Những người cô đơn dễ mắc bệnh tim và đột quỵ hơn 30%, có thể dẫn đến tử vong

    zknight,  

    Mỗi mối quan hệ tốt đẹp bạn giữ được cũng đang góp phần làm nên sức khỏe của chính bạn.

    Những người cô đơn đang phải đối mặt với một nguy cơ cao mắc bệnh tim và đột quỵ, các nhà khoa học đến từ Đại học York, Canada báo cáo trong một nghiên cứu mới. Theo đó, nếu bạn quá cô đơn, tình trạng này sẽ làm gia tăng 30% sự ảnh hưởng xấu lên sức khỏe tim mạch, tương đương các yếu tố nguy cơ khác như lo âu hay căng thẳng công việc.

    Bệnh tim và đột quỵ hiện đang là hai trong số các nguyên nhân gân tử vong hàng đầu trên thế giới, Nicole Valtorta, nhà nghiên cứu khoa học sức khỏe tại Đại học York cho biết. “Giải quyết sự cô đơn và cô lập trong xã hội có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống hai nguyên nhân này”.

     Người cô đơn sẽ dễ mắc bệnh tim và đột quỵ hơn 30%

    Người cô đơn sẽ dễ mắc bệnh tim và đột quỵ hơn 30%

    Chúng ta đã nhận biết được các yếu tố nguy cơ như béo phì và lười hoạt động thể chất, trong khi chưa làm điều đó với sự cô đơn và cảm giác cô lập”, Valtorta nói. “Các dữ liệu từ nghiên cứu của chúng tôi hỗ trợ tìm hiểu điều này một cách nghiêm túc”.

    Trong nghiên cứu, Valtorta và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ 23 nghiên cứu được công bố trước đó. Số lượng mẫu được bao quát lên đến hơn 180.000 người trưởng thành. Trong số này, có hơn 4.600 người đã được báo cáo xuất hiện các cơn đau tim, đau thắt ngực hoặc thậm chí tử vong. Hơn 3.000 trường hợp khác được báo cáo đột quỵ.

    Dữ liệu tổng hợp lại cho thấy sự cô đơn liên quan đến 29% tăng nguy cơ đau tim hoặc cơn đau thắt ngực. Nó cũng khiến gia tăng 32% nguy cơ đột quỵ. Trong các nghiên cứu trước đây, tình trạng cô đơn đã từng được gán trách nhiệm cho sự suy giảm của hệ miễn dịch, tăng huyết áp và tử vong sớm, các nhà nghiên cứu giải thích.

    Giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh đến từ Đại học Brigham Young, Julianne Holt-Lunstad, cho biết: nghiên cứu mới chỉ ra tình trạng cô đơn trong xã hội cần phải được nhìn nhận nghiêm túc, trên cả lĩnh vực y học, giáo dục, tuyên truyền y tế và chăm sóc sức khỏe.

    Giảm số lượng người cô đơn trong xã hội không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, Holt-Lunstad thừa nhận. Cô nói kết nối mọi người thông qua internet, giả dụ như Facebook và các mạng xã hội khác có thể là một ý tưởng tốt. “Tuy nhiên, có một số nghiên cứu ban đầu cho thấy nó không đạt lợi ích tương tương tự tương tác trực tiếp ngoài đời thực. Mặc dù vậy, còn quá sớm để kết luận bất cứ điều gì”.

     Cảm giác cô đơn có thể làm tăng huyết áp và phát triển các vết viêm

    Cảm giác cô đơn có thể làm tăng huyết áp và phát triển các vết viêm

    Một hướng giải pháp khác là tăng cường chất lượng từng mối quan hệ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra bằng chứng cho thấy tương tác thường xuyên với các mối quan hệ hỗ trợ tích cực là rất có lợi cho mỗi người. “Vì vậy, nếu bạn giành thời gian để chăm sóc các mối quan hệ hiện tại, đó đang là một khởi đầu tốt”, Holt-Lunstad nói.

    Cảm giác cô đơn có thể ảnh hưởng trực tiếp lên quá trình sinh lý, liên quan đến sức khỏe và đặc biệt là tim mạch. “Ví dụ, nó có thể làm tăng huyết áp và phát triển các vết viêm. Sau đó là tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và cuối cùng là một cơn đau tim”.

    Ở hướng ngược lại, nếu được bao bọc bởi các mối quan hệ tốt, chúng ta sẽ có nhiều hành vi lành mạnh hơn, giải tỏa được các vấn đề tâm lý. Kết nối xã hội cũng khuyến khích bệnh nhân tuân thủ tốt các điều trị y tế, chẳng hạn như dùng thuốc và giữ cuộc hẹn với bác sĩ.

    Theo Holt-Lunstad, ngay lúc này mỗi người cần nhìn nhận nghiêm túc việc tương tác xã hội cũng đang ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình. Tình trạng cô đơn có thể gây hậu quả tương đương hoặc thậm chí vượt trội hơn cả các yếu tố khác như hút thuốc, béo phì, huyết áp cao, chất lượng không khí. Vì vậy, mỗi mối quan hệ tốt đẹp bạn giữ được cũng đang góp phần làm nên sức khỏe của chính bạn.

    Tham khảo Upi

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ