Nói gì chuyện "kinh tế học" xa xôi, đây là lý do vì sao sinh viên Bách Khoa tốt nghiệp dễ kiếm việc, lương lại cao

    Lê Hoàng,  

    Thay vì bàn đến những khái niệm to tát xa xôi mà không nhìn thẳng vào thực tại ngay trước mắt: lý do duy nhất khi tốt nghiệp phần mềm Bách Khoa mà chưa có việc làm ngay là vì... không thích. Còn từ phía công ty, 2 chữ thôi: "thiếu người".

    Khi đọc được câu chuyện "Ngoại thương nghìn đô, Bách Khoa 60 triệu" cách đây ít ngày, tôi thực sự không cảm thấy bất ngờ.

    Vài ngày sau, tôi đọc tiếp câu chuyện Bưu Chính Viễn Thông có tỷ lệ việc làm sau khi ra trường đạt 93%. Cũng không hề bất ngờ.

    Một đồng nghiệp làm văn phòng cung cấp cho chúng tôi không chính thức rằng tỷ lệ sinh viên của một trường dân lập chuyên về phần mềm ra trường có việc làm lên tới mức 98%. Tôi tin rằng con số này không chính xác, vì trường này rất chịu khó gọi điện cho cựu sinh viên để thăm dò tình hình việc làm. Những ai chưa có việc, họ sẽ spam mail giới thiệu.

    Phải là 100% mới đúng.

    Thống kê của Đại học Bách Khoa.
    Thống kê của Đại học Bách Khoa.

    Đều là những con số không đáng bất ngờ. Và tôi cũng không cần dùng đến những khái niệm kinh tế học xa xôi để giải thích cho bạn vì sao tôi không bất ngờ.

    Đầu tiên là một con số tôi nắm được: theo ước tính của một đơn vị kinh doanh phần mềm trực thuộc một tập đoàn lớn tại Việt Nam, nhân lực của đơn vị này chỉ có thể đáp ứng được khoảng 30% số đơn thầu (bid) quốc tế đang tham gia. Nói cách khác, chuyện "miếng ăn đặt trước mặt còn phải bỏ đi vì không gắp được" là hoàn toàn bình thường. Mỗi tay đã cầm dăm ba chiếc thìa, chiếc dĩa, tay nào mà cầm đũa gắp đồ ăn nữa?

    Cơ hội doanh thu nhiều vô kể, nhân lực thì thiếu. Việt Nam không đáp ứng được nhân lực, cơ hội sẽ vào tay Ấn Độ, Trung Quốc. Theo các bạn, các sếp phần mềm ở nước ta có sẵn sàng trả lương cao, sẵn sàng đào tạo sinh viên mới, sẵn sàng trả phí referral cao cho kỹ sư phần mềm dày dặn kinh nghiệm hay không?

    Những quốc gia phát triển có dân số già hoặc ngại học kỹ thuật sẽ mang đến rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên Việt Nam.
    Những quốc gia phát triển có dân số già hoặc "ngại" học kỹ thuật sẽ mang đến rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên Việt Nam.

    Trong khi những con số % này là chuyện to tát của các sếp, tôi có một vài câu chuyện cá nhân để các bạn thấy vì sao học phần mềm sẽ không phải lo chuyện việc làm và thu nhập cũng không hề tệ.

    Cấp 3 tôi học chuyên ban D, phần lớn bạn bè sau này đều theo các ngành kinh tế. Bản thân tôi cũng học ĐH Ngoại Ngữ một năm rồi bỏ, thi lại, theo nghề phần mềm.

    Ngay từ lúc đi thực tập vào năm 3, tôi đã có cơ hội được bắt tay vào làm việc thật để đến ngày ra trường đã có vốn liếng kinh nghiệm. Tôi biết nhiều bạn bè cấp 3 của mình sau này vào FTU, thực tập theo kiểu "lấy lệ", fake số liệu, báo cáo viết ra gần như vô nghĩa. Gặp các nhà tuyển dụng lúc nào cũng đòi hỏi "kinh nghiệm, kinh nghiệm", bản thân mình chỉ có 2 bàn tay trắng.

    Ngày tôi ra trường, tôi đã ký hợp đồng chính thức được... 2 tháng. Kỳ cuối tôi vẫn làm bán thời gian để fix bug cho dự án đã tham gia từ khi thực tập, rồi đến khi đồ án hoàn thành được 90% tôi đã ký hợp đồng full-time với công ty.

    Cơ hội đi khắp thế giới.
    Cơ hội đi khắp thế giới.

    Trong vòng 1 năm đầu, bạn bè đại học của tôi, đứa nào chưa đi làm chắc chắn là vì lười, hoặc... không thích. Nghề phần mềm thiếu người đến mức rất nhiều công ty sẽ nhận những nhân viên "tờ giấy trắng" vào để code, để test. Họ chấp nhận cho bạn sai lầm, chấp nhận đào tạo cho bạn.

    2-3 năm sau ngày ra trường, khi bạn bè cấp 3 của tôi hoàn thành cấp học thạc sĩ, 95% quay về Việt Nam làm việc và gần như không thể đi nước ngoài được nữa. Vài ba người cực kỳ xuất sắc mới có cơ hội ở lại nước ngoài làm việc sau khi học đại học. Còn với tôi, đi nước ngoài đã trở thành chuyện bình thường.

    Lương bạn được nhận ở nước ngoài chắc chắn cao áp đảo so với lương tại Việt Nam. Chi phí sống sẽ vượt hơn, nhưng khoản tiền bạn tiết kiệm được chắc chắn cũng sẽ cao hơn vài lần so với ở Việt Nam.

     Nhiều công ty phần mềm sẵn sàng trang bị MacBook cho nhân viên làm việc.

    Nhiều công ty phần mềm sẵn sàng trang bị MacBook cho nhân viên làm việc.

    Khi viết những dòng này, tôi thực sự không có ý định "mèo khen mèo dài lông". Nhưng quả thật, nếu bạn không mang tham vọng tự mình kinh doanh mà chỉ cần làm công ăn lương, gần như mọi yếu tố của nghề phần mềm đều vượt trội hơn hẳn so với các nhóm ngành kinh tế. Ngay cả con số 60 triệu là vào khoảng 3800 đô Sing cũng là mức lương tôi được nhận khi đi công tác tại Singapore lần đầu tiên, vào khoảng 3 tháng sau khi tốt nghiệp.

    Bản thân việc tôi đi Singapore cũng không phải vì tôi có IQ "khủng" hay biết chém tiếng Anh như gió (tôi code bình thường, nhưng cẩn thận; IELTS cũng chỉ 6.0). Tôi được đi công tác sớm như vậy là bởi tôi đã gắn bó với công ty mình từng thực tập cho đến tận khi đi làm. Tính đến thời điểm đi công tác tôi đã bảo trì cho hệ thống đó được 1 năm rưỡi – sếp cho đi là hoàn toàn hợp lý. Mỗi chuyến đi cũng chỉ kéo dài từ 1 đến 3 tháng (trừ khi chính tôi yêu cầu ở lại lâu hơn), vừa đủ dài để hiểu được cuộc sống tại nơi đến, vừa đủ ngắn để không quá nhớ nhà.

    Dĩ nhiên là bạn cũng sẽ có những cơ hội tốt để đi làm việc lâu dài ở nước ngoài hoặc nhận lương "khủng" tại Việt Nam. Đi làm cho Nhật, lương 60 triệu chưa phải là đặc biệt. Làm trực tiếp cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam, bạn cũng có thể lên tới mức 20 triệu trong năm đầu. Dĩ nhiên là những con đường này cũng đòi hỏi nhiều đánh đổi, nhưng nếu chỉ nói đến chuyện tiền lương, ngành phần mềm có quá nhiều cơ hội đổi đời.

    Phần mềm. Cơ hội.
    Phần mềm. Cơ hội.

    Và những cơ hội này không phải là nhất thời! Làm phần mềm là tạo ra phương tiện giúp cho các ngành nghề khác có thể tiếp tục phát triển (hay nói chính xác hơn là tiếp tục tồn tại). Nghề phần mềm sẽ còn tiếp tục thiếu người khi các cơ hội tương lai tiếp tục mở ra. Hãy để ý mà xem, ngay tại thời điểm hiện tại, chúng ta đang đứng bên ngưỡng cửa của AI, VR, Internet of Things... Kể cả trong trường hợp bạn "sợ" phải chạy đua với thời đại, thế giới cũng vẫn còn hàng trăm nghìn hệ thống cũ để bạn mở rộng, bảo trì.

    Vậy tất cả câu chuyện của tôi có ý nghĩa thế nào với bạn?

    Nếu bạn đang đứng trước ngưỡng cửa đại học hay thậm chí là đang theo học nhưng cảm thấy cánh cửa tương lai không rộng mở, hãy dũng cảm theo đuổi ngành phần mềm. Người ta sẽ nói với bạn rằng học phần mềm rất khó, phải thông minh, nhưng sự thật là hoàn toàn ngược lại: cần cù bù thông minh. Bạn sẽ nhận được sự đền đáp xứng đáng trong tương lai. Cơ hội việc làm gần 100%, lương thưởng ổn định, nhiều cơ hội sốc thu nhập là những gì ngành phần mềm đang hứa hẹn.

    Nếu bạn đã ra trường nhưng cảm thấy mình đã chọn sai con đường, nếu bạn đang mông lung từ project này sang NGO khác, từ công việc này sang công ty khác, hãy dũng cảm từ bỏ con đường đang đi và chuyển sang phần mềm. Sếp của tôi ngày trước học Ngoại thương, giờ làm phần mềm. Một cậu em cực kỳ giỏi tech của tôi mang bằng cử nhân quốc tế học về Việt Nam làm tester rồi dần dần dấn chân theo nghề code dưới sự trợ giúp nhiệt tình của bạn bè đồng nghiệp. Trong ngành phần mềm, chúng tôi không bao giờ từ chối tinh thần hiếu học và cũng luôn cần những góc nhìn mới (đặc biệt là góc nhìn từ phía business) để có thể tạo ra những hệ thống hữu ích hơn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày