Ngừng hợp tác quân sự với Nga ai sẽ là người thiệt?

    TVD,  

    (GenK.vn) - Anh, Đức và Pháp đã ngừng hợp tác quân sự với Nga liên quan đến việc Crimea sáp nhập Nga.

    Anh, Đức và Pháp đã ngừng hợp tác quân sự với Nga liên quan đến việc Crimea sáp nhập Nga. Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt của EU trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự này lại là một trong những “mắt xích” yếu nhất trong “cuộc chiến chống lại Nga”. Bởi vì thị phần xuất khẩu vũ khí sang châu Âu của Nga chiếm không quá 1% nguồn thu từ xuất khẩu của Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport.

    Sau Mỹ, Nga là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự lớn thứ 2 trên thế giới . Doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga có một quy trình sản xuất khép kín, từ cơ sở vật chất đến sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, trên thực tế, biện pháp trừng phạt của EU về hợp tác quân sự - kỹ thuật sẽ không có ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng quốc phòng của Moskva.

    Ngừng hợp tác quân sự với Nga ai sẽ là người thiệt?

    Với Vương quốc Anh, nước này có một hợp đồng cung cấp nguyên liệu sản xuất quân phục với Nga. Nếu hợp đồng bị đình chỉ, London sẽ thiệt hại khoảng 133 triệu USD. Trong khi đó, Berlin cung cấp các loại súng bắn tỉa và tham gia vào việc xây dựng một trung tâm huấn luyện chiến đấu kỹ thuật số ở Mulino (khu vực Nizhny Novgorod, Nga). Đức đầu tư vào dự án này 100 triệu USD.

    Tuy nhiên, đối tác quân sự lớn nhất của Nga là Pháp. Moskva và Paris đã ký một hợp đồng cung cấp hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral trị giá hơn 1,2 tỷ euro (1,66 tỷ USD) với các công ty DCNS và STX của Pháp, một nửa số tiền trong hợp đồng đã được phía Nga thanh toán.

    Bên cạnh đó, Pháp đã dự kiến chế tạo ít nhất 2 tàu chiến cho Nga và tham gia một hợp đồng lớn với Moskva về cung cấp xe bọc thép cũng như  máy bay  chiến đấu Su-30MKI và MiG-29K cho Ấn Độ. Các hợp đồng này đều có trị giá nhiều triệu euro.

    Nếu lệnh trừng phạt được áp dụng, Pháp sẽ phải trả tiền bồi thường vì vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, theo một số nguồn tin trong lực lượng quốc phòng, thỏa thuận về tàu sân bay trực thăng Mistral là một "món quà" mà Moskva tặng cho Tổng thống Pháp Sarkozy để cảm ơn sự ủng hộ của ông này (từ trước khi tranh cử Tổng thống) đối với Nga trong cuộc xung đột năm 2008 tại Nam Ossetia. Tổng thống Pháp sẽ phải giải trình trước cử tri nếu hợp đồng bị hủy, trong khi các nhà máy sản xuất công nghiệp của Pháp đang trong giai đoạn khủng hoảng và hợp đồng với Moskva đang là nguồn sống của họ.

    Điều thú vị là, Washington đã không đề cập đến lệnh trừng phạt trong lĩnh vực quốc phòng với Moskva. Mỹ sẽ bị thiệt hại nhiều hơn so với các đối tác NATO của mình nếu sử dụng biện pháp này. Cần lưu ý rằng nhà máy VSMPO - AVISMA của Nga ở Urals (Nga) hiện đang cung cấp hơn 40% nguyên liệu titan cho các máy bay Boeing 787 Dreamliner, Mỹ.

    Như vậy, có thể thấy rằng gây quá nhiều áp lực đối với Moskva sẽ không có lợi cho phương Tây.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ