Quá bạo lực và đau đớn, người dân phẫn nộ yêu cầu Facebook, Youtube... gỡ bỏ các video xả súng tại New Zealand

    J.D, Theo Helino 

    Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Facebook phải để cảnh sát thông báo về sự việc diễn ra trên chính nền tảng của mình? Cách họ quản lý nội dung đang có vấn đề, và điều này khiến dư luận tỏ ra phẫn nộ.

    Vụ xả súng tại 2 nhà thờ Hồi Giáo thuộc thành phố Chrischurch chiều ngày 15/3 hiện vẫn còn khiến dư luận phải bàng hoàng. Vụ khủng bố đã cướp đi sinh mạng của 49 người, kèm theo hàng chục người khác bị thương.

    Nhưng điều khiến tất cả mọi người trở nên phẫn nộ tột cùng, đó là cách mà tên khủng bố Brenton Tarrant đã lợi dụng mạng xã hội để gây sự chú ý. Gã đã phát livestream toàn bộ quá trình tấn công lên các diễn đàn internet và mạng xã hội, trong đó có cả Facebook và YouTube.

    Quá bạo lực và đau đớn, người dân phẫn nộ yêu cầu Facebook, Youtube... gỡ bỏ các video xả súng tại New Zealand - Ảnh 1.

    Hình ảnh cắt trong video xả súng đẫm máu tại New Zealand

    Nghịch lý thời 4.0: "Chủ nhà" không thể kiểm soát chính ngôi nhà của mình

    Đoạn video livestream của tên khủng bố kéo dài tổng cộng 17 phút, được ghi lại dưới góc nhìn thứ nhất về toàn cảnh gã tấn công người dân vô tội. Video được phát đi, sau đó lan truyền qua Facebook, YouTube, Twitter, Instagram và một số diễn đàn khác trên Internet.

    Theo trang WSJ đánh giá, video và cách phát livestream của tên này đã được lên kế hoạch để dễ dàng lan tỏa trên môi trường internet. Được phát dưới góc nhìn người thứ nhất, video tạo cảm giác giống như bất kỳ streamer nào đang chơi game - một dạng nội dung đang dễ lan tỏa trên cộng đồng mạng.

    Quá bạo lực và đau đớn, người dân phẫn nộ yêu cầu Facebook, Youtube... gỡ bỏ các video xả súng tại New Zealand - Ảnh 2.

    Đoạn video livestream được quay dưới góc nhìn thứ nhất, khiến người xem có cảm giác như đang xem các trò chơi video

    Chưa hết, đầu video hung thủ có nói: "Hãy theo dõi PewDiePie". Đây là một YouTuber cực kỳ nổi tiếng, với hơn 89 triệu người theo dõi trên kênh của mình. Và bởi vậy, những người theo dõi PewDiePie cũng nhanh chóng biết về đoạn video đẫm máu.

    Phát ngôn viên của Facebook tại New Zealand cho biết cảnh sát đã thông báo cho họ về đoạn video đẫm máu sau khi nó được phát đi. Họ đã ngay xóa ngay tài khoản của hung thủ và các video liên quan. Twitter và YouTube sau đó cũng có hành động tương tự.

    Nghịch lý ở đây là tại sao Facebook phải để cảnh sát thông báo về những gì đang diễn ra trên chính nền tảng của mình? Hơn nữa, không rõ hành động của Facebook hiệu quả đến đâu, chỉ biết rằng vài giờ sau khi thông báo, các phiên bản khác của đoạn video đẫm máu trên đã nhanh chóng lan truyền đi khắp internet.

    Mạng xã hội lúng túng, dư luận phẫn nộ

    Facebook, Twitter và YouTube cho biết đã gỡ bỏ những đoạn video gốc liên quan đến vụ tấn công, đồng thời xóa bỏ tài khoản của kẻ đã đăng. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, họ phải thừa nhận đang gặp rắc rối khi cố gắng xóa bỏ những bản sao chép của video nói trên.

    Quá bạo lực và đau đớn, người dân phẫn nộ yêu cầu Facebook, Youtube... gỡ bỏ các video xả súng tại New Zealand - Ảnh 3.

    Facebook dù đã tuyên bố xóa bỏ các video bạo lực, nhưng sự thật là họ đang gặp rắc rối

    Chúng quá nhiều, xuất hiện gần như mọi lúc, cảm giác như không thể xóa bỏ hết. Và cũng bởi vậy, dư luận đang cảm thấy phẫn nộ vì cách các mạng xã hội này hoạt động cho cảm giác họ không thể kiểm soát được nội dung trên nền tảng của chính mình.

    Công bằng mà nói, từ trước đến nay Facebook, YouTube và các nền tảng tương tự đã rất nỗ lực để ngăn chặn nội dung xấu, nhưng họ chỉ thực sự thành công đối với các nội dung khiêu dâm và âm nhạc có bản quyền. Đây đều là các nội dung dễ phát hiện, dễ tham chiếu cho AI (trí tuệ nhân tạo) của họ.

    Cơ chế chung của các mạng xã hội hiện nay là sử dụng AI để phát hiện nội dung xấu trước khi cho phép đăng tải, và rồi đợi người dùng report sau đó. Nhưng những kẻ có ý đồ xấu thì muôn vàn, nội dung do chúng tạo ra cũng vậy. AI phát triển, con người lại tìm cách qua mặt chúng. Điều này cũng có nghĩa rằng nếu một nội dung xấu tìm cách qua được mặt AI, thì chắc chắn nội dung ấy sẽ lọt vào mạng xã hội và rất có thể sẽ lan tỏa mạnh trước khi bị xóa bỏ hoàn toàn.

    Chẳng ai biết nội dung được lan tỏa sẽ đến những đâu? Trẻ em? Trẻ vị thành niên? Sự kích động sẽ lan tỏa và tạo ra một Brenton Tarrant khác? Rất có thể, nếu Facebook, Twitter và các mạng xã hội tương tự không tìm cách thay đổi cách kiểm soát nội dung của họ. 

    Tham khảo: CNBC, WSJ, CNN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ