"Quần hùng tranh bá": Foxconn sẵn sàng trả 27 tỷ USD tranh giành mảng chip nhớ của Toshiba

    Le Min Kop,  

    Giới chức Nhật Bản muốn Toshiba bán mảng chip nhớ cho đối tác trong nước, trong khi các thương hiệu nước ngoài lại tỏ ra tích cực và sốt sắng hơn cả. Dự kiến người thắng thầu sẽ được công bố vài tuần tới.

    Công ty Hon Hai Precision Industry của Đài Loan, hay còn được biết đến với cái tên Foxconn, SK Hynix của Hàn Quốc và nhà sản xuất chip Broadcom đã gửi hồ sơ dự thầu sơ bộ mua lại mảng kinh doanh chip của Toshiba vốn được ước tính có giá trên 2 nghìn tỷ yên (18 tỷ USD).

    Hon Hai tỏ ra chịu chơi hơn cả khi tuyên bố có thể trả giá 3 nghìn tỷ yên (hơn 27 tỷ USD) để thuyết phục các nhà quản lý Nhật Bản ngồi vào bàn đàm phán. Trong khi đó, SK Hynix chọn phương án tìm liên kết với các nhà đầu tư Nhật Bản để dễ dàng vượt qua rào cản chính trị.

    Nhiều ông lớn đang ra giá để thâu tóm mảng chip nhớ của Toshiba.
    Nhiều ông lớn đang ra giá để thâu tóm mảng chip nhớ của Toshiba.

    Dù không công khai lên tiếng, nhưng giới chức Nhật Bản và Toshiba chỉ muốn nhượng lại các công nghệ vi xử lý cho đối tác trong nước. Công ty có thể tìm kiếm gói cứu trợ được biết đến với tên gọi hougacho-hoshiki hoặc hình thức tài trợ cộng đồng, trong đó nhiều công ty nội địa cùng hùn vốn lại. Người phát ngôn Takao Aoki cho biết, Fujifilm Holding có thể sẽ cân nhắc tham gia đàm phán sau khi tìm hiểu kỹ.

    Toshiba phải bán tháo tài sản để cố gắng cầm cự trước tình trạng thua lỗ hàng tỷ USD từ công ty con Westinghouse. Hãng điện tử Tokyo có hơn 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ khác nhau, từ thang máy cho đến bóng đèn điện, nhưng mảng kinh doanh đáng giá nhất lại nằm ở ngành bán dẫn, chuyên sản xuất chip nhớ flash lưu trữ dữ liệu trên điện thoại di động và các thiết bị khác.

    Yukihito Uchida, phát ngôn viên của Toshiba từ chối đưa ra bình luận. Đại diện của Hynix và Hon Hai cũng khước từ báo giới trước thông tin của tờ Bloomberg. Trong khi Broadcom chưa phản hồi do phóng viên liên hệ ngoài giờ hành chính. Ngay cả quan chức thuộc bộ phận giám sát vụ mua bán chip của Toshiba cũng từ chối thẳng thừng.

    Chính phủ Nhật Bản thể hiện quan điểm rõ ràng về việc muốn giữ các nhà máy sản xuất chip của Toshiba ở lại trong nước để hỗ trợ cho những chiến lược trong tương lai. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, chip nhớ flash là “cực kỳ quan trọng” cho chiến lược tăng trưởng của Nhật.

     Foxconn đã thành công trong thương vụ mua lại Sharp hồi năm ngoái.

    Foxconn đã thành công trong thương vụ mua lại Sharp hồi năm ngoái.

    Tính tới thời điểm này, các nhà thầu nước ngoài lại là những cái tên triển vọng hơn cả nhờ tính quyết liệt theo đuổi thương vụ và dám bỏ ra số tiền lớn. Hon Hai của chủ tịch Terry Gou tỏ ra hăng hái giống như vụ thâu tóm Sharp.

    Năm ngoái, Terry Gou cũng đã bỏ thầu rất cao để gây áp lực lên các bên trong việc đàm phán, rồi sau đó giảm dần mức đề xuất. Hiện tại, ông cũng đang đạt được thành công nhất định trong nỗ lực gây dựng lại Sharp.

    Hon Hai gặp khó khăn trong việc thâu tóm mảng chip của Toshiba bởi Nhật Bản lo sợ Terry Gou sẽ bán tài sản trí tuệ của Toshiba cho Trung Quốc và chuyển nhà máy sang đây. Công ty đã thương thảo để tạo liên minh, bao gồm Hynix của Hàn Quốc, nhưng những cái tên tiềm năng lại phản đối việc di chuyển nhà máy sang Trung Quốc.

    Kết quả sẽ có trong vài tuần tới.
    Kết quả sẽ có trong vài tuần tới.

    Hynix lại ưu tiên dùng chiến lược kêu gọi một nhóm các nhà đầu tư cùng tham gia đặt thầu, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản để vượt qua rào cản chính trị. Riêng Hynix sẽ không sở hữu quá 20% cổ phần.

    Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc chưa tạo được liên minh đủ tiềm lực tài chính để gom đủ số tiền ước tính 2 nghìn tỷ yên. Họ còn đưa ra điều khoản để đối tác bán lại cổ phần cho mình khi đã mua bán xong. Nguồn tin của Blomberg cho biết, quan chức Nhật Bản không muốn Hynix nắm giữ mảng chip của Toshiba.

    Broadcom thì đang cân nhắc hợp tác cùng nhà đầu tư Silver Lake, nhưng cũng có thể tự mình bỏ tiền ra. Lợi thế của công ty là không bị hạn chế về luật độc quyền ngăn cản bởi họ vốn “chân ướt chân ráo” tham gia mảng này. Mới đây, Broadcom đã ra giá 30 tỷ USD khiến nhiều đối thủ phải e sợ.

    Westinghouse đã đệ đơn phá sản do khoản lỗ 1,01 tỷ yên khiến tình hình kinh doanh của Toshiba càng lún sâu vào khủng hoảng. Công ty dự kiến sẽ thông báo người chiến thắng trong thương vụ giành kiểm soát mảng chip nhớ vào mùa hè năm nay và hoàn tất mọi thủ tục vào tháng 3/2018.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ