Những giờ Tin học nhàm chán của bạn là lý do vì sao Microsoft buộc phải thay đổi bản chất Windows

    Liam,  

    Hãy thử nghĩ mà xem, nếu không học hoặc luyện tập thêm ở nhà thì kỹ năng Windows/Words/Excel của bạn năm 15 tuổi chắc chắn sẽ tốt hơn những đứa trẻ 15 tuổi của ngày hôm nay rất nhiều.

    Có lẽ không cần phải nói thì ai cũng biết Tin Học thường bị coi là một môn học phụ tại các trường học Việt Nam. Kỹ năng hết sức quan trọng này thường không được tính điểm phẩy cuối kỳ và/hoặc thường bị xếp vào các giờ học "phụ" để nhường sân khấu chính cho Toán, Văn, Ngoại Ngữ, Vật lý, Hóa học v...v...

    Nhưng bạn có thể không nhận ra sự thật quan trọng này: chính những giờ học "phụ" ấy đã là một nguồn bổ sung quan trọng cho kỹ năng làm việc khi đi làm hoặc sớm hơn nữa là khả năng nghiên cứu, viết đề tài khi ngồi ghế đại học. Tôi dám chắc với bạn rằng lứa tuổi 8X nửa sau và 9X đời đầu khi đi làm sẽ không cảm thấy quá lạ lẫm với môi trường Windows. Có lẽ rằng, với 99% những con người 8X và 9X chúng ta, Windows mới là môi trường hi-tech chuẩn đầu tiên, là hệ điều hành đem lại cảm giác "tự nhiên" nhất trước khi phải học sử dụng iOS, Android, macOS v...v...

    Môi trường giáo dục trên toàn cầu cũng vậy. Tính cho đến tận 2010 thì Windows vẫn là nền tảng "chuẩn" cho các lớp học. Đó là kỹ năng tin học đầu tiên mà các học sinh trẻ tuổi thu nhận được.

    Đáng tiếc rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Apple và Google đã thay đổi tình cảnh này. Với rất nhiều những đứa trẻ hiện tại, môi trường hi-tech đầu tiên mà chúng được tiếp nhận là iOS hoặc Android - như người ta vẫn nói, trẻ con ngày nay đứa nào cũng thèm iPad.

    Tiếp đến, với sự trỗi dậy của những chiếc ChromeBook giá không đầy 200 USD, laptop chạy Chrome OS của Google bỗng dưng trở thành lựa chọn ngày một phổ biến của các trường học. Về bản chất, Chrome OS chỉ là trình duyệt Chrome, song như vậy đã là quá đủ để dạy trẻ em học gõ phím 10 ngón, học cách dùng chuột, học vẽ, chơi các tựa game trí tuệ đơn giản...

    Windows như vậy sẽ đánh mất vai trò "hệ điều hành mẹ đẻ" của mình. Những đứa trẻ thay vì đi từ các kỹ năng Windows sang các kỹ năng iOS, Android, Chrome OS nay sẽ phải đi từ chiều ngược lại, từ các hệ điều hành đối thủ lên hệ điều hành của Microsoft.

    Microsoft hiển nhiên phải biết hoảng sợ trước kịch bản này. Đầu tiên, nếu so về mức độ đơn giản thì rõ ràng là Windows phức tạp hơn hẳn iOS, Android và Chrome OS. Tiếp đến - và quan trọng hơn cả, một hệ điều hành cũng giống như tiếng nói của con người. Bạn có thể dành cả ngày tranh cãi xem tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật... tiếng nào khó học nhất, nhưng tiếng mẹ đẻ bao giờ cũng là thứ tiếng dễ học nhất của con người.

    Hệ điều hành cũng vậy. Tại sao Windows phức tạp hơn nhiều mà nhiều người sử dụng Windows khá ổn lại có tâm lý "ngại" Android, iOS hay Symbian khi các hệ điều hành này mới ra mắt? Nếu thời kỳ 2008 đã là ký ức quá xa xôi với bạn, ngay bây giờ hãy thử một hệ điều hành smartTV nào đó (như webOS hoặc các đầu set-top box) xem sao. Tôi tin rằng bạn vẫn sẽ mất khoảng 1 tuần bỡ ngỡ.

    Chính bởi 2 lý do này nên Microsoft buộc phải tìm cách giữ lại vai trò "hệ điều hành mẹ đẻ" cho Windows. Doanh số của ChromeBook hiện tại có thể thua kém Windows, doanh số iPad tại trường học có thể không đáng kể, nhưng nếu cứ tiếp tục để mất chỗ đứng như hiện tại thì 10 năm nữa Microsoft sẽ chứng kiến vị thế của mình trong giới doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể. Một lực lượng lao động trẻ không quá quen thuộc với Windows sẽ khiến các doanh nghiệp phải bỏ thời gian và tiền của ra đào tạo, hoặc trong kịch bản xấu nhất, ép nhân viên chuyển sang sử dụng hệ điều hành khác.

    Nói như vậy cũng không có nghĩa rằng Microsoft không lúng túng trước sự trỗi dậy của các hệ điều hành miễn phí (hay nói chính xác hơn là miễn phí cùng phần cứng) như iOS, Android và Chrome OS. Gã khổng lồ phần mềm trước nay vẫn có nguồn sống là bản quyền phần mềm. Trong ký ức của rất nhiều người, Microsoft là kẻ căm thù khái niệm phần mềm miễn phí.

    Nhưng thật may mắn là Microsoft của ngày hôm nay được lãnh đạo bởi một người có tầm nhìn: Satya Nadella. Đi lên từ 2 mảng đám mây và doanh nghiệp, Satya Nadella hiểu rằng triết lý sống của thời đại gói gọn trong một câu "miễn phí con săn sắt để thu phí lâu dài từ con cá voi".

    Kết quả là Windows 10 S ra đời trên phần cứng chắc chắn có trợ giá - 189 USD trở lên, tiếp đến, Windows 10 ARM được tái sinh từ cái xác của Windows RT. Lần này, cả 2 hệ điều hành "giá rẻ" của Microsoft đều có trọng tâm là chợ ứng dụng Windows Store do Microsoft kiểm soát (và ăn chia lợi nhuận với giới phát triển). Cả 2 đều chạy được ứng dụng x86.

    Đây là cách duy nhất để Microsoft giành lại phân khúc giá thấp vốn đã bị ảnh hưởng quá mạnh mẽ bởi tablet Android và laptop ChromeBook. Đúng, đó là phân khúc chẳng đem lại mấy lợi lộc nếu nhìn bằng ngắn hạn, nhưng nếu nhìn vào giáo dục mà đòi lợi ích ngắn hạn thì thật là thiển cận. Microsoft muốn giành lại những tiết Tin Học nhàm chán, bởi Microsoft muốn đảm bảo vị thế bất tử cho tương lai.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày