Những điều chưa biết về NFC: Công nghệ giao tiếp tầm gần

    ZennyTP, ZennyTP 

    Công nghệ này hoạt động như thế nào?

    Near Field Communication (NFC) hay còn gọi là công nghệ truyền thông không dây tầm gần, có thể sử dụng hữu hiệu trong việc hỗ trợ thanh toán các giao dịch bán lẻ, trao đổi thông tin và những hình thức trao đổi kĩ thuật số khác.

    Công nghệ này được biết đến khá rộng rãi tại Nhật Bản, Hàn Quốc và đã được áp dụng trên một vài sản phẩm smartphone và tablet. NFC cũng đang được thử nghiệm sử dụng tại Châu Âu, Ấn Độ và Mĩ và nhận được tín hiệu phản hồi rất khả quan.

    Những điều chưa biết về NFC: Công nghệ giao tiếp tầm gần 1

    Hai thiết bị smartphone hỗ trợ chip NFC có thể kết nối dễ dàng với nhau khi cùng bật chế độ mở. Công nghệ này đảm bảo tương tác hai chiều một cách nhanh chóng. Như vậy có nghĩa một thiết bị hỗ trợ NFC có thể thay thế thẻ tín dụng để thanh toán tại cửa hàng mà bạn mua sắm. Thậm chí thiết bị NFC tại cửa hàng sẽ gửi đến điện thoại của bạn hóa đơn điện tử cũng như các tin tức khuyến mãi hiện có.

    Smartphone sử dụng chip NFC có khả năng chuyển phát thông tin, file âm nhạc và các file dữ liệu khác. Có thể kể đến Samsung Galaxy S III với tính năng Android Beam sử dụng NFC để thay thế công nghệ Bluetooth quen thuộc. 

    Cách thức hoạt động

    NFC được phát triển dựa trên nguyên lý tần số vô tuyến nhận dạng (Radio-frequency identification - RFID) cho phép một đầu đọc gửi sóng radio đến một thẻ điện tử thụ động để nhận dạng và theo dõi. Phát minh đầu tiên gắn liền với công nghệ RFID được cấp cho Charles Walton vào năm 1983. NFC đã được phê chuẩn ISO/IEC vào cuối năm 2003.
     
    Những điều chưa biết về NFC: Công nghệ giao tiếp tầm gần 2
     
    Đến năm 2004, ba hãng Nokia, Philips và Sony đã cùng hợp tác và cho ra đời NFC Forum. Forum này hoạt động rất hiệu quả, khuyến khích người dùng chia sẻ, kết hợp và thực hiện giao dịch giữa các thiết bị NFC. Hiện tại, forum đã có hơn 175 công ty thành viên bao gồm cả những ngân hàng cung cấp dịch vụ tín dụng, nhà cung cấp mạng không dây và các thiết bị điện thoại.
     
    Để các thiết bị NFC tương tác với nhau cần đảm bảo phạm vi tầm gần trong khoảng cách 4 cm. Tiếp theo, sử dụng cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị khi có sự tiếp xúc trực tiếp hay để gần nhau. NFC hoạt động ở dải băng tần 13,56 MHz và tốc độ truyền tải dữ liệu tương đối chậm 424 Kbps. 

    NFC có hỗ trợ bảo mật. Thực tế, khoảng cách truyền dữ liệu khá ngắn nên giao dịch qua công nghệ NFC được xem là an toàn. Nếu hacker muốn tác động vào dữ liệu sẽ cần phải lại gần với thiết bị trong phạm vi 4 cm. NFC cũng tiêu tốn ít năng lượng hơn so với Bluetooth, tuy nhiên việc sử dụng liên tục NFC cũng gây hao pin cho smartphone.
     
    Cùng trải nghiệm công nghệ NFC.
     
    Có ba chế độ hoạt động với công nghệ NFC. 

    -Chế độ mạng ngang hàng (P2P) cho phép 2 thiết bị trao đổi thông tin và chia sẻ các file dữ liệu.

    -Chế độ đọc/ghi cho phép thiết bị đọc thông tin hiển thị từ thẻ chip NFC.

    -Chế độ thẻ thông minh biến thiết bị sử dụng thành một chiếc smartcard, có thể sử dụng để mua bán, thanh toán hàng hóa.

    Do NFC hoạt động trên tần số 13,56 MHz nên không ảnh hưởng đến các công nghệ kết nối không dây khác. Khi mạng NFC được kích hoạt, người dùng vẫn có thể sử dụng các công nghệ kết nối khác như Bluetooth, Wi-Fi nếu muốn kết nối tầm xa hơn hay khi cần truyền lượng dữ liệu lớn hơn.

    Một số ứng dụng NFC tại Mĩ

    Đầu tiên phải kể đến Google Wallet, ứng dụng hỗ trợ NFC cho việc thanh toán qua điện thoại di động. Nó được ra mắt lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2011 tại Mĩ trên smartphone Nexus S cùng mạng không dây Sprint.
     
    Cách cài đặt và sử dụng công nghệ NFC trên Google Wallet.
     
    Samsung Galaxy S III được tung ra sau đó vào năm 2012 cũng hỗ trợ NFC và S Beam cho việc chia sẻ dữ liệu. Chưa dừng lại ở đó, nhà sản xuất xứ sở Kim Chi tiếp tục trình làng “siêu chip” NFC TecTile trong năm 2012 có khả năng chạy và thiết lập lại chương trình tùy thuộc vào thiết bị cài đặt. Ví dụ chiếc thẻ NFC có thể được lập trình để tự động bật ứng dụng nghe nhạc mỗi khi điện thoại của bạn đến gần. Thẻ NFC cũng có thể được sử dụng trên billboard, kiosk và mã QR tương tự khi đọc thẻ bởi bất kì thiết bị nào khác tương thích.
     
    Clip giới thiệu “siêu chip” NFC TecTile.
     
    Khi Apple giới thiệu siêu phẩm iPhone 5 vào tháng 9 năm 2012, giới công nghệ đã rất mong đợi sự xuất hiện của công nghệ NFC. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Thay vào đó, Apple đã dựa vào ứng dụng Passbook và mã vạch hiển thị trên màn hình điện thoại.
     
    Trong quá trình phát triển ví điện tử tại Mĩ, công ty Isis cũng đã tham gia liên doanh với AT&T, Verizon Wireless  và T-Mobile vào tháng 10 năm 2012 tại thành phố Salt Lake. Các bên đã thống nhất sử dụng 9 chiếc điện thoại thông minh đã bật sẵn chế độ mở NFC để thực hiện giao dịch mẫu với các thiết bị đầu cuối NFC khác.
     
    Các hoạt động xúc tiến sự kết hợp giữa ví điện tử và công nghệ NFC được tăng cường vào tháng tám. Thời gian này,  hàng loạt các “đại gia” bán lẻ như Best Buy, Walmart và Target đã thành lập Sở giao dịch khách hàng thanh toán bằng điện thoại di động- Merchant Customer Exchange (MCX).
     
    Những điều chưa biết về NFC: Công nghệ giao tiếp tầm gần 3

    Gần đây, dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động của 1 ngân hàng tại Mĩ đã cho phép những nhà bán lẻ sử dụng đầu đọc thẻ tín dụng tích hợp với smarphone để giao dịch. Thẻ này dựa trên những ứng dụng chuyển giao dữ liệu tín dụng và cấp quyền thanh toán. Khách hàng sẽ có chữ kĩ điện tử của riêng mình hiển thị trên màn hình điện thoại.

    Dù người Mĩ sử dụng rộng rãi thẻ tín dụng và séc giấy để thực hiện giao dịch, công nghệ  NFC trên smartphone vẫn thu hút một sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Các cuộc khảo sát cho thấy, có rất nhiều ý kiến vẫn chưa thực sự tin tưởng vào tính bảo mật của smartphone khi sử dụng để thực hiện thanh toán.

    Tham khảo: ComputerWorld
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày