Nghiên cứu mới cho thấy tất cả chúng ta đều là hậu duệ của một người phụ nữ sống tại Botswana 200.000 năm về trước

    Đức Khương,  

    Một nhóm các nhà nghiên cứu nói rằng họ đã xác định được quê hương của tất cả con người hiện nay là ở Botswana.

    Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã phân tích DNA ty thể (thông tin di truyền được truyền từ mẹ sang con) từ hơn 1.200 người trên khắp lục địa Châu Phi.

    Bằng cách kiểm tra gen nào được bảo tồn trong DNA của con người theo thời gian, các nhà nhân chủng học xác định rằng con người hiện đại đã xuất hiện ở nơi từng là vùng đất ngập nước tươi tốt ở Botswana, phía nam sông Zambezi.

    Mặc dù các nhà khoa học đồng ý rằng con người hiện đại (Homo sapiens sapiens) đã phát sinh ở châu Phi khoảng 200.000 năm trước, nhưng họ vẫn không chắc chắn về địa điểm chính xác trên lục địa này đã xảy ra cột mốc tiến hóa.

    Nghiên cứu mới đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đó và cũng làm suy yếu quan điểm cho rằng tổ tiên của chúng ta xuất hiện ở Đông Phi, như bằng chứng cho thấy ở một vài hóa thạch trước đó.

    Nhà nhân chủng học Vanessa Hayes, tác giả của nghiên cứu mới cho biết trong một cuộc họp báo rằng những phát hiện cho thấy "loài người hiện đại" có thể có chung nguồn gốc bộ DNA ty thể từ "quê hương loài người" nói trên.

    Nghiên cứu mới cho thấy tất cả chúng ta đều là hậu duệ của một người phụ nữ sống tại Botswana 200.000 năm về trước - Ảnh 1.

    Để truy tìm nguồn gốc địa lý của tổ tiên chúng ta, Hayes và các đồng nghiệp của cô đã kiểm tra DNA ty thể (mtDNA) từ những người sống ở miền nam châu Phi như Khoisan.

    DNA ty thể được truyền từ mẹ sang con, thường được sử dụng để truy tìm nguồn gốc của con người vì nó không bị trộn lẫn với DNA của cha.

    Điều đó có nghĩa là những DNA này sẽ thay đổi ít hơn theo thời gian và để lại mối liên kết rõ ràng hơn giữa chúng ta và tổ tiên của người hiện đại ngày nay.

    Khi nói đến mtDNA, tất cả người hiện đại đều có chung một nhóm gen được gọi là L macro-haplogroup.

    Nhánh L này được chia thành hai nhóm nhỏ: L1-6 và L0. Nhóm L0 có thể được tìm thấy ở các dân tộc ở miền nam châu Phi, và đó là những gì nhóm của Hayes đã phân tích. Eva Chan, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết đây là "nghiên cứu L0 lớn nhất từ trước cho tới nay".

    Bằng cách kéo theo chuỗi di truyền đó, các nhà nghiên cứu đã có thể tìm ra rằng người hiện đại ngày nay đều xuất thân từ một người phụ nữ sống ở Botswana cách chúng ta khoảng 200.000 năm.

    Vùng mà tổ tiên của chúng ta từng sinh sống được gọi là Makgadikgadi Okavango, vùng đất ngập nước, nằm gần đồng bằng Okavango hiện đại, nơi có rất nhiều hồ tiêu và cây xanh.

    Nghiên cứu mới cho thấy tất cả chúng ta đều là hậu duệ của một người phụ nữ sống tại Botswana 200.000 năm về trước - Ảnh 2.

    Đồng bằng Okavango ở Botswana hiện đại tương tự như vùng đất ngập nước tươi tốt nuôi dưỡng tổ tiên loài người chúng ta.

    Phân tích của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng người Homo sapiens sống ở khu vực này trong khoảng 70.000 năm. Sau đó, khi khí hậu thay đổi, tổ tiên của chúng ta đã phân tán thành hai đợt di cư: Đầu tiên, một nhóm lan rộng về phía đông bắc trong khoảng thời gian 130.000 năm trước, sau đó những người khác rời đi trong một cuộc di cư thứ hai đến phía tây nam vào khoảng 110.000 năm trước.

    Theo Hayes, những nhóm di cư này có khả năng đã đi theo hành trình di cư của những đàn động vật để ra khỏi khu vực này.

    Dòng thời gian này đã đi ngược lại với quan điểm về dòng thời gian di cư của một số nhà khoa học đã tạo ra dựa trên bằng chứng hóa thạch - các mẫu vật lâu đời nhất của người hiện đại về mặt giải phẫu hộp sọ và các hóa thạch khác có niên đại khoảng 195.000 năm được tìm thấy ở Ethiopia, khiến nhiều nhà nhân học nghĩ về miền đông châu Phi mới là quê hương của tổ tiên người hiện đại chứ không phải miền nam châu Phi như nghiên cứu mới cho thấy.

    Phân tích di truyền mới cũng cung cấp sự tin cậy cho quan điểm tất cả con người hiện đại đã tiến hóa tại một nơi ở Châu Phi trước khi di cư đến Châu Âu, Châu Á và Úc ngày nay thay vì phát triển riêng rẽ tại những nơi khác trên thế giới cùng một lúc.

    Theo các tác giả nghiên cứu, hai đợt di cư ra khỏi Botswana đã "mở đường cho con người hiện đại sau này di cư ra khỏi châu Phi cũng như phân bố trên toàn thế giới".

    Nghiên cứu mới cho thấy tất cả chúng ta đều là hậu duệ của một người phụ nữ sống tại Botswana 200.000 năm về trước - Ảnh 3.

    Bản đồ về các tuyến đường phân tán của người Homo sapiens ra khỏi Châu Phi được thực hiện vào năm 2017 theo quan điểm cũ.

    Nhà nhân chủng học Ryan Raaum, người nghiên cứu về di truyền dân số Châu Phi tại Đại học Lehman cho rằng nghiên cứu mới này có một lỗ hổng khá đáng kể. Theo Raaum, các nhà nghiên cứu đã không quay trở lại đủ xa trên dòng thời gian di truyền.

    Mặc dù nghiên cứu của Hayes đã xác định chính xác nơi bắt nguồn, nhưng DNA ty thể của hầu hết mọi người trên thế giới có thể được truy nguyên từ nhóm con L1-6 của nhánh L, chứ không phải L0. 

    Vì vậy, để tìm ra "nguồn gốc duy nhất" cho loài của chúng ta, các nhà nghiên cứu nên tìm về những con người tiền sử sống trước khi có sự phân chia di truyền giữa L0 và L1-6, Raaum nói.

    Một vấn đề khác với phát hiện của nhóm Hayes là phân tích mtDNA chỉ kiểm tra DNA của mẹ.

    Hai phần của tế bào mang DNA là nhân, nơi mang phần lớn vật chất di truyền của chúng ta cư trú và ty thể. DNA nhân (nDNA) được thừa hưởng từ cả bố và mẹ là những gì truyền qua nhiễm sắc thể Y trong khí đó DNA ty thể chỉ được truyền từ người mẹ.

    nDNA rất hiếm được phát hiện trong hồ sơ hóa thạch, đó là lý do tại sao các nghiên cứu như của Hayes thường không kiểm tra nó. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc nghiên cứu như vậy không thể kiểm tra toàn bộ bộ gen trong quần thể tổ tiên của chúng ta.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ