Hạm đội tàu chiến của hải quân Trung Quốc

    TVD,  

    (GenK.vn) - Hạm đội tàu của hải quân Trung Quốc tiêu biểu với các tàu corvette lớp Type 056, tàu khu trục lớp Type 052D, tàu đổ bộ lớp Type 071, tàu giám sát tên lửa và do thám lớp Đông Điệu và tàu bệnh viện lớp Type 920.

    Hải quân Trung Quốc đã trải qua một quá trình xây dựng sức mạnh chưa từng có trong thập kỷ qua. Họ đã triển khai một tàu sân bay, đã thực hiện cho máy bay cất và hạ cánh từ boong một tàu sân bay, phái các tàu ngầm hạt nhân mới ra biển và thậm chí đổi tên chính thức từ “hải quân quân giải phóng nhân dân” rắc rối sang cái tên đơn giản là “hải quân Trung Quốc”.

    Hạm đội tàu chiến của hải quân Trung Quốc

    Tàu sân bay tân trang Liêu Ninh và các tàu ngầm mới đang thu hút nhiều sự chú ý nhất, nhưng hải quân Trung Quốc, nay được cho là mạnh thứ hai thế giới sau Hải quân Mỹ, đã có những tiến bộ quan trọng không kém với các loại tàu chiến nổi. Các tàu khu trục mới, tàu corvette, tàu đổ bộ, tàu bệnh viện và thậm chí cả tàu gián điệp đang tạo nên một hạm đội lớn và đa năng.

    Tàu corvette lớp Type 056

    Trong chiến tranh lạnh, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Krushchev nổi tiếng từng lớn tiếng khoe rằng, tên lửa hạt nhân rời khỏi dây chuyền lắp ráp của Liên Xô “như xúc xích”. Trung Quốc có thể có hạn chế trong sản xuất tên lửa hạt nhân, nhưng chắc chắn là họ đang đóng các tàu corvette (hộ vệ) lớp Type 056 như xúc xích, với ít nhất 20 chiếc được đang được đóng từ năm 2012.

    Hạm đội tàu chiến của hải quân Trung Quốc

    Type 056 ở phương Tây được xếp loại là tàu hộ tống nhỏ phù hợp để tuần tra lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Nếu Trung Quốc quyết định bắt đầu gửi các tàu không thuộc Cảnh sát biển vào khu vực quần đảo Senkaku đang tranh chấp, thì các tàu lớp Type 056 có thể sẽ trở thành những tàu đầu tiên được cử đến.

    Type 056 có sự kết hợp tốt giữa các loại vũ khí tự vệ với khả năng tác chiến chống hạm và chống ngầm mạnh mẽ. Các tàu được trang bị 1 pháo chính 76 mm ở phía trước để chống hạm và phòng không, cộng với 2 hệ thống pháo tầm gần 30 mm tương tự như Phalanx của Mỹ.

    Để phòng thủ tên lửa, Type 056 được trang bị một hệ thống tên lửa phòng không FL-3000N Báo bay (Flying Leopard) tương tự như Mỹ hệ thống tên lửa RAM (Rolling Airframe Missile) của Mỹ. Mỗi bệ phóng mang 8 tên lửa.

    Tàu Type 056 có sức tấn công mạnh với 4 tên lửa chống hạm YJ -83 (Ưng kích 83), có thể tấn công mục tiêu cách xa hơn 124 hải lý bằng đầu đạn nổ mạnh nặng 350 bảng. Ở giai đoạn bay cuối, một thời gian rất ngắn trước khi lao vào mục tiêu, tên lửa bay ở độ cao 15 ft bên trên mặt sóng với tốc độ gấp 2 lần tốc độ âm thanh, làm cho bên phòng thủ khó bắn hạ nó.

    Có khả năng săn ngầm, tàu Type 056 được trang bị 1 sân đáp trực thăng và hăng-ga dành cho 1 trực thăng Z -9 cộng với sáu ngư lôi chống ngầm được gắn trên boong.

    Tàu khu trục lớp Type 052D

    Loạt tàu khu trục Type 052D giống với lớp tàu khu trục Arleigh Burke của Mỹ cả về bề ngoài lẫn nhiệm vụ. Giống như Arleigh Burke, các tàu Type 052D các radar mặt phẳng to dễ nhận ngay dưới buồng lái và được thiết kế để bảo đảm phòng không cho các binh đoàn tàu chiến đấu của hải quân, đặc biệt là các cụm tàu sân bay. Đến nay, Bắc Kinh đã đóng 4 chiếc lớp Type 052D.

    Hạm đội tàu chiến của hải quân Trung Quốc

    Type 052D được trang bị 2 cụm x 32 ngăn phóng tên lửa bố trí ở phía trước và sau tàu. Các ngăn phóng này chủ yếu chứa các tên lửa phòng không HQ-9, nhưng một số nhà phân tích, trong đó có tác giả Eric Wertheim của sách tra cứu Tàu chiến thế giới (Combat Ships of the World), dự đoán rằng, các ngăn phóng này cũng có thể chứa các tên lửa hành trình tấn công mặt đất tương tự như Tomahawk của Mỹ.

    HQ-9 là một biến thể của tên lửa phòng không S-300 của Nga và tương tự như tên lửa Patriot của Mỹ. Với tầm bắn 124 dặm, nó đánh chặn mục tiêu ở tốc độ lên tới 4M. HQ-9 có khả năng tiêu diệt các loại máy bay và tên lửa, thậm chí cả một số tên lửa đường đạn. HQ-9 được trang bị một đầu đạn nặng bất thường 400 bảng.

    Ngoài HQ-9, vũ khí của tàu còn bao gồm 8 tên lửa Ưng kích, 1 pháo lưỡng dụng 100 mm, 2 hệ thống vũ khí tầm gần và 6 ngư lôi chống ngầm. Các tàu còn được lắp 4 bệ phóng rocket phóng loạt có khả năng tấn công tàu ngầm ở khoảng cách 3 hải lý. Các tàu khu trục mới có 1 sân đáp trực thăng và hăng-ga để chứa 1 trực thăng hạng trung.

    Tàu đổ bộ lớp Type 071

    Các nhà phân tích hay nhạo báng các kế hoạch của Trung Quốc xâm lược Đài Loan là “cuộc thi bơi triệu người” do hải quân Trung Quốc thiếu khả năng chở quân đổ bộ. Nhưng gần đây, Trung Quốc đã xây dựng một đội tàu đổ bộ mà nòng cốt là loại tàu đốc đổ bộ mới lớp Type 071.

    Hạm đội tàu chiến của hải quân Trung Quốc

    Nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua ở Thượng Hải đã hoàn thành 3 chiếc Type 071, còn 3 chiếc khác đã được lên kế hoạch đóng.

    Type 071 có thể vận chuyển tới 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ (khoảng 400-800 quân), và có hai mặt sàn để xe có khả năng chứa đến 18 xe bọc thép. Tàu đốc có thể đưa binh sĩ và xe vào bờ bằng trực thăng và xuồng đổ bộ. Tàu có một sân đáp cho phép 2 trực thăng chở quân Z -8 hoạt động đồng thời, và có thể chứa 4 trực thăng khác trong một hăng-ga lớn.

    Các tàu này cũng có một boong lớn dùng để chứa xuồng đổ bộ có thể cho ngập nước biển để chứa các xe lội nước, xuồng hơi vỏ cứng và 4 tàu đệm khí tương tự như LCAC của Mỹ.

    Mỗi tàu đều có khả năng tự vệ hạn chế với 1 khẩu pháo 76 mm và 4 hệ thống vũ khí tầm gần 30 mm. Do có khả năng phòng vệ yếu, Type 071 sẽ dựa vào sự bảo vệ từ các tàu khác trong binh đoàn tàu.

    Các tàu đốc mới được biên chế cho hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, nơi chúng có thể đe dọa Đài Loan. Chúng cũng đã được phái đến vùng Sừng châu Phi để phục vụ trong lực lượng chống cướp biển của Trung Quốc.

    Tàu giám sát tên lửa và tình báo Đông Điệu

    Hai tàu lớp Đông Điệu có thể dễ dàng nhận ra bởi 3 vòm radar hình cầu của chúng, khiến chúng trông giống như họ đang kéo những trái bóng đá khổng lồ.

    Được đóng bởi nhà máy đóng tàu Quixin của Thượng Hải, các tàu lớp Đông Điệu được thiết kế để theo dõi các vụ thử tên lửa trên biển. Các mái vòm hình cầu che kí nhiều cảm biến, đặc biệt là các radar theo dõi và các hệ thống bám quang học. Các tàu cũng được trang bị các cần cẩu thu hồi để cẩu lên các tên lửa đã bắn đi từ dưới biển.

    Hạm đội tàu chiến của hải quân Trung Quốc

    Các tàu Đông Điệu được mô tả là “các tàu gián điệp” do chúng có vai trò thứ yếu là quan sát hoạt động hải quân của các quốc gia khác. Lớp tàu còn được biết đến là tàu thu thập tình báo điện tử. Các tàu được trang bị các loại anten để thu tín hiệu điện tử từ không trung. Các tín hiệu sau đó có thể được chuyển về Trung Quốc để phân tích.

    Chiếc đầu tiên của lớp này đã bị phát hiện lần gần đây nhất ở quanh Hawaii trong khi diễn ra cuộc tập trận đa quốc gia Rimpac 2012, nơi nó nhiều khả năng làm nhiệm vụ quan sát cuộc tập trận và thu thập thông tin tình báo. Mùa thu năm ngoái, tin đồn từ báo chí Hồng Kông cho hay, một trong những tàu này đã trở lại bờ biển Hawaii, nhưng tin đồn là sai.

    Vũ khí trên tàu lớp Đông Điệu không đáng kể với 1 pháo 37 mm điều khiển bằng tay, 2 pháo hai nòng 25 mm và một cụm 3 ống phóng lôi chống ngầm.

    Tàu bệnh viện lớp Type 920

    Tàu duy nhất lớp Type 920 là tàu bệnh viện thế hệ thứ hai của Trung Quốc do nhà máy đóng tàu Quảng Châu đóng. Được đưa vào sử dụng vào năm 2007, tàu có thủy thủ đoàn 200 người và có thể chở thêm 400 nhân viên y tế. Tên thời chiến của tàu là Daishandao và trong thời bình được gọi là Peace Ark.

    Hạm đội tàu chiến của hải quân Trung Quốc

    Giống như các tàu bệnh viện của lớp Mercy của Mỹ, Peace Ark là một bệnh viện nổi lớn với 8 phòng mổ, 20 đơn vị chăm sóc đặc biệt và khả năng thực hiện 40 ca phẫu thuật lớn mỗi ngày. Tàu có một bãi đáp trực thăng và 6 xuồng nhỏ để chở bệnh nhân, đồ tiếp tế và người giữa tàu và bờ.

    Các nhà phân tích nước ngoài ban đầu nghi ngờ Peace Ark dùng để hỗ trợ cho một cuộc xâm lược Đài Loan. Tuy nhiên, tàu bệnh viện này đã thực hiện nhiều sứ mệnh nhân đạo “quyền lực mềm” để thể hiện thiện chí của Trung Quốc bằng cách cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí ở các nước nghèo trên thế giới.

    Tàu đã đến châu Phi, Ấn Độ Dương và Nam Á vào năm 2010, tiến hành điều trị y tế ở Djibouti, Tanzania, Kenya, Seychelles và Bangladesh. Peace Ark đã thực hiện sứ mệnh tương tự đến vùng biển Caribê và Trung Mỹ vào năm 2011.

    Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã bị chỉ trích nặng nề vì đã không gửi tàu Peace Ark đến Philippines sau cơn bão Hải Yến. Trung Quốc sau đó đã nhượng bộ và triển khai muộn màng tàu này để cung cấp chăm sóc y tế cho những nạn nhân của cơn bão.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ