Game càng đẹp, đấu trùm lại càng nhạt?

    PV, Invisible 

    Cuộc cách mạng game từ thế hệ 8 bits rồi đến 16 bits và cuối cùng thế giới game ngày nay đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành công nghiệp game.

    Thế hệ game console hiện đại ngày nay cho phép con người có thể bước vào thế giới ảo một cách vô cùng chân thực và sống động. Bạn có thể hóa thân vào nhân vật, sống cuộc sống của họ, hay như nhiều người chơi còn khẳng định, họ thực sự có thể sẻ chia cảm xúc với nhân vật của mình. 

    Thế giới trong game quả thực thú vị với những cuộc phiêu lưu đủ mọi thể loại, từ các pháp sư quyền năng trong quá khứ đến người anh hùng bất khả chiến bại của tương lai. Từ việc vào vai người hùng giải cứu thế giới cho đến hóa thân thành tên đại ác nhân đe dọa sự sống của muôn loài... Nói chung game đã đem đến cho ta một thế giới đa chiều, bất tận và vô cùng độc đáo.
     
    Trải qua hơn 20 năm duy trì và phát triển, người chơi đã được chứng kiến rất nhiều những thay đổi của ngành công nghiệp game, tốt có, xấu có. Trong phạm vi bài viết lần này, chũng ta hãy cùng nhìn lại xu hướng phát triển của một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng trong mỗi tựa game, đó chính là những màn đánh Boss kinh điển!
     
    Màn đấu boss nổi tiếng nhất mọi thời đại?

    Thủa "xa xưa", khi mà công nghệ còn chưa thực sự phát triển, thế giới ảo chỉ như một chiếc hộp chật hẹp. Con người cảm thấy cần phải tìm ra một điều gì đó thực sự mới mẻ, thú vị để có thể khai thác và tận dụng triệt để cốt truyện trong game. Nó phải là thứ gì đó có thể tạo ra điểm nhấn, là mục tiêu mà ai rồi đây cũng sẽ mơ ước được một lần chinh phục. Với ý tưởng đó, những con Boss ra đời.
     
    Thời đó, các trận đấu trùm thường chỉ diễn ra trong một khuôn hình chật hẹp, nhưng chẳng vì thể mà chúng mất đi sức hấp dẫn của mình. Hãy lấy Mario làm ví dụ. Chắc hẳn đa số chúng ta đều không còn xa lạ với Bowser, kẻ vẫn ngày ngày bắt cóc công chúa Peach trong vương quốc Nấm của Mario. Nhắc tới Bowser, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một con boss đáng sợ, với thân hình to lớn cùng khả năng bắn lửa "One hit one kill" vô cùng nguy hiểm. 
     
     
    Trong thực tế, chúng ta đang nhắc đến ở đây một chú "khủng long" (có lẽ vậy?) cao vài cm, trí thông minh thì chẳng được là bao, trong khi tuyệt chiêu duy nhất chỉ có nhảy "tưng tưng" và khè lửa "linh tinh" trong phạm vi màn hình bé tẹo. Nhưng tất cả điều đó chẳng hề quan trọng, Bowser vẫn là một con trùm đáng nhớ với cả một thế hệ người chơi. Và như người ta vẫn nói, một trải nghiệm đỉnh cao đôi khi chẳng cần phải là thứ gì đó quá phực tạp hay hoa mỹ.
     
    Theo thời gian, mô-típ đánh boss vẫn tiếp tục được các nhà sản xuất khai thác và phát triển, dĩ nhiên đã có nhiều thay đổi. Những đoạn phim demo bắt mắt, hiệu ứng hình ảnh sống động, âm thành hoành tráng... Có vẻ như người ta đang tận dụng mọi thứ có thể để đưa những màn đánh boss lên một tầm cao mới. Thế nhưng, trái với vẻ bề ngoài, liệu những màn đánh trùm ngày nay có thực sự thú vị hơn trước?
     
     
    Câu trả lời, tuy hơi phũ phàng, nhưng có lẽ là "không". Những màn đấu boss giờ chẳng còn thú vị như xưa. Ngày nay, người ta thường chỉ cần dùng đi dùng lại một vài combo đơn điệu hay đơn giản hơn là khai thác "triệt để" một điểm yếu nào đó của kẻ thù là có thể hạ gục chúng một cách dễ dàng. Những cái kết như thế đôi khi khiến nhiều người bực mình tự hỏi: "Tại sao thứ quái vật "yếu ớt" thế này vẫn có thể tồn tại trên đời lâu đến thế?".
     
    Một ví dụ điển hình có thể kể đến là Batman: Arkham Asylum. Sau hàng loạt những màn cân não cam go giữa người dơi và Joker xuyên suốt tựa game, đáng lẽ ra người chơi đáng được hưởng một điều gì đó "có hậu" hơn thay vì một cái kết cụt lủn, còn những màn chiến đấu thì như nhiều người khẳng định là "nhạt toẹt".
     
    Cái kết của Batman là một điểm trừ lớn.

    Tuy nhiên, người dơi cũng không phải là người hùng duy nhất phải chịu cảnh "đầu voi đuôi chuột". Một số bom tấn khác cũng gặp phải trường hợp "tịt ngòi" tương tự như Uncharted 2, Mass Effect 2 hay điển hình là God of War. Người chơi mất hàng giờ để nâng cấp skill, vũ khí cho Kratos để rồi đến hồi kết nhân vật chính chỉ phải làm theo đúng những combo đã được chỉ dẫn để kết liễu kẻ thù.
     
    Dẫu cho đó có là chiến thần Ares hay chúa tể Zeus vĩ đại của muôn loài, nói chung cũng chẳng khác nhau là mấy. Không thể phủ nhận rằng hiệu ứng đồ họa là rất tuyệt vời, tuy nhiên có lẽ trải nghiệm đem lại không được tương xứng cho lắm.
     
    Shadow of the Colossus - một điểm sáng hiếm hoi.

    Vậy câu hỏi đặt ra là liệu có phải những màn chiến đấu sinh tử nay không còn nhiều giá trị sử dụng nên đã bị các nhà làm game lược bớt? Không hẳn, nếu như nhìn vào Shadow of the Colossus chúng ta sẽ thấy điều khác biệt. Tựa game chủ yếu khai thác những trận đấu boss, và thậm chí cốt truyện cũng được lấy nền móng từ đây, và dĩ nhiên đây là tượng đài thành công chẳng thể chối cãi.
     
    Phải chăng những nhà biên kịch hiện đại của chúng ta đang dần cạn ý tưởng? Hoặc cũng có thể vì họ phải chú tâm quá nhiều cho việc tạo dựng vẻ ngoài hào nhoáng để rồi chẳng thể để lại dư âm sâu đậm nào trong lòng người chơi? Có nhiều giả thuyết có thể đưa ra, nhưng chẳng phải lúc nào người ta cũng tìm được câu trả lời thỏa đáng... 
     
    Tham khảo tại IGN.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ