Nhìn vào việc iPhone 5s ra mắt năm 2013 được cập nhật iOS 11 để thấy tại sao iPhone lại đặc biệt đến vậy

    Chíp,  

    Khi nghĩ tới giá trị thị trường ngấp nghé 1.000 tỷ USD và lượng tiền mặt khổng lồ của Apple có thể bạn sẽ nghĩ kiếm tiền từ việc bán những chiếc smartphone giá 700 USD là điều dễ dàng. Tuy nhiên, khi mà danh sách các hãng smartphone thất bại ngày càng dài bạn sẽ thấy những gì Apple đã làm không hề đơn giản.

    Chỉ cần so sánh iPhone 5s với những smartphone Android cao cấp cùng ra mắt vào năm 2013 chúng ta sẽ thấy một trong những lý do khiến Apple tỏa sáng còn các hãng khác thì rơi rụng dần.

    Apple vừa tung ra iOS 11 cho người dùng và bạn sẽ bất ngờ khi thấy iPhone 5s, ra mắt vào năm 2013, vẫn được cập nhật phần mềm mới nhất cùng thời điểm với các mẫu iPhone vừa ra mắt năm nay. Vậy có bao nhiêu smartphone Android ra mắt năm 2013 được cập nhật Android 8.0 Oreo?

    Chắc bạn sẽ có ngay câu trả lời là 0. Chẳng có smartphone Android cao cấp nào ra mắt năm 2013 được cập nhật Android. Galaxy S4, ra mắt vài tháng trước iPhone 5s, đang mắc kẹt với Android 6.0 Marshmallow. Trong khi đó, HTC One M7 từng một thời đình đám thậm chí còn tệ hơn khi vẫn chạy Lollipop.

    Mặc dù đã cố gắng để các tính năng mới có thể được cập nhật cho những phiên bản Android cũ nhưng về cơ bản Google vẫn không thể giải quyết triệt để vấn đề. Điện thoại Android không được thiết kế để dùng lâu dài và đó là một phần của một vấn đề lớn hơn.

    Người ta thích thiết bị của Apple bởi vì họ cảm thấy như họ đang mua một dịch vụ chứ không phải một thiết bị. Dù bạn mua bất kỳ mẫu iPhone nào bạn thích hiện tại thì Apple vẫn đảm bảo sẽ cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho bạn cho tới khi mẫu iPhone đó bị khai tử. iMessages và bất cứ dịch vụ nào của Apple, từ Apple Music, gói lưu trữ iCloud đều có thể sử dụng trên bất kỳ chiếc iPhone nào mà bạn có.

    Vấn đề của Android không phải chỉ ở phân mảnh phần mềm mà còn ở trải nghiệm tổng thể mà khách hàng nhận được. Những bản cập nhật phần mềm sẽ chỉ giải quyết được triệu chứng chứ không khắc phục tận gốc rễ vấn đề này.

    Hầu hết vấn đề của Android tới từ việc có quá nhiều ứng dụng cho một chức năng cụ thể. Các dịch vụ điện thoại - ví dụ như ứng dụng nhắn tin chính, hệ thống lưu trữ đám mây, hoặc trợ lý ảo - đều không liên quan tới phần mềm hoặc phần cứng của chiếc điện thoại. Trên một chiếc điện thoại Samsung vừa bóc hộp, bạn có tới hai trợ lý ảo, hai dịch vụ backup và tới năm ứng dụng nhắn tin khác nhau và tất cả chúng đều muốn bạn chú ý tới.

    Chắc chắn bạn khó hoặc không thể giải thích với bạn gái rằng tại sao nên sử dụng ứng dụng Gmail thay vì ứng dụng Mail mặc định của chiếc điện thoại hoặc tại sao bản backup trên chiếc smartphone HTC lại không cài được trên chiếc Note8 mới mua.

    Đó có lẽ là những điều mà Google đang cố gắng giải quyết bằng cách thâu tóm mảng phát triển smartphone Pixel của HTC. Lần đầu tiên kể từ khi Microsoft từ bỏ thử nghiệm với Windows Phone chúng ta thấy một công ty khác ngoài Apple sản xuất cả phần mềm và phần cứng di động. Quan trọng hơn, cuối cùng chúng ta sẽ có một sân chơi bình đẳng để Android và iOS so tài cao thấp như những gì mọi người hằng mong ước.

    Tuy nhiên, Google phải rất cẩn thận. Nếu quá sa đà vào việc tạo ra một smartphone với phần cứng đỉnh cao Google sẽ quên đi tầm quan trọng của dịch vụ và phần mềm. Chìa khóa thành công của Apple là chú ý tới từng chi tiết, quan tâm đầu tư và phát triển một cách nhất quán cả về phần mềm và phần cứng.

    Theo BGR

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ