Need for Speed: The Run - Món "lẩu thập cẩm" từ EA? (Phần cuối)

    PV, Bluespots 

    Liệu tham vọng mới nhất của EA - dung hòa arcade-simulation, tìm về chủ đề cũ và đưa vào không khí đậm chất hành động Hollywood - có để lại một cái tên đủ thuyết phục trong làng game đua xe thế giới?

    Tham vọng là thế, nhưng khi bản demo của The Run trình làng, không phải ai cũng thấy ấn tượng với tựa game mới của EA. Tại hội chợ E3, rất nhiều game thủ chuyên về đua xe đã đến xem tận mắt và tận tay chơi thử The Run và không ít đã ra về với những ý kiến trái ngược.
     
    Phần lớn chê hệ thống vật lý của The Run: tay lái quá "cứng" và xe "bò" quá chậm ở mỗi khúc cua. Tệ hại nhất là khi bạn muốn chạy thoát trực thăng nhưng vật lý xe không cho phép bạn lạng lách, đánh võng để tránh đạn súng máy.


    Black Box tuyên bố sẽ dung hòa handling của SHIFT 2 với Hot Pursuit vào trong The Run. Nói thì dễ, làm thì khó. Mới là bản demo nhưng dễ thấy, The Run đã "bước một chân" vào tình trạng "nửa vời", arcade không ra arcade, simulation không ra simulation. Trừ phi nhà phát triển đưa vào những thay đổi đáng kể trong vật lý xe, The Run sẽ khó mà dành được sự ưu tiên từ cả cộng đồng arcade lẫn dân đua xe "nghiêm túc" thuộc dòng simulation.

    Bên cạnh đó là vài khuyết điểm nữa trong gameplay của The Run. Thông tin chính thức từ Black Box cho biết The Run sẽ không có chế độ free roam. Người chơi sẽ không còn cơ hội khám phá từng ngõ ngách của thành phố Rockport như trong Most Wanted hay vừa drift vừa "ngao du sơn thủy" Seacrest County của Hot Pursuit 2010 nữa. Đường xá khá đơn điệu, không đan nhau nhiều, ít đường tắt. 


    Cuối cùng, nhân vật chính Jack có quá ít lựa chọn khi đã ra ngoài môi trường game. Bản demo cho thấy cứ đến chính ngã tư đấy, bất kể bạn chơi kiểu gì, Jack sẽ lại bị đâm ngang hông, phải chạy trốn, phải đánh ngã cảnh sát, phải cướp xe, và phải chạy ra khỏi thành phố với trực thăng và súng máy bám sát đuôi. Điểm này phần nào đi sai tinh thần "phiêu lưu" của những bản arcade trước và dễ làm người chơi cảm thấy bức bí.

    Nhiều game thủ phản hồi rằng EA nên cho phép người chơi điều khiển Jack đi làm những việc mình muốn khi anh ta đã bước ra khỏi xe. Như vậy sẽ thú vị hơn nhiều. Thế nhưng lúc đó The Run sẽ không còn là The Run nữa, mà đã trở thành Grand Theft Auto. Nếu đặt những lời hoa mỹ mà EA đã quảng cáo về The Run sang một bên, thì The Run, nói chính xác, cũng không nhiều đổi mới so với Undercover, ngoài những cutscene "kiểu mới". 


    EA có đang phung phí nỗ lực vào một ý tưởng rồi sẽ đi theo "vết xe đổ" Undercover? Không rõ, chỉ biết rằng thậm chí John Riccitello, CEO của họ cũng đã phải thừa nhận vào tháng 9 năm ngoái rằng Black Box đã bị vắt kiệt sức lực cũng như sức sáng tạo vì "nhai đi nhai lại" mỗi một chủ đề: đua xe đường phố. Với The Run, EA có đang cố gắng chế biến một món "lẩu thập cẩm" theo thị hiếu của đám đông? Rất có thể, dễ thấy qua cách tiếp cận và xây dựng cơ chế vật lý xe của họ.

    Ấy vậy nhưng chúng ta cũng không thể nhận xét về The Run như "Undercover 2" được. Thứ nhất, The Run mới chỉ là bản demo, sẽ còn qua nhiều lần sửa sang, beta trước khi chính thức xuất xưởng. Thứ hai, hiểu được cái khó trong lĩnh vực arcade ngày nay, và đúc kết từ thành công của Hot Pursuit 2010, EA sẽ khó mà quảng cáo rầm rộ để rồi chấp nhận ra lò một "Undercover 2" nửa vời, lặp lại "thảm họa" của 3 năm trước.


    Thật sự tôi không mong mỏi gì nhiều ở phiên bản Need for Speed mới này, chỉ hy vọng nó không đi theo vết xe đổ của Undercover trước đây mà thôi" - trích lời của VO7T, một thành viên kỳ cựu của portal VRZ - Vietnam Racing Zone. Câu nói này dường như tóm tắt lại tất cả những mạn bàn về món "lẩu thập cẩm" The Run của chúng ta.

    Need for Speed: The Run, tựa game mới nhất trong loạt game đình đám Need for Speed của EA, sẽ chính thức lên kệ vào ngày 15 tháng 11 năm 2011 trên toàn thế giới. Bạn đọc đam mê thể loại game đua xe có thể đặt trước game ngay từ bây giờ.

    Tổng hợp

    NỔI BẬT TRANG CHỦ