Nhìn từ môn võ "truyền điện": nhớ tới ví dụ tương tự có thật ở Nhật Bản và cái gọi là "thiên kiến xác nhận"

    Phong Nguyen Spiderum,  

    Nhân một ngày toàn bộ võ lâm giang hồ Facebook xôn xao vì cuộc thách đấu bất thành giữa cao thủ Vịnh Xuân - Piere Francois Flores (Canada) với Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo – Huỳnh Tuấn Kiệt, chúng ta điểm lại trận đánh cách đây mười một năm, một bên đại diện cho võ hiện đại - MMA và võ truyền thống – KIAI, của làng võ Nhật Bản.

    Tuyệt chiêu "nhân điện", không phải là đặc quyền riêng của Kiệt tiên sinh hay bất cứ môn phái nào. Nó đã được nhắc đến từ lâu trong các giáo khoa thư nằm lòng của thanh thiếu niên Á Đông như 7 viên ngọc rồng hay tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Các chiêu thức huyền thoại Kame hay Giáng long thập bát chưởng đôi khi còn tỏ ra ưu việt hơn chiêu thức phương Tây ‘Avada Kevrada’, khi Harry Potter phải cần đến dụng cụ hỗ trợ đũa phép mới thi triển được.

    Không xa lắm, mới thập niên trước, Ryuken Yanagi - chưởng môn kiêm sáng lập viên võ phái KIAI (tổng hợp của Aikido, Karate, Kobudo, Kendo, Judo) đã gây sốt toàn bộ xứ Phù Tang với những đòn nội công thâm hậu khi ông có thể dùng tay không đánh bại bất cứ đối thủ nào không cần chạm người.

    Tiếng lành đồn xa, môn sinh đến bái sư Yanagi đông như kiến cỏ.

    Yanagi lấy đó làm tự đắc. Vị chưởng môn tuyên bố trên tạp chí võ thuật Tantei Fei những khả năng về nội-khí công của mình là thứ bất khả tri với vật lý học, ông cũng nói rằng đã giao đấu 200 trận, chưa thua trận nào – tỉ lệ 100%. Đồng thời treo thưởng một triệu yên cho bất kỳ ai dám thượng đài thắng ông, muốn đấu đặt cọc trước năm trăm ngàn yên, thua tử nạn ráng chịu.

    Quần hùng nghe tiếng vậy kinh hãi lắm, chẳng ai dám lên tiếng.

    Thì bỗng nhiên ở đâu xuất hiện tên "oắt con" Tsuyoshi Iwakura.

    Iwakura, 35 tuổi, võ sĩ MMA, từng một lần bại trận trước bậc thầy Aikido - Gozo Shioda mười năm trước, rất muốn phục thù. Lệ phí đặt cọc được tạp chí Tantei Fei tài trợ. Truyền thông vào cuộc. Hơn 500 người kéo đến võ đường phía bắc thành phố Sapporo chứng kiến trận tỉ thí này.

    Chưởng môn Yanagi bắt Iwakara phải ký giấy sinh tử (chết thì thôi, cấm kiện cáo). Đoạn ký giấy phút 2’20s trong video.

    Kết quả trận đấu nhanh hơn mọi người nghĩ. Võ sĩ MMA sợ giật điện nên tấn công tới tấp và thắng chặt trong chưa đầy 1 phút. Chưởng môn chưa kịp phóng điện đã gãy mũi và đi nguyên bộ hàm.

    Sau cuộc chiến, Yanagi đã tự cho mình là có "tỉ lệ thắng 99%". Và rằng ông "không khỏe".

    Thiên kiến xác nhận

    Bây giờ là câu hỏi:

    Yanagi và các đồ đệ của ông cảm thấy thế nào sau khi môn võ KIAI truyền thống của họ bị làm nhục công khai? Sau tất cả, khả năng nhân điện đã bị đánh bại, đây có phải rõ ràng là một sự thật hoang đường?

    Tất nhiên nỗi xấu hổ là không thể tránh khỏi - đặc biệt ở Nhật Bản, nơi tôn nghiêm và danh dự rất được coi trọng. Nhưng đó cũng là nơi mà mức độ của những chuyện kỳ quặc vượt xa trí tưởng tượng của mọi người.

    Vì dù bị "bóc phốt", Yanagi và các đồ đệ vẫn… tiếp tục tin vào năng lực của họ.

    Đây là cách họ hợp lý hóa nó:

    • Anh chàng MMA có thể chuyển hướng dòng năng lượng của chưởng môn KIAI, hoặc

    • Anh ta có đủ nội lực phản công lại

    (Có khi chỉ đơn giản là anh ấy đã mặc chiếc quần lót may mắn của mình ngày hôm đó)

    Thiên kiến xác nhận là một khuynh hướng của con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ. Ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận mạnh hơn đối với các vấn đề liên quan tới cảm xúc, hoặc những đức tin đã ăn sâu vào tâm thức. Người ta cũng có xu hướng diễn dịch bằng chứng không rõ ràng để ủng hộ cho lập trường có sẵn của họ

    Một điều rõ ràng, tuy rằng Yanagi có một bộ hàm giòn như thủy tinh, chắc chắn vị chưởng môn phải rất "cứng đầu".

    Liệu cuộc hạnh ngộ giữa đại võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt và Flores sẽ kết thúc ra sao? Không biết.

    Điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể học được ở đây là: Không ai trong chúng ta thoát khỏi thiên kiến xác nhận.

    Warren Buffet đã nói "Con người làm tốt nhất trong việc lý giải tất cả các thông tin mới để giữ cho niềm tin cũ của họ được nguyên vẹn"

    Nên chúng ta hay thường hay nghe, nếu "con tôi" học giỏi, đó là nhờ gia đình tuyệt vời, bố mẹ tâm lý, có điều kiện. Còn nếu đứa trẻ bị kết quả xấu, đó là do môi trường không tốt. Ngược lại với "con nhà người ta", nghèo nhưng biết phấn đấu, còn giàu mà học giỏi là đương nhiên vậy.

    Nói chung thiên kiến xác nhận này luôn xảy ra với bất kỳ ai: nhà đầu tư, chính trị gia, CEO hay lập trình viên. Ít ai nghĩ khi chúng ta thành công là nhờ chúng ta gặp may, còn khi thất bại là do ta dở.

    Kết lại, chúng ta có thể học được gì?

    Những điều ta luôn tin tưởng có thể không đúng hoàn toàn.

    Làm sao chống lại thiên kiến

    Nói dễ, nhưng làm thì khó. Trở nên phóng khoáng và cởi mở với ý kiến của tất cả mọi người. Tôn trọng sự khác biệt. Học cách yêu lấy ý tưởng của ‘đối thủ’.

    Thay vì nghĩ đến 200 lần chiến thắng, hãy nghĩ đến một lần thất bại.

    Ví như cứ thử suy nghĩ thế này: cô ấy không yêu tôi là do tôi là một tên robot kém thú vị, còn tôi yêu cô ấy tất nhiên không phải vì ngoại hình đâu

    Nghe chướng tai và thật khó chấp nhận đúng không?

    Nhưng nếu đó đúng là thật thì sao?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ