Driver: San Francisco - Phục thù sau thất bại 7 năm

    PV, 3Xu 

    Kể từ thất bại của Driv3r năm 2004, phải đến 7 năm sau người ta mới tiếp tục nhắc đến series này với sự xuất hiện của Driver: San Francisco. Liệu nhà sản xuất Ubisoft Reflection sẽ làm gì để tựa game mới này đạt được thành công?

    Driver: San Francisco có cốt truyện tiếp nối những sự kiện xảy ra trong Driv3r, khi mà Tanner cùng Jericho đều sống sót sau vụ đấu súng tại Istanbul. Sau đó, Jericho chạy trốn đến San Francisco và Tanner đã theo chân anh ta đến đây. 


    Trong đoạn trailer giới thiệu về nội dung của phần này, Jericho đang tẩu thoát trên một chiếc xe tải lấy trộm từ cảnh sát, gây ra náo loạn trên cầu Golden Gate. Sau đó xe của Jericho cùng Tanner đâm nhau. Trong khi số phận của Jericho chưa rõ ràng thì Tanner bị hôn mê, phải nằm trong bệnh viện thành phố. Và câu chuyện bắt đầu trong những giấc mơ khi hôn mê của Tanner.

    Với cách đặt tình huống có phần đặc biệt như vậy, Driver: San Francisco hứa hẹn sẽ đem đến cho người chơi nhiều điều bất ngờ thú vị trong khi khám phá những sự kiện trong game. Và nhà sản xuất cũng hứa hẹn sẽ chăm chút kĩ lưỡng hơn những gì họ muốn truyền tải trong tựa game này. Đối với phiên bản riêng dành cho Wii thì nội dung lại đề cập đến những năm là cảnh sát của Tanner đồng thời Tobias Jones cùng Solomon Caine sẽ góp mặt.


    Sẽ có hàng trăm nhân vật trong game và mỗi một trong số đó đều sở hữu riêng cho mình những câu chuyện khác nhau, những cuộc đời khác nhau. Để có thể đảm bảo tính liên kết khi tương tác với các nhân vật này, một hệ thống thoại đồ sộ đã được Ubisoft Reflection xây dựng mà theo Martin Edmonson, trưởng nhóm thiết kế cho biết thì số lượng các đoạn hội thoại trong Driver: San Francisco còn nhiều hơn cả Mass Effect II!

    Về mặt gameplay, bởi câu chuyện diễn ra trong cơn mê của Tanner, nhiều chi tiết mang tính chất tưởng tượng sẽ xuất hiện, tiêu biểu là việc anh có thể ngay lập tức “bay” khỏi chiếc xe mình đang lái để chuyển sang một chiếc xe bất kì nào khác, đồng thời người đồng hành của Tanner sẽ nhìn anh ta như một con người khác. Những câu thoại đều được studio ghi âm từ bằng giọng Mỹ chính thống, nhằm đảm bảo sự phong phú của thành phố San Francisco như ngoài đời thực. 


    Hệ thống thay đổi xe khi trong giấc mơ này được đặt tên là Shift. Tuy không hề bị giới hạn về mặt sử dụng nhưng người chơi sẽ phải làm đầy “thanh Shift” nhằm kích hoạt hệ thống này thường xuyên hơn. Game cung cấp cho người chơi những thử thách để thực hiện nhiệm vụ này, có thể là lái xe luồn lách qua một đám đông trong thời gian qui định, những pha nhảy, trượt mạo hiểm.

    Số lượng xe trong game sẽ đạt con số hàng trăm, và tất cả đều được lấy nguyên mẫu từ những chiếc xe nổi tiếng ngoài đời thật, từ xe Taxi, xe tải cho đến cả… xe cứu thương. Và mỗi khi trong một chiếc xe khác thì các nhiệm vụ cũng sẽ theo đó mà thay đổi. Bản đồ của Driver: San Francisco được lấy cảm hứng từ Google Earth, với cách phóng to thu nhỏ giống như vậy. 


    Tức là khi ở một độ cao nhất định, tất cả những gì bạn nhìn thấy chỉ là một bản đồ dạng 2D đơn giản nhưng khi thay đổi phương tiện, camera sẽ nhanh chóng chuyển sang dạng cận cảnh với tốc độ cao, tạo cảm giác phấn khích và đầy tốc độ.

    Đồ họa của Driver: San Francisco thực sự ấn tượng, mặc dù được thiết kế đa nền. Từ ngoại cảnh, các loại xe cho đến biểu cảm khuôn mặt nhân vật đều đem lại cảm giác chân thực. Tuy vậy, có vẻ khi trong game, nhà sản xuất hơi lạm dụng hiệu ứng Blur nên ánh sáng có phần hơi “chói” so với cần thiết. Hi vọng Ubisoft Reflection sẽ có những điều chỉnh hợp lý trong phiên bản chính thức.

     
    (Tổng hợp)