạnh phân tích, các chuyên gia đương thời còn đề xuất khôi phục những phần còn thiếu của bức tượng. Dưới sự giám sát của Bramante, một cuộc thi được tổ chức năm 1510 nhằm tìm kiếm dáng vẻ phù hợp nhất cho bàn tay phải bị mất của Laocoön. Michelangelo nhận định cánh tay nên hất về đằng sau để mô tả nỗ lực cuồng loạn của vị linh mục nhằm tìm cách giải thoát cho mình.

    Kỳ phùng địch thủ của Michelangelo, thiên tài hội họa Raphael lại có nhận định khác. Ông muốn cánh tay Laocoön vươn ra xa, và nhận định của giám khảo cuộc thi đã có trọng lượng hơn lời của Michelangelo. Khi được phục chế năm 1520, tay của Laocoön đã vươn thẳng ra ngoài.

    Nghi vấn Michelangelo đã làm giả kiệt tác cổ đại - Ảnh 4.

    Một bản sao của “Laocoön và Con trai”, cho thấy tay của Laocoön duỗi thẳng theo nhận định của danh họa Raphael - Ảnh: Slater Museum.

    Tác giả bức tượng có phải Michelangelo?

    Nghi vấn tới từ việc Michelangelo có liên quan mật thiết tới bức tượng, và chiêm ngưỡng những tác phẩm sau này của ông, ta có thể thấy chúng đều chịu ảnh hưởng từ Laocoön. Sự thật này khiến các học giả thắc mắc, và sử gia chuyên ngành nghệ thuật Lynn Catterson công tác tại Đại học Columbia cho rằng Laocoön chính là tác phẩm của Michelangelo.

    Theo lời bà Catterson, một bản phác thảo được Michelangelo vẽ năm 1501 có những điểm tương đồng với tuyệt tác Laocoön và Con trai. Bà nêu giả định Michelangelo đã bí mật tạo ra tác phẩm, để người đời “ngẫu nhiên” tìm thấy nó dưới nhiều lớp đất. Các nhà phê bình nhận định điều này vô lý khi xét tới khả năng tài chính của danh họa cũng như công tác vận chuyển một tác phẩm lớn tới vậy. Phần lớn sử gia cho rằng đây là nguyên tác tới từ thời kỳ Hy Lạp hóa, là thời kỳ lịch sử nối tiếp giai đoạn Hy Lạp Cổ điển, nằm giữa thời điểm Alexander Đại Đế từ trần (năm 323 Sau Công nguyên) và sự kiện lập quốc của Đế quốc La Mã.

    Nghi vấn Michelangelo đã làm giả kiệt tác cổ đại - Ảnh 5.

    Danh họa Michelangelo - Ảnh: Internet.

    Cuốn bách khoa toàn thư của Pliny tiếp tục cung cấp những dữ kiện quan trọng: Lịch sử Tự nhiên được viết dâng hoàng tế Titus, người đã trị vì La Mã trong giai đoạn từ năm 79 tới năm 81 Sau Công nguyên. Nền móng cung điện của Titus bao gồm Vườn Maecenas và cả nơi bức tượng Laocoön được tìm thấy năm 1506.

    Các sử gia vẫn chưa thể xác định danh tính những người thợ điêu khắc được nhắc tới trong cuốn Lịch sử Tự nhiên, hay thậm chí không rõ bức tượng được tạc khi Titus vẫn nắm quyền hay đã thuộc về quá khứ xa xưa hơn nữa. Năm 1957, khi các nhà khảo cổ khai quật một hang động tại Sperlonga, nằm ở một bờ biển gần Rome, họ đã một lần nữa thấy ba cái tên Hagesander, Polydoros và Athenadorios xuất hiện; bên cạnh việc tạo tác nên Laocoön như lời Pliny thuật lại, họ là tác giả của loạt các tác phẩm trong hang động được khai quật năm 1957.

    Rõ ràng, những người thợ điêu khắc sống trước thời Titus. Đến khi phát hiện tại Sperlonga được biết đến rộng rãi, các nhà sử gia đã quen với phong cách tạc tượng giống với tác phẩm Laocoön, bởi lẽ các nhà khảo cổ đã tìm thấy một loạt những bức tượng có phong cách tương tự tại Pergamum, Thổ Nhĩ Kỳ hồi thập niên 1880.

    Nhiều khả năng, những điêu khắc gia cổ đại được truyền cảm hứng từ phong cách tạc tượng tìm thấy được tại Pergamum, và đã tạo ra tác phẩm Laocoön vào cuối thế kỷ thứ nhất Sau Công nguyên. Theo nhận định của chuyên gia, có lẽ Laocoön là bản sao cẩm thạch của một bức tượng đồng nguyên bản nay đã mất theo thời gian.

    Laocoön - biểu tượng trường tồn của của cái đau và cái đẹp

    Suốt nhiều thế kỷ, bức tượng Laocoön và Con trai tiếp tục được trân quý bởi mọi nền văn hóa. Năm 1798, Napoleon đã lấy nó khỏi Vatican và mang về đặt tại Bảo tàng Louvre. Tới năm 1816, bức tượng được trả lại cho Vatican.

    Nghi vấn Michelangelo đã làm giả kiệt tác cổ đại - Ảnh 6.

    “Laocoön tại bảo tàng Louvre", bức họa vẽ năm 1805 bởi Hubert Robert - Ảnh: Pavlovsk Museum, St. Petersburg AKG/ALBUM.

    Năm 1905, nhà sưu tầm đồ cổ Ludwig Pollak khám phá ra một cánh tay cẩm thạch tại một tiệm điêu khắc gần nơi Laocoön được tìm thấy. Kích cỡ và phong cách tạo tác của cánh tay rất giống tác phẩm trứ danh năm nào.

    Đến năm 1957, cuối cùng Bảo tàng Vatican cũng tuyên bố, tuy chưa dám khẳng định, rằng cánh tay Pollak tìm thấy hơn nửa thế kỷ về trước là phần còn thiếu của Laocoön. Sau khi phục chế, những người thợ điêu khắc và các chuyên gia phát hiện ra: cánh tay của Laocoön gập ngược về đằng sau, giống những gì Michelangelo đã từng gợi ý trước đây.

    Theo NatGeo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ