Windows 8 bị cấm trên trang web đánh giá hiệu năng máy tính
Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế quản lí thời gian của Windows 8.
Hôm thứ tư vừa rồi, Microsoft đã bị giáng một cái tát khá bất ngỡ khi HWBot – một trong những cộng đồng lớn nhất trong giới benchmark (đánh giá hiệu năng máy tính) và OC ra quyết định cấm sử dụng mọi kết quả benchmark được thực hiện trên hệ điều hành mới nhất của hãng này. Tất cả các kết quả đã được lưu trên các bảng so sánh và cơ sở dữ liệu đã bị thẳng tay loại bỏ, đồng thời từ nay mọi kết quả benchmark trên Windows 8 sẽ không được chấp nhận.
HWBot là trang web của cộng đồng benchmark với hệ thống cơ sở dữ liệu của là cực kì đồ sộ, chứa đựng các kết quả benchmark từ rất nhiều bộ công cụ khác nhau từ 3DMark, PCMark đến SuperPi. Các thành viên của cộng đồng sẽ gửi lên kết quả của máy mình, và sau khi được các thành viên ban quản trị kiểm tra qua, các kết quả này sẽ có thể được dùng để xếp hạng dàn máy của thành viên đó cũng như tích lũy điểm. Trên các trang dạng này, những người đứng đầu bảng xếp hạng thường luôn là những tay overclocker (ép xung) cứng cựa nhất. Andre Yang, một trong những overclocker hàng đầu thế giới, hiện giữ kỉ lục cho mức xung CPU cao nhất: 8709 MHz trên CPU AMD-8150 và điểm 3D Mark 11 cao nhất: 37263 – kết quả của combo 4 VGA Nvidia GTX Titan.
Theo như giải thích của trên trang blog của những thành viên điều hành, nguyên nhân là “do các sai sót nghiêm trọng trong hệ thống RTC – real time clock (đống hồ thời gian thực) của hệ điều hành này”. Tất cả các công cụ benchmark đều hoạt động dựa trên thông tin từ RTC, vì vậy điều này là không thể chấp nhận được.
Do là thành phần tích hợp trên phần cứng, thông tin từ RTC rất hữu dụng trong việc đánh giá hiệu năng xử lí theo thời gian của PC. Không như các thành phần mềm vốn rất dễ bị tác động gây thay đổi hay giả mạo, RTC được thiết kế để luôn luôn theo kịp thời gian thực. Cứ mỗi một giây trôi đi trên chiếc đồng hồ thạch anh mà ta thường sử dụng sẽ tương ứng với một giây trong RTC, và các thủ thuật phần mềm không thể nào thay đổi được điều này. Hầu như mọi công cụ bencharmk đều sử dụng RTC để đo lường một các chính xác thời gian bắt đầu và kết thúc một bài test. RTC đã và vẫn luôn là cơ sở để các công cụ này vận hành.
Tuy vậy các công cụ phần mềm để giao tiếp được với phần cứng vẫn phải thông qua hệ điều hành, và có vẻ như Windows 8 đã không làm tốt việc của mình. Theo như HWBot, Microsoft đã thực hiện đôi chút thay đổi trên cơ chế theo dõi thời gian của Windows 8 để hệ điều hành này vận hành ổn định trên các hệ thống nhúng và các thiết bị giá rẻ không có RTC phần cứng tích hợp. Bài viết trên blog của HWBot không đi sâu vào chi tiết việc họ làm thế nào để xác định được điều này – và xét cho cùng thì các kiến thức chuyên sâu tới phần kernel của OS này không phải là thứ tay mơ nào cũng có thể hiểu được. Nhưng bằng chứng được đưa ra thì ai cũng có thể cảm nhận được.
Về cơ bản, nếu người dùng sử dụng phần mềm phụ trợ để thay đổi base clock của CPU (tức khi đã boot vào HĐH, không phải trước đó), ảnh hưởng của thao tác này lên khả năng theo dõi thời gian của Windows 8 là cực nghiêm trọng. Theo như trong video, chỉ cần thay đổi base clock của một hệ thống sử dụng chip Haswell từ 130MHz xuống 122MHz (giảm 6%), thời gian trên Windows 8 đã bị chậm đi tới 18 giây trên mỗi khoảng 5 phút. Không chỉ riêng thao tác hạ xung, thao tác ép xung cũng gây ra hậu quả tương tự, nhưng khiến thời gian nhanh hơn.
Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến kết quả benchmark. Bởi các công cụ benchmark hoàn toàn tin tưởng vào sự chính xác của RTC, các bài test sẽ được thực hiện trên một khoảng thời gian lệch đi khá nhiều so với chuẩn ban đầu. Nếu người dùng thực hiện một bài test dài 5 phút trên một hệ thống đã được hạ xung 6% như ví dụ ở trên, thời gian mà hệ thống đó thực hiện tính toán sẽ nghiễm nhiên dài thêm 18 giây (cũng là 6%). Sau đó nếu người dùng thay đổi hệ số nhân của CPU để bù lại cho 6% xung đã được giảm – nghiễm nhiên điểm benchmark sẽ cao hơn khoảng 6% bởi hệ thống có thêm 18 giây để thực hiện tính toán. Hạ xung xuống 20% và điều chỉnh hệ số nhân vừa đủ bù lại và ta có thêm 20% điểm benchmark. Không cần nói cũng biết, chênh lệch điểm số ở mức này là vấn đề nghiêm trọng như thế nào với hệ thống rank của các trang như HWBot.
Tính toán ảnh hưởng của độ lệch thời gian gây ra bởi Windows 8 trên các công cụ benchmark khác nhau.
Tóm lại, HWBot chỉ đơn giản công bố rằng họ “Không thể kiểm tra tính xác thực của các kết quả test hiệu năng hệ thống trên Windows 8”, vì vậy mọi kết quả trên Windows 8 từ người dùng sẽ không còn được chấp nhận. Hơn thế nữa, theo như thông tin trên blog thì mọi kết quả thực hiện trên Windows 8 được đưa lên trước đây sẽ tạm thời bị loại bỏ, ít nhất là cho đến khi các thành viên trong ban quản trị quyết định được nước đi đúng đắng nhất. Họ cũng cho biết không hẳn rằng phần lớn người dùng sẽ hăm hở tận dụng lỗi này trên Windows 8, tuy vậy để đảm bảo công bằng thì cẩn thận vẫn hơn.
Theo như các cập nhật mới nhất, phiên bản Windows 8.1 mới nhất cũng gặp tình trạng tương tự do về cơ bản Microsoft không thực hiện thay đổi gì với cơ chế theo dõi thời gian trong lần nâng cấp này. Sau một vài thử nghiệm trên các combo CPU và mainboard khác nhau, các thành viên HWBot cũng cho biết thêm rằng các từ thời socket LGA775 trở về trước, cũng như các dàn máy sử dụng bộ xử lí của AMD hầu như không bị ảnh hưởng bởi vấn đề này.
Các kiến trúc CPU bị ảnh hưởng.
Về phía Microsoft, tình huống có thể sẽ được khắc phục bằng một bản patch trong thời gian tới. Tuy rằng có thể chúng ta sẽ phải chờ khá lâu bởi không như Windows 7, Windows 8 hiện nay là một hệ điều hành được thiết kế chạy trên lượng nền tảng phần cứng lớn hơn hẳn. Với thực tế là hầu như mọi công cụ benchmark đều phụ thuộc rất nhiều vào thông tin chính xác từ RTC, và việc có cả một hệ điều hành bị “cấm cửa” khỏi một trong những chuyên trang lớn nhất về benchmark hoàn toàn không phải là chuyện nhỏ; chúng ta hãy cùng ngóng chờ các phản hồi chính thức từ Microsoft.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Độc lạ: Startup Mỹ dùng kim cương làm mát GPU, giảm nhiệt khủng và tiết kiệm điện vượt xa mong đợi
Akash tuyên bố rằng công nghệ của họ có thể giảm nhiệt độ điểm nóng của GPU từ 10 đến 20 độ C, giúp trung tâm dữ liệu tiết kiệm hàng triệu USD chi phí làm mát
Quên chatbot AI đi: OpenAI sắp ra mắt “trợ lý AI” mới có khả năng tự động điều khiển máy tính và thực hiện mọi tác vụ thay bạn