Người Maya cổ đại đã "đưa cá mập lên bờ" ra sao?

    Kuroe,  

    Có kỳ lạ không, khi một nền văn minh vốn được biết tới là gắn với đất liền như của người Maya, lại có những biểu tượng tôn sùng loài cá mập?

    Một điều mà có lẽ không mấy ai chú ý về nền văn minh Maya cổ đại, đó là cá mập ở khắp mọi nơi. Những hình ảnh về cá mập xuất hiện ở các di chỉ Maya cổ trải dài từ Mexico, Belize, đến Guatemala - thậm chí còn xuất hiện ở phía sâu bên trong lục địa. Một vài nhà khảo cổ học tin rằng, những hình ảnh này có lẽ được dựa trên những kinh nghiệm và hiểu biết của người Maya cổ về loài vật này, thông qua việc tìm thấy hóa thạch của hàm và răng cá mập.

    Ngay từ những di chỉ đầu tiên được phát hiện của người Maya, các nhà khảo cổ học đã tìm ra không ít hóa thạch răng cá mập, với nguồn gốc từ khoảng năm 100 sau Công nguyên. Một số được đục lỗ và đeo như đồ trang sức, số khác được gắn cùng với vũ khí, cũng như được sử dụng trong các buổi lễ hiến tế. Một số loài thủy quái được khắc họa trên đồ gốm, hay trên tường của các tòa nhà dùng để thực hiện nghi lễ, cũng có rất nhiều điểm tương đồng với loài cá mập. Hay như, thần Maize đã từng hạ gục một con cá mập trong truyền thuyết cổ của người Maya.

    Vấn đề được đặt ra ở đây, đó là tại sao cá mập lại trở thành một phần quan trọng trong văn hóa của một nền văn minh vốn gắn với đất liền? Trả lời trong tạp chí Antiquity, nhà nhân chủng học Sarah E. Newman cho rằng, những người Maya cổ sống gần bên các bờ biển ắt hẳn đã từng săn rất nhiều cá mập - và răng cá mập có lẽ là chiến lợi phẩm của họ sau mỗi cuộc săn. Một số ghi chép tại châu Âu cũng kể lại việc những người Maya vào thế kỷ 16 "đi câu" cá mập ở vùng Yucatan, bằng cách sử dụng cá ép, hoặc thịt tươi để làm mồi.

    Rất có thể, những bộ răng cá mập này đi theo những thương gia người Maya, từ bờ biển vào sâu đến trong đất liền, cùng với đó là câu chuyện về loài "thủy quái" đáng sợ này. Tuy vậy, những hành trình dài vốn không phổ biến với người Maya, đặc biệt là với nền văn hóa Maya cổ đại. Vì lý do này, nhiều khả năng, những bộ răng cá mập kể trên được truyền tay từ thương nhân này qua thương nhân khác để vào đến đất liền, chứ không phải do những người trực tiếp đi săn mang đi. Và do đó, những món đồ này bỗng mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với người Maya sống sâu bên trong đất liền, do họ không có hiểu biết trực tiếp về loài "thủy quái" kia.

    Từ xook trong ngôn ngữ Maya
    Từ "xook" trong ngôn ngữ Maya

    Trong ngôn ngữ Maya cổ đại, "cá mập" được biểu diễn bằng từ "xook" hoặc "xoc" (phát âm là "shok") . Nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng, từ "shark" trong tiếng Anh có nguồn gốc từ ngôn ngữ Maya, tuy nhiên, lại có một số bằng chứng khác cho thấy người Anh đã dùng từ "shark" từ trước khi tiếp xúc với người Maya rồi.

    Người Maya cũng đã từng biểu diễn loài "xook" bằng nhiều hình ảnh khác nhau. Hình ảnh thường được thấy về loài cá mập theo như người Maya cổ, là một loài vật chỉ có một chiếc răng lớn, sáng bóng và cứng chắc. Một vài biểu tượng khác, thì lại mô tả cá mập như một loài vật với nhiều chiếc răng sắc nhọn ở hàm trên, trong khi hàm dưới không có một chiếc răng nào. Theo bà Newman, người Maya tôn sùng loài cá này như những vị thần: "Nhiều người trị vì của Maya đặt tên mình theo loài cá mập, như Yax Ehb Xook, hay Ix K'abal Xook (Hoàng hậu của Yaxchilan thời thế kỷ thứ 8)".

    Lý giải cho việc tại sao cá mập trong tưởng tượng của người Maya lại như vậy, bà Newman cho rằng, hóa thạch của những chiếc răng cá mập được tìm thấy trong di chỉ của người Maya cổ đều là răng hàm trên. Rất có thể, đó cũng là tất cả những gì mà người Maya sống trong đất liền biết về loài cá mập. Và có lẽ, những người này chưa bao giờ được thấy nguyên một bộ hàm cá mập, mà chỉ mới thấy mỗi hàm răng trên.

    Vị thần Maize dùng hàm cá mập làm trang sức đeo trước bụng
    Vị thần Maize dùng hàm cá mập làm trang sức đeo trước bụng

    Tuy vậy, qua thời gian, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra nhiều hình ảnh tương đối chuẩn xác của người Maya về loài cá mập. Giải thích cho việc này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, rất có thể một số người Maya trong đất liền được tiếp xúc với loài Bull Shark (Cá mập bò) tại các con sông sâu bên trong Mexico và Guatemala. Còn những chiếc răng cá mập cỡ lớn, rất có thể có nguồn gốc từ loài cá mập cổ Megalodon.

    Trong tạp chí Antiquity, bà Newman còn viết thêm:

    "Một trong ba phiên bản về vị thần Mặt trời của người Maya tại El Zotz, là hình ảnh của một vị thần có răng cá mập thay cho răng cửa. Vị thần uống máu tươi này sẽ chìm xuống phía Tây của đại dương vào lúc hoàng hôn. Giọt máu chảy xuống từ miệng vị thần, cũng như màu nước biển đỏ rực của thời khắc hoàng hôn, tượng trưng cho sự kết hợp giữa máu và nước. Điều này rất có thể dùng để ám chỉ truyền thuyết Cipactli, khi con thủy quái bị tiêu diệt, biến đại dương trở thành biển máu".

    Hình vẽ về trận chiến với loài thủy quái của người Maya
    Hình vẽ về trận chiến với loài thủy quái của người Maya

    Nếu như chúng ta đồng ý với giả thuyết rằng, những hình ảnh cá mập chỉ có một chiếc răng lớn bắt nguồn từ việc người Maya khai quật được hóa thạch của Megalodon, thì điều này cũng đồng nghĩa với việc họ là những người đầu tiên trên Trái Đất tìm ra loài vật này. Theo như bà Newman: "Như vậy, người Maya đã tìm thấy Megalodon từ cả nghìn năm trước khi những nhà sinh vật học của châu Âu". Và có lẽ, ẩn sau những hình ảnh hơn 1500 năm tuổi của người Maya, là một thực tế khoa học rằng, những loài thủy quái mang tên "xook" trong tiềm thức của họ là bằng chứng về bước đi đầu tiên của loài người trong ngành cổ sinh vật học.

    Tham khảo arstechnica

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ