Nhìn vào Mate 30 hay Mi Mix Alpha, bạn sẽ hiểu vì sao Apple và Samsung vẫn dẫn đầu phân khúc cao cấp dù kém "sáng tạo" hơn

    Lê Hoàng,  

    Không còn nghi ngờ gì nữa, người Trung Quốc đã vượt lên trên 2 ông lớn Mỹ - Hàn về sức sáng tạo trên smartphone. Nhưng cái cách sáng tạo của họ...

    Mới chỉ cách đây 2 năm thôi, cái bóng của Apple (và Samsung) vẫn còn bao phủ lên thế giới smartphone Trung Quốc. Từ 2015 đến 2017, thế giới tràn ngập những bản sao của thiết kế iPhone 6. Apple vừa ra mắt tai thỏ, các nhà sản xuất Trung Quốc đã vội vã chạy theo bằng cách "hồi sinh" công nghệ nhận diện khuôn mặt 2D, gây nguy hại đến bảo mật của người dùng. Với Samsung, người Trung Quốc copy từ thiết kế nút Home, mặt lưng cong cho đến cả tên gọi Note.

    Năm 2018 chứng kiến điều ngược lại. Từ chỗ là kẻ copy, người Trung Quốc biến thành kẻ đi trước. Công nghệ toàn màn hình có trên smartphone Trung Quốc trước tiên. Camera thò thụt và thiết kế trượt được hồi sinh bởi người Trung Quốc trước khi Samsung theo sau. Rồi, sang tới năm nay, sức sáng tạo của smartphone Trung Quốc thực sự bùng nổ: màn hình gập có mặt cùng lúc trên Mate X và Galaxy Fold, màn hình thác nước phổ cập bởi NEX 3 và Mate 30, rồi "màn hình bao" được Mi Mix 2 tiên phong.

    Nhìn vào Mate 30 hay Mi Mix Alpha, bạn sẽ hiểu vì sao Apple và Samsung vẫn dẫn đầu phân khúc cao cấp dù kém sáng tạo hơn - Ảnh 1.

    Quả thật, nếu nói sáng tạo thuần túy thì người Trung Quốc đã vượt lên trên.

    Trong cùng một năm, Apple cập nhật 3 mẫu iPhone 11 bằng pin lớn hơn, thêm 1 camera góc rộng và con chip tiếp tục khiến cho binh đoàn Android ngửi khói. Tính riêng trong nhà Android, Samsung chống trả người Trung Quốc bằng những giá trị truyền thống của dòng Note: màn hình lớn (và đẹp), bút stylus đa dạng tính năng. Cả 2 chiếc smartphone đầu bảng cuối năm từ 2 ông lớn đứng đầu thị trường cao cấp đều thua xa các đối thủ Trung Quốc trên khía cạnh sáng tạo thuần túy.

    Và đó sẽ là lý do Apple cùng Samsung sẽ tiếp tục thống trị phân khúc cao cấp.

    Nhìn lại "sáng tạo" của người Trung Quốc

    Hãy cùng nhìn lại những sáng tạo của người Trung Quốc. Đầu tiên, hãy cùng nói đến trào lưu màn hình thác nước với 2 đại diện Huawei Mate 30 và Vivo Nex 3. Là phiên bản cải tiến của màn hình "vát" từng được Samsung tiên phong với dòng Edge xưa cũ, màn hình thác nước giúp xóa bỏ một cách tuyệt đối hai viền màn hình trái phải. Chiều rộng của máy nhớ đó có thể giảm vài mm…

    Nhìn vào Mate 30 hay Mi Mix Alpha, bạn sẽ hiểu vì sao Apple và Samsung vẫn dẫn đầu phân khúc cao cấp dù kém sáng tạo hơn - Ảnh 2.

    Một "sáng tạo" rõ ràng sẽ gây bất tiện cho người tiêu dùng.

    …và thế là hết. Màn hình thác nước không hề có một lợi thế thực tế nào ngoại trừ chiều rộng được cắt gọt đi chút đỉnh. Đổi lại, người dùng phải chấp nhận những đánh đổi cực kỳ khó chịu. Các nút bấm bị xóa bỏ, trong đó việc thiếu 2 nút volume chắc chắn sẽ khiến người dùng khó chịu nhất: bạn thử tưởng tượng Mate 30 chơi nhạc trong túi quần, bạn sẽ phải làm thêm bao nhiêu bước để vặn to/nhỏ âm lượng? Khái niệm màn hình cong không hề mới, thậm chí đã từng được Samsung khai phá bằng dòng edge từ cả nửa thập niên trước. Lý do Samsung dần dần "là phẳng" hai cạnh vát thật ra không có gì khó hiểu: hình ảnh phim ảnh đều được chiếu trên mặt phẳng, chứ không phải là bề mặt uốn cong hai bên.

    Giờ đây, một loạt các hãng Trung Quốc đình đám đang chạy theo những gì người Hàn Quốc từ bỏ từ vài năm trước.

    Màn hình thác nước bất tiện, nhưng để nói đến vô nghĩa thì phải kể đến "màn hình bao" của Xiaomi. Có lẽ sau hàng năm trời bị coi là kẻ copy Apple một cách không biết xấu hổ, Xiaomi đã cảm thấy cần phải tung ra một tuyên ngôn thật sự "sốc" để chứng minh tính sáng tạo. Kết quả là Xiaomi tạo ra một sáng tạo vô nghĩa – trong hoàn cảnh nào thì màn hình phía sau (và hai bên) thân máy sẽ trở nên hữu ích? Người dùng nào đủ kỳ quặc để giơ điện thoại lên và nhìn vào hai cạnh hoặc mặt sau (với một đường nhựa lớn chia cắt màn hình) thay vì nhìn thẳng vào… màn hình mặt trước?

    Nhìn vào Mate 30 hay Mi Mix Alpha, bạn sẽ hiểu vì sao Apple và Samsung vẫn dẫn đầu phân khúc cao cấp dù kém sáng tạo hơn - Ảnh 3.

    Một trải nghiệm như thế này sẽ giúp ích cho ai???

    Xiaomi không phải là kẻ đầu tiên nghĩ ra ý tưởng đặt màn hình ở mặt sau – mới chỉ năm ngoái thôi, Vivo còn ra mắt hẳn phiên bản Dual Display cho chiếc NEX. Vivo còn là chủ nhân của một trào lưu khác: thu nhỏ/loại bỏ "rãnh" màn hình do Apple khai phá. Để đạt được mục tiêu này, Vivo cùng tất cả các ông lớn Trung Quốc tung ra vô số sáng tạo: khi thì thu nhỏ camera mặt trước thành "giọt nước" hay nốt ruồi, khi thì đặt camera vào cơ chế "thò thụt" và dùng cảm biến vân tay dưới màn để thay thế cho nhận diện khuôn mặt 3D.

    Những kẻ thống trị

    Apple tuyệt đối không tham gia vào các trào lưu này, còn Samsung thì có nhưng chỉ dùng trên dòng tầm trung. Lý do một lần nữa lại là bởi các sáng tạo này gần như hoàn toàn vô nghĩa. Phần lớn các nội dung video hiện tại vẫn có tỷ lệ 16:9, thu nhỏ cái rãnh đến bao nhiêu thì hai bên điện thoại vẫn là hai mảng màn hình đen. Cái rãnh có biến thành "nốt ruồi" hay "giọt nước" thì nhà sản xuất cũng chẳng thể nhồi nhét thêm tính năng nào vào cả. Riêng cơ chế camera vật lý lại làm mất đi khả năng kháng nước, kháng bụi quan trọng.

    Nhìn vào Mate 30 hay Mi Mix Alpha, bạn sẽ hiểu vì sao Apple và Samsung vẫn dẫn đầu phân khúc cao cấp dù kém sáng tạo hơn - Ảnh 4.

    Năm modern smartphone thứ 12, phần thắng vẫn sẽ thuộc về kẻ đi theo những giá trị đã được chứng minh.

    Sức sáng tạo trong năm 2019 có thể tóm tắt trong một phép tương phản: Apple và Samsung hụt hơi còn các tên tuổi Trung Quốc thì tung ra những sáng tạo không có giá trị thực tế. Phép tương phản này cũng thể hiện sự nghèo nàn của chiếc modern smartphone, 12 năm sau ngày Steve Jobs vén màn iPhone 2G: quả thật, smartphone đã quá hoàn thiện rồi. Cố tạo ra những tính năng mới chỉ tạo ra những sáng tạo có nghĩa với bộ phận marketing và vô nghĩa với người dùng.

    Cũng bởi lý do ấy, Apple và Samsung vẫn tiếp tục thống trị phân khúc cao cấp. Khi không một nhà sản xuất nào có thể tạo ra những sáng tạo có nghĩa, người dùng đơn giản là đi tìm những giá trị truyền thống. Hiệu năng "khủng", màn hình đứng top DisplayMate, camera, pin, sự hoàn thiện của hệ điều hành iOS, những tính năng hữu ích của bút S Pen… chẳng thể coi là sáng tạo mới, nhưng vẫn sẽ giúp Apple và Samsung thống trị chỉ vì một lý do đơn giản: người dùng không cần gì hơn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày