iBasso DX50 – Giá rẻ, liệu có xứng tầm Hi End?

    Nút Chuối,  

    (GenK.vn) - Liệu DX50, mẫu máy nghe nhạc Hi End với mức giá rẻ đến từ Trung Quốc có cạnh tranh được trong thị trường cao cấp?

    Ưu:

    - Ngoại hình đẹp, pin “trâu”.

    - Chất âm xuất sắc, giàu chi tiết.

    - Mức giá ấn tượng cho một thiết bị high end, rẻ hơn 50% so với AK100, thiết bị với khả năng và chất âm có phần tương đồng.

    Khuyết:

    - Máy rất dễ xước, cả vỏ nhôm lẫn mặt kính màn hình cảm ứng.

    - Bộ nhớ trong khá thiếu thốn (8GB).

    - Các cổng kết nối âm thanh hơi cứng và khó cắm.

    - Giao diện chưa thỏa mãn người dùng có bàn tay to.

    Đối với nhiều người, nhu cầu thưởng thức âm nhạc chỉ cần dừng lại ở mức “nghe”, có nghĩa là thưởng thức những bản nhạc với chất lượng mp3 qua những chiếc tai nghe, những dàn loa vi tính hoặc những bộ loa multimedia tầm trung.

     

    Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người đam mê âm thanh thì cần có những bản nhạc chất lượng thực sự cao, để họ có thể nghe một cách thoải mái thông qua những hệ thống âm thanh với những chiếc tai nghe đắt tiền hay những dàn loa, amplifier với cái giá ngót nghét vài trăm triệu hoặc tiến đến dương vô cùng.

    Ở cấp độ cao nhất của việc thưởng thức âm thanh, là một hệ thống đĩa than với âm thanh sở hữu độ phân giải 24 bit/96 kHz hoặc 24 bit/192 kHz. Những công cụ sở hữu được tín hiệu âm thanh như vậy giờ chỉ có những chiếc đĩa “than” (vinyl), những cuộn băng cối đồ sộ hoặc những bản nhạc master trong phòng thu, chưa được rip vào các thiết bị lưu trữ như đĩa CD chẳng hạn.

     

    Trong khi đó, những dàn đĩa CD chỉ có khả năng xuất tín hiệu cao tần với chất lượng 16 bit/44.1 kHz. Những hệ thống như thế này thường khá cồng kềnh, chưa kể việc chơi loa của những dân chơi thường là một thú chơi có phần mệt mỏi khi phải biết loa nào phối với amp nào là hợp lý nhất. Dĩ nhiên, âm thanh 24 bit liệu có cần thiết hay không sẽ là chủ đề trong một bài viết khác của GenK.

    Sự trỗi dậy của máy nghe nhạc hi end

    Trong thời đại giải trí kỹ thuật số, các nhà sản xuất thiết bị âm thanh bên cạnh việc tạo ra những chiếc máy nghe nhạc nhỏ gọn phục vụ thị hiếu đại chúng, họ cũng không quên nhắm tới thị trường cao cấp với những audiophile không bao giờ thỏa mãn với những gì họ sở hữu. Đó là khi những cỗ máy DAP (Digital Audio Player – tạm dịch Máy nghe nhạc kỹ thuật số) đẳng cấp Hi End xuất hiện.

     

    Lần lượt những cái tên như Colorfly C3, C4, rồi Astell & Kern AK100 và AK120 ra mắt, đánh dấu thời đại thiết bị giải trí số có thể thay thế được những đầu đĩa CD cồng kềnh, yêu cầu thư viện đĩa đồ sộ nhưng dung lượng nhiều khi chỉ bằng một chiếc ổ cứng hoặc thẻ nhớ nhỏ gọn. Tôi nhận định hoàn toàn không ngoa, vì những mẫu thẻ nhớ SDXC giờ đây đã có mẫu sở hữu dung lượng… 2 TB!

    Đó cũng là khi iBasso, nhà sản xuất đến từ Trung Quốc giành được không ít thành công với mẫu DAP mang tên DX100 của mình. Thế nhưng giống như C4 hay AK120, DX100 sở hữu cái giá quá chát (từ 12 đến 20 triệu Đồng), khiến cho không ít dân chơi phải ngẫm nghĩ lại trước khi bỏ túi tiền đầu tư cho một thiết bị như vậy.

     

    Nắm bắt thị trường, iBasso quyết định tạo ra một mẫu DAP mới, giá rẻ hơn nhưng chất lượng không quá thay đổi so với người tiền nhiệm, đó là DX50. Với cái giá chỉ khoảng 1/4 so với DX100, DX50 lập tức được nhiều trang tin cũng như forum âm thanh trên thế giới như HeadFi đặc biệt chú ý. Vậy DX50 có gì đột phá, hay đơn giản chỉ dùng cái giá được cho là “mềm” trong phân khúc để dụ dỗ người tiêu dùng? Hãy cùng GenK có được nhận định khách quan nhất trong bài viết đánh giá chi tiết ngày hôm nay.

    Ngoại hình không “Tàu” chút nào

    Không cầu kỳ về vấn đề bao bì, chiếc hộp đựng DX50 chỉ là một chiếc hộp nhỏ bằng bìa dán vân giả da màu nâu, và được niêm phong bằng một dải bìa khác với cái tên của thiết bị được in trên đó. Bên trong, ngoài chiếc máy, chỉ có một túi da đựng máy, phục vụ nhu cầu di chuyển, một cáp micro USB để kết nối với các thiết bị khác hoặc sạc pin, và một cáp chuyển từ jack 3.5mm sang đầu cắm tín hiệu coaxial để sử dụng với các dàn âm thanh.

     

    Trong khi vỏ hộp thể hiện sự nhún nhường của người Trung Quốc, thì ngoại hình của chính chiếc máy mới là thứ thể hiện được đẳng cấp của cỗ máy nhỏ bé khi đặt cạnh những chiếc amplifier đắt tiền hay những dàn loa xa xỉ. Bề mặt nhôm đen xước và cụm phím bấm nhựa không quá lạc tông, trong khi chi tiết viền cạnh được chế tác khá tinh xảo.

    Tuy nhiên tính mỹ thuật của thiết kế lại khiến cho DX50 trở thành một món đồ cần sự nâng niu. Chỉ một vài động tác bất cẩn, mặt lưng (nắp pin) của thiết bị hoặc cạnh sườn hoàn toàn có thể để lại những vết xước hoặc vết móp méo mà không ai mong muốn.

     

    Thay vì chỉ sở hữu hệ thống màn hình cảm ứng, núm điều chỉnh volume và 3 nút điều khiển bản nhạc như Astell & Kern AK100, DX50 có phần cầu kỳ hơn khi chiều lòng những người sử dụng không quen với màn hình cảm ứng. Ngay dưới màn hình TFT 2,31 inch độ phân giải 320x240 pixel là cụm phím chuyển bài và nút play/pause rất lớn.

     

    Cạnh trái là nút nguồn và khóa bàn phím/màn hình. Cạnh phải có 2 nút tăng giảm âm lượng. Cạnh trên của máy là nơi cổng kết nối USB, khe cắm thẻ nhớ Micro SD và cổng xuất tín hiệu coaxial. Cuối cùng, ở cạnh dưới là nơi cổng xuất tín hiệu âm tần cho tai nghe và các thiết bị giải trí, cùng switch gain ngự trị. Switch gain này được sử dụng khi DX50 phối kèm những mẫu tai nghe có trở kháng lớn.

    Nền tảng phần cứng ấn tượng

    Máy sở hữu bộ nhớ trong dạng flash với dung lượng 8GB. Với nhiều người như thế là chưa đủ khi AK100 sở hữu bộ nhớ trong 32 GB, cùng 2 khe cắm thẻ nhớ hỗ trợ tối đa 32GB mỗi thẻ. Tuy nhiên việc so sánh này gần giống một trò đùa, khi iBasso quảng cáo rằng khe cắm thẻ nhớ của họ hỗ trợ được cả thẻ SDXC dung lượng tối đa… 2TB! Rốt cuộc 96GB của người Nhật lại trở thành cổ lỗ.

     

    Máy hỗ trợ những file âm thanh theo chuẩn WAV, FLAC, WMA, MP3, OGG và cả APE với chất lượng có thể lên đến 24 bit/192 kHz. Điều này có nghĩa là, tín hiệu xuất từ cổng coaxial cao tần của chiếc máy này tương đương với những chiếc đĩa than cao cấp.

    Một điều khá thú vị mà iBasso đã phải tạm thời “che” đi trên trang web giới thiệu DX 50, đó là chiếc máy có thể thay đổi được pin. Cục pin dùng để chạy chiếc điện thoại Samsung Galaxy SIII hóa ra lại có thể hoạt động tốt với chiếc máy nghe nhạc này.

     

    Đó là những điều cơ bản khiến cho DX50 giành được sự chú ý của cộng đồng. Tuy nhiên nếu không có được chất âm như mong muốn, thì với cái giá rẻ, DX50 vẫn khó có thể có được vị trí mong muốn trên thị trường.

    Nghe chay: Ấm áp và đầy tình cảm

    Đó là những tính từ hợp lý nhất để mô tả DX50 khi sử dụng trực tiếp với những chiếc tai nghe mà không qua bất kỳ bộ amplifier nào. Tuy nhiên để giữ vững tính khách quan, GenK đã thử nghiệm DX50 với những hệ thống âm thanh cơ bản như tai nghe Sony MDR V6, một chiếc tai nghe với chất âm cân bằng, có phần hơi thiên sáng. Trợ giúp cho V6 là headamp C421 và O2.

     

    Vì là một sản phẩm mang tham vọng thay thế dàn đĩa CD, vì vậy GenK cũng đã thử nghiệm trực tiếp chiếc máy DAP này với hệ thống âm thanh có phần khá cổ, với amplifier Saba HiFi Studio II A đời 1967, và cặp loa Acoustic Research AR3 đời 1966. Vui một chút, cặp loa này thường được dân chơi loa ở Hà Nội gọi với cái tên (bass) “bánh bò”, (lưới) căng cước. Phần thử nghiệm với loa sẽ được đề cập ở phần sau của bài viết.

    Sở dĩ chúng tôi lựa chọn dàn âm thanh này là nhờ vào chất âm mộc mạc, sound signature cân bằng mà bộ đôi này thể hiện.

     

    Cùng một bản nhạc “Desafinado”, được trích trong album Marantz Test 2010 Inspire By Desire CD1 (chất lượng 16 bit/44.1kHz), V6 thể hiện rất khác khi kết nối thông qua những thiết bị khác nhau:

    Khi kết nối trực tiếp tai nghe vào DX50, chất âm trầm ấm của thiết bị bao trùm lên cả chiếc tai nghe. Tiếng trống có uy lực, trong khi dải high với tiếng piano có phần trong trẻo nhưng vẫn còn đôi chút chới với và hơi chìm khi thưởng thức trên V6. Dải mid là thứ khó có thể chê bai với tiếng hát của ca sỹ và tiếng saxophone đầy tình cảm. Khi nghe chay, DX50 rất phù hợp với những đôi tai ưa sound signature trầm ấm và hơi tối một chút.

    Tiếp đến, “huyền thoại” handmade Objective2 được lên sàn. Dải mid vẫn cực kỳ dày dặn, diễn tả tốt âm thanh của một bản nhạc jazz thử nghiệm dải mid. Tiếng bass có phần chìm đi đôi chút, nhưng bù lại vẫn có lực. Thay vào đó, dải high đã trở nên vô cùng rõ ràng. Rõ ràng nhưng không hề chói và gắt như khi kết nối với C421.

     

    Chiếc headamp dành cho thiết bị di động C421 tái tạo âm bass hơi “khộp” và thiếu lực một cách rõ ràng, trong khi dải mid không còn đầy đặn và dải high thì hơi chói khi thử nghiệm một bản nhạc khác, It’s Raining Men.

    Khả năng tái tạo chất âm ấm áp lại càng được thể hiện với bản FLAC “Vợ ơi Anh đã sai rồi” của Quái Vật Tí Hon. Tiếng guitar không bị rền (một phần nhờ vào V6), và tiếng hát của nam ca sỹ tràn đầy tình cảm. Tương tự như vậy với “Vì đời”, trong khi tiếng cymbal qua C421 có phần hơi chói, thì bản nhạc trở nên khá cân khi nghe “chay”.

    Đủ sức “cân” loa

    Một vấn đề với những dàn HiFi và những thiết bị giải trí số, đó là để phù hợp với những dàn loa tầm trung hoặc tai nghe, tín hiệu cổng xuất của máy nghe nhạc thường là tín hiệu âm tần. Trong khi đó, tín hiệu từ đầu đọc đĩa CD hay đĩa than đưa vào amplifier hoặc preamp luôn là tín hiệu cao tần.

    Để so sánh một cách chính xác nhất, chúng tôi đã thử nghiệm DX50 kết nối trực tiếp với amplifier Saba thông qua hai cổng xuất âm tần (headphone) và cổng xuất cao tần (coaxial). Vì chiếc máy nghe nhạc sở hữu chip DAC Wolfson WM8740 nên người sử dụng gần như không cần tới những bộ DAC đắt tiền để chuyển tín hiệu từ digital sang analog.

     

    Cùng một bản nhạc (What A Wonderful World - Kenny G), thế nhưng khi kết nối với amplifier qua cổng kết nối tai nghe, chất âm có phần èo uột, bass yếu, không có lực, trong khi dải high thì chới với.

    Mọi chuyện trở nên khác hoàn toàn khi thay đổi cổng kết nối. Thật may mắn là GenK sở hữu bản CD cùng album để có thể đối chiếu. Chất âm khi kết nối với Saba “chuồng gà” xuất ra AR3 không thua kém gì so với bản nhạc phát từ đĩa CD. Tương tự như vậy với bản nhạc In My Secret Life của Leonard Cohen, giọng trầm của ca sỹ xuống rất sâu nhưng vẫn cực kỳ chi tiết.

     

    Từ đó có thể đi đến kết luận, với cổng coaxial out, những chiếc máy nghe nhạc hi end như DX50 hay AK100 đủ khả năng thay thế những hệ thống máy CD, với khả năng lưu trữ đôi khi còn hơn cả đĩa CD, với điều kiện bản nhạc phải có chất lượng tương đương.

    Firmware ảnh hưởng tới chất âm

    Với firmware từ 1.1.0 đến 1.1.5, chất âm của DX50 khi nghe chay càng lúc càng tối dần, high hơi lùi mặc dù độ chi tiết vẫn không thay đổi. Cũng trong phiên bản firmware này, bass lại có phần dày dặn hơn so với firmware cũ. Tuy nhiên đến phiên bản firmware 1.1.6, chiếc máy nghe nhạc đã xuất được ra chất âm cân bằng hơn nhưng nhìn chung vẫn ấm và tối.

     

    Trong khi đó, phiên bản firmware 1.2 không gây ảnh hưởng gì đến chất âm của DX50, khi nó chỉ cho phép người sử dụng tạo ra những playlist hợp với nhu cầu thưởng thức.

    Thời lượng pin của DX50 cũng là một điểm cộng. Trong khi iBasso chỉ dám quảng cáo thời lượng pin khi nghe liên tục lên đến 10 tiếng đồng hồ, thì một người thử nghiệm khi nghe chay với Sennheiser HD 600 đã cho biết thời lượng pin của DX50 đạt con số khá ấn tượng là 15 tiếng liên tục. Trong thử nghiệm của GenK, chiếc máy nghe nhạc đạt thời gian sử dụng liên tục vào khoảng hơn 10 tiếng đồng hồ một chút, tính cả thời gian nghe qua dàn HiFi và qua tai nghe.

    Giao diện chưa thực sự thỏa mãn

     

    Quả thật, sau những lần update firmware, giao diện của iBasso chỉ phù hợp với những người có bàn tay bé. Những icon play/pause hay lựa chọn menu đều rất bé và rất dễ bấm nhầm. Chưa dừng lại ở đó, việc lựa chọn play bản nhạc thông qua màn hình cảm ứng cảm giác rất delay và khựng. Những người sử dụng có ngón tay to sẽ cảm thấy những nút bấm vật lý trên chiếc máy cực kỳ hữu dụng.

    Liệu có phải lựa chọn sáng giá?

    Sở hữu cái giá gần 6 triệu Đồng cho một chiếc máy chỉ có đúng một chức năng là nghe nhạc, DX50 vô tình đẩy mình vào phân khúc những thiết bị cao cấp tại Việt Nam khi những thiết bị nghe nhạc phổ thông có cái giá rẻ hơn rất nhiều. Ấy là chưa kể ngoại hình dễ bị xước nếu không giữ gìn cẩn thận.

     

    Đến đây, nhiều người sẽ cho rằng, với 6 triệu Đồng thì chúng ta có thể sở hữu một chiếc iPod touch với khả năng giải trí đa phương tiện tốt hơn. Tuy nhiên DX50 và iPod touch nằm ở hai phân khúc hoàn toàn khác nhau. Một bên là thiết bị audiophile, một bên là thiết bị multimedia, vì vậy một thiết bị đều thỏa mãn nhu cầu của một bộ phận người sử dụng riêng.

    Tất nhiên DX50 vẫn có được khả năng thưởng thức âm nhạc chất lượng cao với tính di động không kém cạnh nhiều so với iPod Touch, nhờ vào khả năng kết nối OTG (On The Go). Sử dụng chức năng này, những thiết bị kết nối qua cổng USB đều có thể kết nối và chia sẻ dữ liệu với chiếc máy nghe nhạc của iBasso để DX50 đóng vai trò máy phát.

     

    Nếu so sánh với những thiết bị cạnh tranh trực tiếp như AK 100 (12 triệu Đồng), Colorfly C4 (12,5 triệu) hay DX100 (20 Triệu), P/P của DX50 là cực kỳ hứa hẹn, ngay cả khi so sánh với FiiO X3 (5 triệu Đồng nhưng chất âm kém hơn hẳn). Với nhu cầu sở hữu những thiết bị âm thanh cao cấp đi kèm với tính di động cao đã và đang tăng mạnh tại thị trường Việt Nam hiện nay, chiếc máy nghe nhạc đến từ Trung Quốc này vẫn đang mang trong mình một tương lai đầy rộng mở.

    Xin cám ơn iDo Audio 78 Lê Thanh Nghị đã hỗ trợ GenK hoàn thành bài viết này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ