Người đàn ông này vừa bỏ việc đi làm lái xe Uber sau khi bán công ty với giá gần 2 tỷ USD

    Neo,  

    Nếu bạn gặp Paul English ngồi sau tay lái Tesla thì đừng tỏ ra quá thân thiện vì có thể anh ấy đang làm việc.

    Năm ngoái, Paul English, đồng sáng lập của trang web hỗ trợ khách du lịch nổi tiếng Kayak - được Priceline mua lại với giá 1,8 tỷ USD vào năm 2012, nhìn vào ứng dụng lịch ông thấy rằng 90% cuộc họp và hẹn hò của ông được tiến hành với những người trong giới công nghệ hoặc không tạo ra lợi nhuận.

    Ông muốn mở rộng quan hệ của mình. Vì vậy, ông quyết định bắt đầu lái xe cho Uber. Ông khởi đầu vào đúng đêm Halloween bằng chiếc Tesla Model S của mình sau khi tham dự một bữa tiệc hóa trang.

    "Tôi rời bữa tiệc và lái xe cho Uber từ nửa đêm tới 2 giờ sáng", ông nói. "Ai cũng cảm thấy phấn khích khi thấy một người hóa trang thành ma cà rồng và lái một chiếc xe Tesla".

    Và từ đó tới nay, mỗi tuần English dành vài giờ để lái xe cho Uber xung quanh khu phố nhà anh tại thành phố Boston. "Khi có bất cứ khách hàng nào hỏi về cuộc sống của tôi, tôi thường giới thiệu mình là một kỹ sư và sau đó tôi hỏi về cuộc sống của họ", ông nói. "Nghe khách hàng chia sẻ về cuộc sống của họ là một điều rất thú vị".

    English luôn mang theo một cuốn sổ tay và thường ghi chép về các khách hàng sau mỗi chuyến đi. Một trong những khách hàng đáng nhớ nhất của ông là một bé gái 13 tuổi tới từ Trung Quốc. Cô bé đã tới thăm một vài trường trung học ở Boston và hy vọng rằng học ở một trong số trường này sẽ giúp cô có cơ hội được nhận vào học tại Viện Khoa học Massachusetts (MIT) danh tiếng. English đã khoe với cô bé rằng ông là một giảng viên bán thời gian tại trường kinh doanh của MIT.

    "Cô ấy không tin tôi", ông nói. "Cô ấy bảo rằng: 'Tại sao bạn phải lái xe kiếm tiền trong khi bạn là một giảng viên tại MIT? Tôi nói với cô ấy rằng tôi có rất nhiều cuộc sống khác nhau".

    Lái xe Uber đã giúp English hiểu các chuyên gia trong nền kinh tế phục vụ được đánh giá như thế nào. Startup mới nhất của ông, Lola, đã huy động được 19,7 triệu USD và chuẩn bị được ra mắt. Sử dụng trí tuệ nhân tạo và cả những chuyên gia phân tích, Lola sẽ cung cấp cho người dùng những thông tin du lịch như chuyến bay, khách sạn và nhà hàng phù hợp nhất với từng cá nhân. Thay vì hiển thị 50 kết quả khiến người dùng bối rối, các nhân viên của Lola sẽ chỉ hiển thị hai hoặc ba kết quả phù hợp nhất với từng khách hàng và khách hàng có thể đánh giá các nhân viên theo thang điểm 5.

    Tại Uber, English được khách hàng đánh giá 4,97 trên 5 điểm. "Là một người cạnh tranh, tôi luôn tự hỏi: 'Tại sao người ta không cho tôi năm điểm? Tôi đã làm gì sai'?", English chia sẻ.

    Đó chính là lý do thôi thúc ông thành lập Lola. "Tôi muốn các nhân viên của mình cạnh tranh với nhau", ông nói. "Hệ thống xếp hạng giúp các nhân viên có quyền tuyên bố: 'Tôi muốn trở nên tốt hơn'".

    Tham khảo INC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ