Người bênh vực cho mọi "con cú đêm" trên thế giới: Đừng tưởng gọi mọi người dậy sớm là tốt, hãy để yên cho họ ngủ

    zknight,  

    Bạn có biết xã hội đang phân biệt đối xử với những người dậy muộn?

    Bởi vì bạn có thói quen dậy sớm và cảm thấy khỏe mạnh, không có nghĩa là mọi người hay mọi sinh vật khác trên Trái Đất này đều khỏe mạnh nếu họ dậy sớm như bạn. Áp đặt suy nghĩ này lên người khác, nhất là mẫu người “cú đêm”, có thể được coi là một hình thức phân biệt đối xử.

    Eric Spitznagel, một nhà văn tự do người Mỹ thường viết bài cho tạp chí The New York Times và Bloomberg, cũng là một “cú đêm” thực thụ.

    Trong khi quá mệt mỏi với những người có ý định khuyên nhủ anh dậy sớm hơn, Spitznagel đã lục lọi nhiều nghiên cứu khoa học để chứng minh cho họ thấy rằng: Đánh thức một người ngủ muộn vào sáng sớm sẽ khiến anh ta ốm đau và mệt mỏi hơn.

    Nếu thực sự họ yêu thương, hãy để ông và mọi "cú đêm" trên thế giới này ngủ thêm một lát nữa. Dưới đây là những gì mà Spitznagel đã viết, cho những người cứ muốn ông dậy sớm và tưởng thế là tốt:

    1. Bạn đang giết chết tôi, một phần nào là vậy

    Nghe có vẻ hơi cường điệu nhưng điều này đúng với tôi. Đánh thức một ai đó, trước khi họ ngủ được 6 tiếng đồng hồ, làm tăng 48% nguy cơ mắc bệnh tim và 15% nguy cơ đột quỵ của họ. Đó là theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu. Trong đó, các nhà khoa học đã theo dõi thói quen ngủ của 470.000 người, suốt khoảng thời gian từ 7-25 năm.

    Và dường như vẫn còn lý do chính đáng để nhấn nút tắt báo thức vào mỗi sáng. Bởi vì ngay cả khi thoát khỏi nguy cơ bệnh tim rồi chúng ta vẫn phải lo lắng về virus.

    Ra khỏi giường sớm vào một khoảng thời gian ngu ngốc đặt lên cơ thể chúng ta một nguy cơ lớn hơn mắc bệnh truyền nhiễm. Một nghiên cứu trên chuột của Đại học Cambridge cho thấy có căn bệnh lây nhiễm hiệu quả hơn vào buổi sáng so với buổi tối.

    Akhilesh Reddy, một trong những tác giả nghiên cứu là một nhà thần kinh học tại Đại học Cambridge. Ông nói rằng một số loại virus thích buổi sáng hơn, bởi vì “những chất cần thiết để chúng nhân bản trong tế bào rồi bùng nổ số lượng có mặt sẵn sàng hơn ở một thời điểm nào đó trong ngày, hơn là ở thời điểm khác”.

    Ngoài ra, khả năng chống lại virus của hệ thống miễn dịch trong cơ thể chúng ta thay đổi theo từng ngày. Do đó, cũng có thể khả năng chống lại virus của nó không phải lúc nào cũng tốt ở một thời điểm.

    Nghiên cứu của Đại học Cambridge chỉ được thực hiện trên chuột, nhưng nó “cũng có thể đúng với người”, Reddy nói. Hoặc nó cũng có thể sai- vấn đề là khi chúng ta chưa biết chắc. Bởi vậy, đừng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm cho một người, bằng cách đánh thức họ dậy quá sớm như thế.

    2. Bạn đang khiến tôi trở nên ngu ngốc, giống như bạn

    Tôi không bao giờ có ý coi những người dậy sớm là ngu ngốc. Nhưng tôi có thể dẫn một nghiên cứu năm 2009 của Satoshi Kanazawa. Ông là một nhà tâm lý tiến hóa đến từ Trường Kinh tế London, người mà đã đưa ra giả thuyết rằng: “Những người thông minh hơn thường có nhiều khả năng là cú đêm. Họ thức dậy muộn và cũng ngủ muộn bào buổi tối, muộn hơn những người kém thông minh”.

    Nhưng đó là những gì Kanazawa nói, chứ tôi thì chưa bao giờ nói điều đó. Chẳng cần phải sử dụng đến những từ ngữ khó nghe. Chỉ cần nói những người dậy sớm vào buổi sáng thì sử dụng não kém hơn phải không?

    Thế nhưng đâu chỉ có vậy, bằng cách không cho chúng tôi ngủ, bạn lại đang lôi chúng tôi gia nhập cái mốt suy nghĩ thiếu biện chứng của bạn. “Thiếu ngủ sẽ giết chết các tế bào não”, James Maas, một giáo sư tâm lý học Đại học Cornell đã nghỉ hưu cho biết.

    Điều này sẽ sớm làm giảm trầm trọng tính chính xác của các chức năng não bộ. Chúng ta từng nghĩ rằng tốt thôi, bạn có thể ngủ bù vào cuối tuần. Nhưng điều này là một sai lầm”. Bởi vậy, nếu chúng tôi nói sẽ cần ngủ thêm 15 phút nữa, chúng tôi có thể cần 15 phút đó một cách thực sự.

    Nhưng vấn đề cũng chưa dừng lại ở việc các tế bào não bị nướng chín. Một nghiên cứu năm 2014 tìm ra một mối liên quan giữa thiếu ngủ và những ký ức sai lầm.

    Các nhà tâm lý học tại Đại học California cho một nhóm sinh viên xem các bức ảnh về một hành động phạm tội được dàn dựng. Sau đó, là một đoạn mô tả bức ảnh, nhưng với thông tin sai lệch. Chẳng hạn như trong bức ảnh là một tên trộm đã móc chiếc ví và bỏ vào túi áo, nhưng đoạn mô tả lại nói hắn bỏ vào túi quần.

    Chỉ có những sinh viên không bị kéo ra khỏi giường quá sớm mới nhận ra các lời mô tả sai lệch này một cách tốt hơn. Bởi vậy, hãy cứ ngủ đi, bạn sẽ không bị đánh lừa bởi tin tức giả mạo.

    3. Xã hội này phân biệt đối xử với những người dậy muộn

    Một nghiên cứu của Đại học Madrid năm 2013 đã thực hiện đo lường trí tuệ của 1.000 học sinh trong độ tuổi đang trưởng thành, chia theo các nhóm có nhịp sinh học khác nhau. Điều mà họ nhận thấy là những học sinh sống lối sống về đêm có lập luận quy nạp tốt hơn, có nghĩa là họ có khả năng đưa ra những kết luận khái quát tốt từ quan sát cụ thể.

    Thế nhưng, những học sinh dậy vào sáng sớm lại thường có điểm cao trong lớp. “Xã hội này đang hoạt động theo cách chống lại những người sống về đêm”, Christoph Randler, một giáo sư tại Đại học Tubingen nói. “Đó là một vấn đề nhức nhối khi chúng ta thảo luận về đa dạng các hình thức phân biệt đối xử”.

    Trong nghiên cứu mà anh thực hiện trên những học sinh lớp 9, Randler nhận thấy rằng học sinh luôn làm bài kiểm tra tốt hơn vào buổi chiều, đó là khi não bộ của họ có thời gian cho sự tỉnh táo.

    Randler nói rằng: “Trong một thế giới được tổ chức tốt nhất, những người sống về đêm nên được phép ngủ và thức dậy muộn hơn để phù hợp với nhịp sinh học. Dường như giải pháp tốt nhất là vậy, nhưng còn lâu chúng ta mới hiện thực hóa được ý tưởng đó”.

    Mặc dù vậy, vẫn có một trường trung học tại Boston thử đưa ra một lịch học đầy tranh cãi. Họ lùi thời gian bắt đầu các tiết học mỗi ngày đi 1 tiếng đồng hồ, tới 8h35. Kết quả là số học sinh đi muộn đã giảm 35% và số điểm trượt giảm tới 1 nửa.

    Có vẻ như đúng là có thểm 1 giờ để ngủ sẽ giúp thanh thiếu niên bớt ghét đến trường và cải thiện được kêt quả học tập khá nhiều.

    4. Dậy sớm là bạn già rồi đó, đừng kéo tôi già theo

     Eric Spitznagel - người bênh vực cho mọi con cú đêm trên thế giới

    Eric Spitznagel - người bênh vực cho mọi "con cú đêm" trên thế giới

    Hãy dành ra một vài phút và nhìn vào gương, trước khi bạn mở cửa phòng ngủ và hét lên với chúng tôi “Đến giờ dậy rồi. Đồ lười biếng, suốt ngày chỉ có ngủ”. Bạn có nhận ra khuôn mặt mình bị lão hóa và nhiều nếp nhăn hơn bạn tưởng?

    Ngoài trẻ con ra thì bạn có thấy ai được giảm giá ở quầy xem phim không? Bạn cũng có thể đó, với bộ dạng già nua mà chính mình đã chẳng để ý hay nhận ra.

    Những người lớn tuổi, họ không chỉ thức dậy sớm vì thói quen hay một thứ gì đó lành mạnh. Họ dậy sớm, vì một sự gián đoạn trong chu kỳ sinh lý học. Nghiên cứu năm 2011 của Đại học Zurich phát hiện ra một gen gọi là PER2, có tác động lên đồng hồ sinh học khi chúng ta già đi.

    “Nó có thể thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể khiến mọi người đi ngủ sớm và thức dậy sớm hơn”, Steven Brown, tác giả nghiên cứu cho biết.

    Nhưng đừng vội sợ hãi quá. Nếu bạn thức dậy sớm, điều đó không có nghĩa là bạn phải tham gia vào hội người cao tuổi. Nó cũng có thể xảy ra, đơn giản chỉ vì nhà bạn thắp quá nhiều đèn vào buổi tối, Brown nói.

    Bởi vậy, bài học ở đây khá đơn giản: Hãy tắt những bóng đèn chết tiệt ấy đi, cả buổi tối và buổi sáng. Chúng tôi hiểu rồi. Bạn thì thích buổi sáng, nhưng tại sao bạn cứ phải cố gắng dậy sớm để rồi già đi như thế?

    Bạn có thể ngừng quá trình lão hóa của bạn mà. Chỉ cần im lặng, “Shhh”, đừng nói gì và cũng đừng đánh thức chúng tôi dậy.

    *Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của Eric Spitznagel

    Tham khảo Tonic

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ