Nhà vật lý học tại Đại học Harvard cho rằng hiện tượng bùng nổ sóng vô tuyến xuất phát từ người ngoài hành tinh

    Dink,  

    Thứ công nghệ vẫn còn trong trứng nước trên Trái Đất có thể đã được người ngoài hành tinh sử dụng rồi.

    Chẳng phải dài dòng nhắc lại cái sự thật hiển nhiên rằng Vũ trụ đầy rẫy những điều bí ẩn, nhưng vẫn phải tốn lời nhắc tới một trong những điều khó hiểu nhất ở trên kia: đó là hiện tượng bùng nổ sóng vô tuyến nhanh – Fast Radio Burst (FRB). Chúng là chùm sóng cực mạnh chỉ bùng phát trong vòng vài mili giây, chưa ai biết chúng đến từ đâu và cái gì đã gây ra chúng.

    Năm ngoái, các nhà khoa học tìm ra rằng tổng cộng 16 lần bùng nổ sóng này đềucùng tới từ một điểm nằm bên ngoài Dải Ngân hà của chúng ta. Các nhà vật lý học Harvard vừa đề xuất ý kiến rằng những chùm sóng ấy chính là bằng chứng về sự tiên tiến vượt bậc trong công nghệ của người ngoài hành tinh.

    Những vụ bùng nổ sóng vô tuyến nhanh cực sáng, mặc dù chúng tồn tại trong khoảng thời gian rất ngắn và tới từ những điểm rất xa Trái Đất, và chúng ta vẫn chưa xác định được một nguồn tự nhiên nào tạo ra chúng”, nhà vật lý lý thuyết Avi Loeb tới từ Trung tâm Vật lý Vũ trụ Harvard-Smithsonian nói. “Giả thuyết về việc nó tới từ một nguồn ‘nhân tạo’ cũng đáng để kiểm tra lắm chứ”.

    Và hơn nữa, những vụ bùng nổ FRB kia không hiếm có đến thế. Từ lần đầu tiên phát hiện ra nó hồi năm 2007, các nhà khoa học ước tính rằng có khoảng 2.000 vụ bùng nổ như vậy diễn ra trong Vũ trụ mỗi ngày. Nhưng thời lượng tồn tại chỉ tầm 5 mili giây của chúng khiến cho việc phát hiện và nghiên cứu trở nên vô cùng khó khăn, chưa kể vũ trụ thì rộng lớn mà FRB thì ngẫu nhiên xuất hiện đó đây.

    Việc phát hiện được vị trí phát ra những chùm sóng cực mạnh này là một bước tiến lớn (nó phát ra từ một ngân hà lùn cách Trái Đất 3 tỉ năm ánh sáng), nhưng để hiểu hơn về chúng qua những chùm sóng khác, thì ta phải tiến hành theo dõi toàn bộ Vũ trụ này. Quả là một nhiệm vụ bất khả thi.

    Hơn nữa, vẫn chưa ai đưa ra được một lời giải thích hợp lý cho những chùm sóng mạnh mẽ ấy. Giả thuyết được nhiều người ủng hộ nhất là những chùm sóng ấy được tạo ra bởi một vụ nổ cực mạnh nào đó trên vũ trụ: từ một hố đen siêu khổng lồ, siêu tân tinh phát nổ hay từ một ngôi sao từ (magnetar – một loại sao neutron được bao quanh bởi một từ trường cực mạnh).

     Sao Neutron.

    Sao Neutron.

    Nhưng đó cũng chỉ là những phỏng đoán, dựa trên những hiểu biết ít ỏi mà chúng ta có về Vũ trụ.

    Và người ta quay sang một giả thuyết dị thường hơn: Loeb và đội ngũ của mình cho rằng ta nên tìm một nguồn gốc bớt ... tự nhiên hơn là một vụ nổ trên vũ trụ. Nói cách khác, họ cho rằng những chùm sóng ấy phát ra từ một thiết bị gì đó của người ngoài hành tinh.

    Chúng tôi cho rằng những vụ bùng nổ sóng radio nhanh này là những tia sóng tạo ra bởi một nền văn hóa vũ trụ khác nào đó để cung cấp sức mạnh cho khả năng ‘lướt ánh sáng’ của mình”, họ viết trong bài nghiên cứu của mình.

    Buồm ánh sáng – Lightsail là thứ công nghệ vẫn còn đang trong giai đoạn trứng nước, ít ra là trên Trái Đất này. Nó có tiềm năng cách mạng hóa việc khám phá vũ trụ, với ước tính đưa ra từ các nhà nghiên cứu tại NASA rằng họ có thể lên tới Sao Hỏa trong vòng 3 ngày.

    Được biết tới với tên gọi khác là hệ thống đẩy lượng tử ánh sáng, buồm ánh sáng được cung cấp sức mạnh thông qua động lượng của các hạt photon – các hạt lượng tử ánh sáng. Chúng có thể tới từ ánh sáng Mặt Trời hoặc từ các tia laser do chính ta tạo ra. Hệ thống này sẽ không cần nhiên liệu, thứ duy nhất cần để nó hoạt động đó là vật lý – một thứ vật lý giả tưởng ở thời điểm hiện tại.

     Đây có thể là hệ thống lightsail trong tưởng tượng.

    Đây có thể là hệ thống lightsail trong tưởng tượng.

    Dựa trên những hiểu biết ấy, Loeb và đội ngũ của mình nghiên cứu giả thiết về việc những chùm sóng bùng nổ kia là nguồn sức mạnh cho những thiết bị buồm ánh sáng của người hành tinh khác, một giống loài có công nghệ vượt trội hơn chúng ta.

    Họ tính toán rằng nếu như những tín hiệu cực mạnh kia được phát ra từ một hệ thống năng lượng khổng lồ cách ta cả tỉ năm ánh sáng, kích cỡ của nó sẽ lớn bằng cả một hành tinh, để có thể thu thập được năng lượng từ một ngôi sao và phát được một tín hiệu đủ mạnh để Trái Đất có thể phát hiện ra được – ta đang nói tới một khối cầu Dyson phát tín hiệu.

    Chúng tôi vẽ ra viễn cảnh về một tia sóng vô tuyến hoạt động như một nguồn năng lượng đẩy buồm ánh sáng đi”, Avi Loeb nói. “Cũng như cách mà một chiếc thuyền buồm được một cơn gió đẩy đi, buồm ánh sáng được đẩy bằng ánh sáng và nó sẽ có thể đi được với tốc độ ánh sáng”.

    Cũng như các giả định khác, đây cũng chỉ là một giả định, một nỗ lực giải thích chùm sóng vô tuyến cực mạnh kia. Loeb nói rằng khoa học không dựa trên niềm tin của ta về việc gì có thật, mà nó dựa trên những bằng chứng mà ta tìm được. Và anh cũng nói thêm rằng ta vẫn có thể đưa ra những giả thuyết – càng nhiều càng tốt, để xem những dữ liệu mà ta có phù hợp với cái nào nhất.

    Nghiên cứu của Loeb và đội ngũ của mình đã được đồng ý xuất bản trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, bạn có thể truy cập và đọc nó tại đây.

    Tham khảo ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày