Nghiên cứu cho thấy chậu rửa tay có thể phóng ra các mầm bệnh chết người xung quanh bán kính gần 1 mét

    zknight,  

    12 bệnh nhân Canada đã tử vong vì nhiễm trực khuẩn từ chậu rửa.

    Trong khoảng thời gian từ năm 2004, đến năm 2006 tại một bệnh viện ở Canada, các bác sĩ đã rất ngạc nhiên khi họ phát hiện 36 trường hợp nhiễm trực khuẩn mủ xanh đa kháng thuốc rất đặc biệt.

    Các ca bệnh xảy ra sau khi bệnh nhân đã nhập viện. Và khi nguồn phát tán vi khuẩn đáng sợ được xác định, nó để lại cho mọi người sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng:

    Một phần 3 số bệnh nhân đã tử vong, chỉ bởi các vi khuẩn kháng kháng sinh thoát ra từ đường ống nước, phía bên dưới chậu rửa tay ở khu vực bệnh nhân lưu trú. Kết luận của cuộc điều tra thực sự khẳng định: Chậu rửa tay có thể phóng ra các mầm bệnh chết người xung quanh bán kính cỡ 1 mét.

    Thế nhưng, các nhà nghiên cứu đã không hiểu nổi yếu tố nào trong kết cấu của chậu rửa có thể gây ra hậu quả kinh hoàng ấy. Không một biện pháp khử trùng nào có thể khắc phục được vấn đề. Phía bệnh viện Canada buộc phải quyết định thay thế toàn bộ hệ thống chậu rửa.

    Biện pháp này thực sự đã chấm dứt đợt bùng phát vi khuẩn đa kháng thuốc nguy hiểm. Nhưng điều bí ẩn về nguyên nhân của nó vẫn sẽ tồn tại mà chưa có lời giải đáp. Liệu sau một thời gian thay thế chậu rửa mới, các vi khuẩn chết người sẽ quay lại?

     Những siêu vi khuẩn chết người thoát ra từ đường ống chậu rửa tay

    Những siêu vi khuẩn chết người thoát ra từ đường ống chậu rửa tay

    Hoàn toàn có khả năng. Một nghiên cứu mới trên tạp chí Applied and Environmental Microbiology bây giờ đã chứng minh kịch bản đó. Các nhà khoa học tại Đại học Virginia cuối cùng cũng giải mã được điều bí ẩn tồn tại bên dưới các chậu rửa.

    Cụ thể, các vi khuẩn chết người đã cư trú trong đoạn đường ống mà chúng ta vẫn gọi là “bẫy chữ P”. Các bẫy chữ P là một đoạn ống uốn trũng, hình chữ P ở trước lối thoát nước. Nó lúc nào cũng trữ nước chảy xuống trong đó, nhằm mục đích ngăn chặn khí có mùi từ ống cống xộc lên trên bồn rửa.

    Kịch bản trong bệnh viện tại Canada có thể được mô tả lại một cách đáng sợ. Theo đó, sau khi các siêu vi khuẩn chiếm cứ bẫy chữ P, chúng hình thành lên một màng sinh học, được ví như tổng hành dinh chứa chất dinh dưỡng của vi khuẩn.

    Chính những bệnh nhân đã tiếp tế cho căn cứ đó của vi khuẩn, qua việc đổ xuống ống thoát nước mọi thứ có thể: từ thức ăn lỏng, đồ uống thừa, thuốc men, thậm chí cả dịch cơ thể như nước miếng, nước mũi…

    Các vi khuẩn sau đó nhân lên nhanh chóng, mở rộng diện tích chiếm đóng và chui dần lên phía trên miệng lỗ thoát nước với tốc độ 2,5 cm mỗi ngày. Chúng tiếp tục phát tán ra bên ngoài bán kính gần 1 mét và gây bệnh cho những nạn nhân xấu số.

     Bẫy chữ P ở các đường thoát nước, phía dưới chậu rửa là nơi cư trú cho vi khuẩn

    Bẫy chữ P ở các đường thoát nước, phía dưới chậu rửa là nơi cư trú cho vi khuẩn

    Thực hiện thí nghiệm xác định kịch bản trên, các nhà nghiên cứu đã thiết kế một mô hình trạm rửa tay. Trong đó có 5 chậu rửa kiểu bệnh viện được đặt cạnh nhau, nhưng ngăn cách bởi 4 tấm thủy tinh hữu cơ cao 60 cm. Tất cả các đường ống, chậu rửa và khu vực xung quanh đều đã được khử trùng trước khi thí nghiệm bắt đầu.

    Nghiên cứu trước đây từng xác nhận vi khuẩn có thể cư trú lâu dài trong những bẫy chữ P. Sau đó, chúng dần xâm chiếm trở lại lên phía trên chậu rửa.

    Để chứng minh kết quả ấy, các nhà nghiên cứu sử dụng chậu rửa ở vị trí thứ 5. Họ tiêm vào đoạn ống chữ P của nó một lượng vi khuẩn E. coli đặc biệt. Những vi khuẩn này đã trải qua quá trình biến đổi gen để mang trong mình một dấu hiệu phát sáng xanh lá cây.

    Như vậy, nếu vi khuẩn thực sự sống sót từ bẫy chữ P và di chuyển lên xung quanh thành chậu, các nhà khoa học có thể dễ dàng phát hiện ra chúng nhờ chỉ dấu huỳnh quang phát sáng.

     Sơ đồ thí nghiệm mô phỏng sự phát tán của vi khuẩn khỏi đường ống bên dưới chậu rửa

    Sơ đồ thí nghiệm mô phỏng sự phát tán của vi khuẩn khỏi đường ống bên dưới chậu rửa

    Có hai kịch bản được xây dựng. Kịch bản thứ nhất, khi chỉ có nước được đổ xuống chậu rửa, vi khuẩn E. coli mắc kẹt trong bẫy chữ P và không thể leo lên phía trên. Tuy nhiên, trong kịch bản thứ hai, các nhà nghiên cứu muốn mô tả chính xác hơn cách chúng ta vẫn dùng các chậu rửa tay trong đời thực.

    Trong bệnh viện, không chỉ có nước được đổ xuống một đường ống, nhiều khi đó là cả dịch cơ thể, nước mũi, nước miếng, đồ ăn lỏng và thuốc còn thừa… Để giả định trường hợp ấy, các nhà nghiên cứu đổ thêm xuống đường ống một hỗn hợp các chất dinh dưỡng trong 7 ngày liên tiếp.

    Quả thực, khi có nguồn thức ăn được cung cấp, các vi khuẩn E. coli nhanh chóng phát triển. Chúng hình thành một màng sinh học (biofilm), biến bẫy chữ P trở thành một tổng hành dinh, sau đó bắt đầu xâm chiếm dần lên phía trên với tốc độ 2,5 cm mỗi ngày.

    Đến ngày thứ 7, ánh sáng xanh cuối cùng cũng hé rạng tại miệng lỗ thoát nước. Các vi khuẩn E. coli đã tiến vào bên trong chậu rửa.

     Các đĩa thạch được đặt quanh bồn rửa để xem vi khuẩn có thể lan tới đâu

    Các đĩa thạch được đặt quanh bồn rửa để xem vi khuẩn có thể lan tới đâu

    Chưa dừng lại ở đó, các nhà khoa học muốn kéo dài thí nghiệm hơn nữa. Họ đặt các đĩa thạch chứa chất dinh dưỡng xung quanh chậu rửa để xem liệu các vi khuẩn có thể đi xa tới đâu nữa. Bất kể một khuẩn E. coli nào phóng ra khỏi miệng ống thoát nước, hạ cánh trên các đĩa thạch đều phát triển thành một quần thể mới.

    Cuối cùng, một màu xanh lá rực rỡ đã được nhìn thấy trong bán kính lên tới 0,76 m từ miệng ống thoát nước. Điều đó đã chứng tỏ, các loại vi khuẩn thực sự có thể chui lên từ bẫy chữ P, vượt ra khỏi miệng ống thoát nước ,và phát tán ra một bán kính rộng hơn 70 cm tính từ đó.

    Chưa hết, điều tệ hại hơn nữa là chúng không chỉ chui lên mà cũng chui xuống theo đường ống nước. Chỉ sau 7 ngày đầu tiên, vi khuẩn cũng đã lan tới các chậu rửa bên cạnh. Khi nồng độ vi khuẩn thấp, chúng sẽ lan qua chậu số 4 và số 3. Nhưng khi nồng độ đủ cao, vi khuẩn sẽ lan tới tận chậu số 2 và chỉ còn chậu số 1 là chưa bị nhiễm.

    Tới đây, các nhà nghiên cứu kết luận: Các bẫy chữ P ở phía dưới chậu rửa thực sự tiềm ẩn một nguy cơ với sức khỏe cộng đồng. Mặc dù thiết kế bẫy chữ P là khác nhau trong mỗi trường hợp, và kịch bản những gì chúng ta đổ xuống ống thoát nước cũng khác, nhưng kết quả thí nghiệm đã mô phỏng phần nào nguy cơ đó.

    Nước trong bẫy chữ P được giữ ở đó để cung cấp một bức tường chặn khí thoát lên từ ống cống”, các nhà nghiên cứu viết. “Nhưng nó cũng vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật kháng kháng sinh sinh tồn và phát triển trong các màng sinh học bền vững”.

    Amy Mathers, nhà dịch tễ học, tác giả dẫn đầu nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu [của chúng tôi] đã giúp xác định rõ hơn cơ chế và nguy cơ lây truyền mầm bệnh, từ nguồn nước thải cho tới các bệnh nhân đang nằm viện, trong một thế giới mà vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng gia tăng”.

    Tham khảo Arstechnica

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ