Những khu đất nảy như thạch rau câu này đang có rất nhiều ở Siberia, và chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào

    Kuroe,  

    Nếu tất cả chỗ bong bóng khí ga kia cùng vỡ tung một lúc, thì đây quả đúng là thảm họa đối với những người dân đang sinh sống tại khu vực này.

    Hồi năm ngoái, các nhà nghiên cứu khi đặt chân đến hòn đảo Bely, Siberia, đã phát hiện rất nhiều khu vực nền đất có triệu chứng giống như một khối thạch rau câu khổng lồ - đàn hồi khi dùng chân ấn xuống.

    Ở thời điểm bấy giờ, chỉ có 15 khu vực có triệu chứng như vậy. Tuy nhiên, sau khi mở rộng khảo sát địa chất tại hòn đảo này, cũng như xung quanh khu vực bán đảo Yamal và Gydan, các nhà khoa học đã phát hiện ra một sự thật hết sức đáng sợ: có khoảng 7000 bong bóng khí gas khổng lồ nằm dưới nền đất tại đây - và chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

    "Những khối đất như vậy đều có một bong bóng khí khổng lồ nằm dưới, và chúng được gọi là 'bulgunyakh' theo tiếng địa phương" - ông Alexey Titovsky, giám đốc trung tâm Khoa học và Sáng tạo Yamal cho biết.

    "Theo thời gian, bong bóng sẽ vỡ tung, giải phóng ra khí gas. Đây cũng là cách mà các 'ống khói' khổng lồ hình thành tại vùng đất này"

    Các bong bóng khí này cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các hố tử thần xuất hiện tại Siberia. Và giờ, cứ thử tưởng tượng xem, nếu cả 7000 bong bóng khí gas kia vỡ tung cùng một thời điểm, thì mọi chuyện sẽ trở nên đáng sợ như thế nào?

    "Hố ga" tại Yamal

    Hồi năm 2016, hai nhà nghiên cứu môi trường Alexander Sokolov và Dorothee Ehrich đã quyết định xới thử phần cỏ và đất bao phủ bề mặt của một bong bóng khí gas nhỏ - và phát hiện lượng khí thoát ra ngoài chứa hàm lượng methane gấp 1000 lần không khí xung quanh, cũng như lượng khí CO2 gấp 25 lần.

    Một khảo sát khác được thực hiện vào năm 2014, ở phía dưới đáy của hố tử thần tại bán đảo Yamal, cũng cho thấy không khí tại đây chứa hàm lượng methane cực lớn, khoảng 9,6%. Nếu đem so sánh với điều kiện không khí bình thường, hàm lượng methane trong đó chỉ rơi vào khoảng 0,000179% - một con số cực kỳ nhỏ.

    Các nhà nghiên cứu hiện đang đặt ra giả thuyết rằng, sự hình thành của những bong bóng khí methane này có liên hệ với sự tan chảy của những khối băng vĩnh cửu tại Siberia.

    "Về cơ bản, sự xuất hiện của hàng loạt các bong bóng khí Methane nhiều khả năng có liên quan tới sự tan chảy của các khối băng vĩnh cửu, xảy ra do khu vực phía Bắc Eurasia ấm dần lên trong vài thập kỷ qua" - phát ngôn viên của Học viện Khoa học Nga cho hay.

    Chúng ta vẫn đang chờ đợi những báo cáo cụ thể hơn để có thể chắc chắn mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và biến đổi địa chất tại Siberia, nhưng bên cạnh đó, có vẻ như địa hình đặc biệt của khu vực này cũng đóng góp không nhỏ tới sự xuất hiện của hiện tượng đáng sợ trên.

    Vasily Bogoyavlensky, đến từ Học viện Khoa học Nga, người đã nghiên cứu những khối bong bóng khí ga kia trong nhiều năm, cho biết, đất tại khu vực này có nguồn gốc từ kỷ Cenomania (khoảng 100 triệu năm trở về trước). Nơi đây cũng đồng thời là vị trí của một hồ chứa khí ga cổ, nằm ở độ sâu từ 500 đến 1200 mét dưới mặt đất.

    Trong báo cáo của Bogoyavlensky cho tạp chí GEO ExPro hồi năm 2015, có viết: "Khí ga nổi lên trên bề mặt thông qua các vết nứt và đứt gãy trong lòng đất, gây một sức ép lớn lên lớp đất sét, cũng như phá vỡ những phần đất bị suy yếu để tạo thành các hố khí trên bề mặt".

    Dưới đây là hình ảnh của một bóng khí ga do Bogoyavlensky chụp lại:

    Và nếu như bạn giẫm lên nó, thì trông sẽ như thế này:

    "Đặt chân" lên phần đất nằm trên bong bóng khí

    Tin tốt là, hiện tại đang có khá nhiều nhóm nghiên cứu tham gia vào việc lý giải hiện tượng kỳ lạ này, nên nhiều khả năng chúng ta sẽ sớm có câu trả lời thỏa đáng trong tương lai gần.

    Mục tiêu được ưu tiên hàng đầu hiện tại của nhóm nghiên cứu, là xác định vị trí của những bong bóng khí có khả năng gây hại tới người dân địa phương, cũng như lập ra một tấm bản đồ chú thích vị trí các khu vực nguy hiểm.

    "Chúng ta cần phải biết khu vực nào nguy hiểm, khu vực nào không" - Titovsky chia sẻ. "Các nhà khoa học đang tập trung phân loại, cũng như xác định rõ ràng những vị trí ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng tới cuộc sống của những người dân địa phương. Chúng ta có rất, rất nhiều việc cần phải làm vào thời điểm hiện tại".

    Tham khảo ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày