Phô mai 3.200 năm trong lăng mộ Ai Cập bị "nguyền" bằng vi khuẩn chết người

    zknight,  

    Vậy để biết, động đến đồ của một xác ướp không phải ý hay.

    Chúng ta biết các loại phô mai thượng hạng nhất thường được ủ trong thời gian dài, từ vài tháng cho đến vài năm. Thậm chí, có những loại phô mai được ủ tới 18 năm mới mang ra dùng.

    Nhưng như vậy vẫn chưa là gì so với hũ phô mai mà các nhà khảo cổ tìm được trong lăng mộ Ptahmes, được biết đến như thị trưởng thành đô Memphis và thống lĩnh quân đội Ai Cập vào thế kỷ 13 TCN.

    Hũ phô mai có niên đại 3.200 năm, là mẫu phô mai rắn lâu đời nhất từng được xác định, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Analytical Chemistry.

    Mặc dù rất hấp dẫn, nếm thử phô mai của một xác ướp không phải là ý hay. Các nhà nghiên cứu tìm thấy nó đã "bị nguyền" bởi một vi khuẩn nguy hiểm có tên là Brucella melitensis.

    Phô mai 3.200 năm trong lăng mộ Ai Cập bị nguyền bằng vi khuẩn chết người - Ảnh 1.

    Phô mai 3.200 năm trong lăng mộ Ai Cập bị "nguyền" bằng vi khuẩn chết người

    Lăng mộ Ptahmes được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1885. Nhưng không lâu sau đó, nó lại bị nhấn chìm vào sa mạc Sahara. Phải đến năm 2010, các nhà khảo cổ mới một lần nữa tìm ra lối vào của khu vực này.

    Cuộc khai quật lăng mộ Ptahmes được chia thành nhiều đợt, và trong giai đoạn 2013-2014, một chiếc lọ gốm quấn vải đã được tìm thấy. Bên trong đó, các nhà khảo cổ phát hiện có một "khối trắng đặc", nghi ngờ là phô mai.

    Thông thường, các nhà hóa học có thể xác nhận phô mai cổ đại bằng các xét nghiệm phân tích chất béo. Tuy nhiên, mẫu phẩm lần này là một thử thách thực sự đối với họ.

    Lọ gốm đã được giữ trong một hầm mộ kín và khô bên dưới lớp cát dày của sa mạc Sahara. Mặc dù vậy, khu vực này cũng thường xuyên bị ngập lụt khi nước sông Nile dâng lên. Nước pha loãng kiềm trong đất, tràn vào lăng mộ, trong bình và ngấm vào phô mai đã phá hủy toàn bộ kết cấu chất béo của nó.

    Không bỏ cuộc, các nhà hóa học đã phát minh ra một kỹ thuật mới để phân tích mẫu phẩm này gọi là Phân tích proteomic.

    "Đây là một kỹ thuật hoàn toàn mới đối với các mẫu phẩm dạng này", nhà nghiên cứu Enrico Greco đến từ Đại học Catania, Italy cho biết. "Với kỹ thuật này, chúng tôi có thể xác định những chuỗi peptide [cấu thành của protein] cực ngắn cho đến dài".

    Phô mai 3.200 năm trong lăng mộ Ai Cập bị nguyền bằng vi khuẩn chết người - Ảnh 2.

    Các loại phô mai truyền thống của Ai Cập

    Đầu tiên, họ hòa tan một chút mẫu phẩm vào nước, cô lập các thành phần protein, rồi phân tích nó bằng sắc ký lỏng và khối phổ. Sau khi tìm được ra các peptide, chúng được so sánh với một cơ sở dữ liệu cực kỳ lớn, cho phép các nhà khoa học xác định sự có mặt của các protein ban đầu.

    Hóa ra, chứa trong chiếc bình được tìm thấy trong lăng mộ Ptahmes chính là một loại phô mai. Nó được làm từ sữa bò, dê, cừu, và đặc biệt là cả sữa trâu Châu Phi, một loài vật bây giờ không còn được nuôi để lấy sữa.

    Ngoài ra, nhóm nghiên cứu Greco cũng tìm thấy các protein của vi khuẩn Brucella melitensis, gợi ý rằng loại phô mai này không còn ăn được nữa.

    Nhiễm khuẩn Brucella melitensis có thể gây ra bệnh sốt Malta, hay còn gọi là sốt Địa Trung Hải. Nó bắt đầu bằng nhiều triệu chứng bao gồm: sốt, đổ mồ hôi, đau đầu, đau lưng, suy nhược cơ thể. Các triệu chứng có thể xuất hiện bất cứ lúc này sau 60 ngày, kể từ lúc tiếp xúc với Brucella melitensis.

    Nếu không được điều trị sốt Malta có thể gây tử vong. Loại vi khuẩn này nguy hiểm đến nỗi Quân đội Hoa Kỳ đã từng phát triển nó như một vũ khí sinh học trong thập niên 1950.

    Vậy để biết, động đến đồ của một xác ướp không phải ý hay. Nó có thể đã được "nguyền" theo một khoa học nào đó, trong trường hợp này là với những con vi khuẩn gây toát mồ hôi và sốt.

    Tham khảo Motherboard, Haaretz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ