Ở Amazon, robot có thể đuổi việc con người nếu thấy hợp lý

    Bảo Nam,  

    Thế giới nơi con người bị theo dõi và giám sát bởi máy móc tưởng chừng như chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, nay đã tồn tại ở Amazon.

    Ở Amazon, robot có thể đuổi việc con người nếu thấy hợp lý - Ảnh 1.

    Nhân viên làm việc tại kho của Amazon có thể phải xử lý hàng trăm gói hàng mỗi giờ.

    Trong vài năm trở lại đây, tần suất các báo cáo liên quan tới tình trạng làm việc tồi tệ ở các kho hàng của Amazon đã tăng mạnh. Rất nhiều công nhân cho biết họ phải chịu áp lực đóng gói hàng trăm gói hàng mỗi giờ và luôn phải đối mặt với việc bị sa thải nếu không làm việc đủ nhanh.

    Theo các tài liệu mới được The Verge công bố, khoảng 300 người đã bị sa thải tại một cơ sở của Amazon trong khoảng từ tháng 8/2017 tới tháng 9/2018 vì lý do trên. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các tài liệu cho thấy phần lớn quá trình sa thải được thực hiện một cách hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp hay quản lý của con người.

    Theo đó, hệ thống tự động hóa do Amazon xây dựng có khả năng theo dõi năng suất lao động của mỗi công nhân và tự động đưa ra các cảnh báo hoặc thậm chí là chấm dứt hợp động nếu thấy cần thiết. Các nhân viên quản lý có thể ghi đè lên để thay đổi quy trình, tuy nhiên một số người cho biết họ không thường xuyên làm như vậy.

    Các nhà phê bình cho rằng hệ thống chỉ có thể đánh giá dựa trên những con số chứ không hề coi các nhân viên là con người. Trong mắt chúng, họ không khác gì những cỗ máy chỉ biết làm việc và sẽ bị thay thế nếu không hoạt động hiệu quả.

    Theo báo cáo, hệ thống quản lý này đã đi xa đến mức theo dõi cả thời gian nghỉ giữa các nhiệm vụ được giao. Ví dụ nếu một công nhân quét các gói hàng quá lâu, dù nguyên nhân là lỗi chủ quan hay khách quan, hệ thống vẫn tự động tạo cảnh báo và nhân viên này có thể bị sa thải. Một số nhân viên cho biết họ phải tránh việc ở trong nhà vệ sinh quá lâu để giữ thời gian hiện diện trước camera phù hợp theo mong đợi của hệ thống.

    Đại diện Amazon cho biết nhân viên có thể kháng cáo nếu thấy quá trình đánh giá không hợp lý. Tuy nhiên, trong các trường hợp kháng cáo, thậm chí có tranh chấp được đưa lên ủy ban lao động của một nhân viên tại cơ sở ở Baltimore, các luật sư của Amazon đã phản bác rằng nhân viên bị sa thải vì không đạt được tiêu chuẩn năng suất.

    Ngoài Amazon, một số công ty khác như Uber cũng sử dụng các thuật toán để đánh giá nhân viên. Rất nhiều tài xế Uber đã phàn nàn về hệ thống quản lý bằng thuật toán này, bởi các quy tắc cứng nhắc không tính người mà chúng áp dụng. Rõ ràng khi tự động hóa ngày càng trở nên phổ biến, con người sẽ dễ dàng bị "tấn công" bởi máy tính và những câu chuyện như trên sẽ không còn xa lạ với mỗi người.

    Tham khảo The Verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ