Những lý do khiến Hàn Quốc sẽ tiếp tục thống trị StarCraft II

    PV, DuyTung 

    Liệu Hàn Quốc có thể thống trị StarCraft II như họ đã từng làm với StarCraft Brood War?

    Nếu được hỏi quốc gia nào đã và đang thống trị nền StarCraft Brood War trên thế giới, câu trả lời nhận được chắc chắn không thể khác ngoài cái tên Hàn Quốc. Ở đây, StarCraft Brood War không chỉ dừng lại là game chiến thuật dành cho lớp trẻ nữa mà nó đã trở thành một ngành công nghiệp giải trí phát triển lớn mạnh (một điều mà có nằm mơ cũng ít ai tưởng tượng ra khi game này mới phát hành).
     
    StarCraft đã không đơn thuần chỉ là game eSport nữa.

    Tuy nhiên, sau hơn 10 năm tồn tại và phát triển, StarCraft Brood War đã đi tới đỉnh điểm của mình và như quy luật tự nhiên thì nó sẽ phải bước sang một bên nhường đường cho tựa game mới hơn đi lên. Game được nhắc đến ở đây chính là StarCraft II.

    Giờ là thời kì của StarCraft II.

    Tựa game này dựa trên cái gốc là StarCraft Brood War tuy nhiên nó đã được cải thiện về đồ họa đồng thời rất nhiều unit mới và tính năng mới xuất hiện, những yếu tố này góp phần làm thay đổi gameplay một cách chóng mặt.
     

    Mặc dù có rất rất nhiều thay đổi trong StarCraft II so với người anh em của mình, tuy nhiên theo rất nhiều giới chuyên môn nhận định rằng: Hàn Quốc sẽ vẫn là quốc gia thống trị tựa game chiến thuật StarCraft II như những gì họ đã từng làm với StarCraft Brood War. Đánh giá đó dựa chủ yếu vào những lý do sau đây.
     
    Cái gốc vững chắc của StarCraft Brood War
     
    Dù cho StarCraft II có thay đổi thế nào thì nó vẫn là StarCraft, kỹ năng phát triển (macro) và điều khiển quân (micro) cũng sẽ không khác nhiều so với game trước đây. Đối với những unit và skill mới cũng sẽ không khiến các game thủ Hàn Quốc tốn nhiều thời gian để làm quen và sử dụng.
     
    Những thay đổi trong StarCraft II sẽ không làm khó được game thủ Hàn Quốc?

    Tư duy chiến thuật và khả năng phán đoán xử lý tình huống chính là điểm then chốt để có thể giành chiến thắng trong StarCraft II. Điều này thì những game thủ Hàn Quốc đã được tôi luyện không biết bao nhiêu lâu trong đấu trường StarCraft I, do đó họ chỉ cần bỏ thời gian để nghiên cứu những thay đổi trong StarCraft II là sẽ có thể hoàn thiện kỹ năng này.
     
    Môi trường tập luyện và thi đấu được chuyên nghiệp hóa
     
    Phải khẳng định lại rằng không một nơi nào trên thế giới có đường lối phát triển game như ở Hàn Quốc. Nếu ở một quốc gia nào đó, khi một người quyết định theo đuổi sự nghiệp game thủ, hay nói cách khác là đặt game lên trên tất cả mọi thứ thì chắc chắn anh ta sẽ vấp phải một sự phản đối kịch liệt đến từ gia đình và nhà trường.
     
     
    Tuy nhiên ở Hàn Quốc thì khác, cha mẹ không hề cấm đoán con cái mình trở thành một progamer, đặc biệt hơn là nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để game thủ có thể cân bằng việc học hành và tập luyện cũng như thi đấu (Flash từng ngủ gục trong lớp 3 tiết liền mà không hề bị thầy giáo đánh thức hay trách móc gì, bởi lẽ đêm hôm trước game thủ này đã vắt kiệt sức mình cho trận chung kết giải đấu MSL StarLeague).
     
    Flash (giữa) được nhà trường và gia đình tạo mọi điều kiện tốt nhất để chơi game.

    Điều quan trọng hơn, đa số người chơi game khác đều phải bỏ tiền và thời gian vô bổ để theo đuổi niềm đam mê của mình. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc thì game thủ sẽ được trả tiền và chu cấp chỗ ăn ở chỉ với duy nhất một công việc là tập luyện và thi đấu. Có thể so sánh các game thủ StarCraft ở đây với những cầu thủ bóng đá.
     

    Ngoài ra cũng phải kể đến chính sách phát triển ngành thể thao điện tử của Hàn Quốc, họ không những không cấm đoán mà còn khuyến khích và đầu tư phát triển nó lớn mạnh lên. Chính điều này đã thu hút được một cộng đồng cực kì lớn, nó giúp các hãng sản xuất đồ điện tử có thêm được một thị trường đông đảo để có thể khai thác. Chính vì điều này mà rất nhiều hợp đồng tài trợ cho eSport đã xuất hiện.
     
    Các game thủ đều nhận được sự chú ý khá đặc biệt từ báo giới.

    Tâm lý khi thi đấu
     
    Một quy luật bất thành văn khi nhắc đến cuộc chiến StarCraft I giữa game thủ Korea và Non Korea đó chính là: Không có cửa thắng cho game thủ nước ngoài (không phải Hàn Quốc). Chắc chắn đó cũng sẽ là một yếu tố tạo nên một tâm lý không ổn định cho các game thủ khác khi đối đầu với một progamer Hàn Quốc trong StarCraft II.
     
    Tâm lý thi đấu của các game thủ Non Korea đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ StarCraft I.

    Một số game thủ của cộng đồng Non Korea như F91, Mondragon, Castro cũng đã từng tâm sự rằng đã có lúc họ tưởng chừng như cầm chắc chiến thắng trong tay, nhưng vì đối thủ lại là một progamer Hàn Quốc nên họ gặp phải một vấn đề nghiêm trọng về tâm lý và chính điều này đã làm nảy sinh những sai lầm ngớ ngẩn dẫn đến cục diện trận đấu bị thay đổi.
     
    F91 đã không thể vượt qua Jaedong tại WCG 2010 mặc dù đã chiếm được lợi thế cực lớn.

    Tuy StarCraft II mới chính thức được phát hành không lâu và hoàn toàn chưa có thước đo nào về trình độ giữa game thủ Hàn Quốc và các quốc gia khác. Tuy nhiên với những vấn đề đã nêu ở trên thì thật khó để bất kì một quốc gia nào đó có thể phế truất ngôi vương của Hàn Quốc trong thể loại game chiến thuật mới mẻ này.