Khám phá sức mạnh những tên lửa đạn đạo khủng khiếp nhất thế giới (Phần II)

    TVD,  

    (GenK.vn) - Điểm qua sức mạnh của các loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân.

    Trident II

    Trident được phát triển bởi tập đoàn Lockheed Martin và đưa vào sử dụng trong Hải quân Mỹ từ năm 1979 thay thế cho tên lửa UGM-73 Poseidon. Xuất phát từ yêu cầu răn đe hạt nhân hải quân với Liên Xô, ngay từ năm 1956, Mỹ đã bắt tay vào phát triển vũ khí tiến công chiến lược hải quân (FBM) với sự ra mắt của các dòng SLBM Polaris (A1), Polaris (A2), Polaris (A3), Poseidon (C3) và Trident I (C4). Từ yêu cầu đáp ứng chiến lược với SLBM Sineva, hải quân Mỹ từ đầu những năm 1990 đã bắt đầu tái trang bị bằng SLBM thế hệ 6 Trident II D5 hay UGM-133 với nhiều yêu cầu kỹ-chiến thuật tiên tiến.

     

    Trident-II có chiều dài 13,41m, đường kính 1,85m, trọng lượng phóng 58,5 tấn. Đây là tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn với tầm bắn thiết kế 11.000km. Tên lửa có khả năng mang theo 8 đầu đạn hạt nhân W88 với đương lượng nổ 475 Kt/đầu đạn hoặc 12 đầu đạn hạt nhân W76 với đương lượng nổ 100 Kt/đầu đạn.

    Thân tên lửa được làm bằng nguyên liệu tổng hợp từ sợi carbon gia cố bằng polymer làm cho trọng lượng tên lửa nhẹ hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Chính nhờ ưu điểm trọng lượng nhẹ, độ chính xác cao, uy lực tấn công lớn, tính tin cậy tuyệt đối nên Trident-II đã biến biên đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio Mỹ trở thành nguy hiểm nhất thế giới. Tuy nhiên, hạn chế của D5 là việc vẫn sử dụng ống phóng dạng thẳng đứng nên khi phóng, tàu ngầm vận chuyển phải đứng im ở độ sâu phù hợp (thường là 50m).

     

    Hiện tại, Trident II đang được trang bị trên 14 tàu ngầm nguyên tử lớp Ohio của hải quân Mỹ và 4 tàu ngầm lớp Vanguard của hải quân Anh. Do chưa có kế hoạch thay thế, Mỹ và Anh đang hợp tác kéo dài niên hạn sử dụng D5 tới năm 2042 với chương trình D5LE.

    LGM-118А

    Còn được biết đến với cái tên Peacekeeper (kẻ giữ hòa bình), LGM-118A là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vẫn được quân đội Mỹ trang bị và bố trí tại các căn cứ chiến lược trước giai đoạn 2003. Ngày 17/6/1983, lần đầu tiên cất cánh tại Căn cứ Không quân Vandenberg, bang California, năm 1983, Peacekeeper đã bay trên quỹ đạo dài 6.704km, phóng ra 6 đầu đạn tấn công các mục tiêu giả định độc lập với nhau tại bãi thử tên lửa Kwajalein, Thái Bình Dương.

     

    Được gọi là tên lửa mạnh nhất trong kho vũ khí của Mỹ, Peacekeeper có một sức mạnh rất đáng gờm và được các chuyên gia vũ khí của thế giới đánh giá là tên lửa đạn đạn chiến lược có độ chính xác mạnh nhất trong số các loại tên lửa đạn đạo.

     

    LGM-118A Peacekeeper được thiết kế bằng các công nghệ mới nhất của Mỹ thời điểm đó, đặc biệt là hệ thống nhiên liệu, điều khiển và hệ thống vận chuyển để có thể hoạt động trong môi trường bị tấn công hạt nhân. Hơn nữa, LGM-118A Peacekeeper được chế tạo để hoạt động đồng bộ với các hệ thống điều khiển vũ khí trên bộ của quân đội Mỹ. Nó có khả năng mang tối đa 11 đầu đạn hạt nhân với Công nghệ tái nhập khí quyển tấn công nhiều mục tiêu độc lập - MIRV. Đây là công nghệ tên lửa liên lục địa cực tiên tiến, hiện chỉ có Nga và Mỹ sở hữu.

    R-7

    R-7 là tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên trên thế giới, được sử dụng ở Liên Xô từ năm 1959 đến 1968 trong thời gian chiến tranh Lạnh. Khi lần đầu tiên ra mắt vào năm 1957, R-7 đã trở thành bước nhảy vọt lớn nhất trong tên lửa của thế giới kể từ khi tên lửa A-4 của Đức được sử dụng. Tuy nhiên thiết kế tên lửa này lại là lỗi thời nếu sử dụng làm vũ khí do chi phí vận hành, kích thước và độ cơ động.

     

    Chỉ có sáu điểm phóng được đưa vào hoạt động, bốn ở Plesetsk và hai ở Baikonur, Kazakhstan. Chi phí là rất lớn bởi khó khăn trong xây dựng các điểm phóng tại các vùng xa xôi. Có thời điểm, mỗi điểm phóng tên lửa tiêu tốn đến 5% chi phí quốc phòng của Liên Xô. Tuy vậy, chi phí nặng nề không phải là hi hữu trong một dự án tên lửa thế hệ đầu và Hoa Kỳ cũng gặp vấn đề tương tự.

    R-7 dài 34 m, đường kính 3 m và nặng 280 tấn. Động cơ tên lửa gồm hai lớp đẩy, sử dụng ôxy lỏng và hỗn hợp hydrocacbon và có tầm bắn xa 8.800 km với độ chính xác 5 km; có thể mang một đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 3 megaton (quả bom nguyên tử mang tên "Little Boy" ném xuống thành phố Hiroshima năm 1945 chỉ có đương lượng nổ 13 đến 16 kiloton). Bốn động cơ gắn với thân chính sẽ cung cấp lực đấy cho tên lửa trong giai đoạn đầu (rời bệ phóng, tăng tốc và lấy độ cao), động cơ trên thân chính cung cấp lực đẩy ở giai đoạn hai (tăng tốc và lấy độ cao). Hệ thống dẫn hướng được điểu chỉnh theo quán tính bằng radio.

     

    Mặc dù không thành công khi sử dụng làm vũ khí nhưng tiến trình thử nghiệm R-7 đã giải quyết rất nhiều các vấn đề khoa học cơ bản cho những cải tiến tương lai trong lĩnh vực vũ khí và vũ trụ. R-7 là nền tảng để phát triển thành nhiều mẫu tên lửa khác nhau. Cũng như loại tên lửa này rất thành công khi sử dụng vào các chương trình không gian vì thiết kế của nó rất thích hợp cho loại hoạt động này. Nó được sử dụng trong hơn nửa thế kỷ cho các chương trình thám hiểm không gian của Nga sau đó cũng như dùng để đưa các vệ tinh lên quỹ đạo.

    SLBM R-30Bulava

    Trong bộ ba hạt nhân, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) là vũ khí khó bị phát hiện và ngăn chặn nhất. Sức công phá của các SLBM trên một tàu ngầm hạt nhân chiến lược cũng đủ để phá hủy hoàn toàn một quốc gia, SLBM Bulava được coi là một thành phần quan trọng trong khả năng răn đe hạt nhân của Nga.

     

    R-30 là loại tên lửa 3 giai đoạn, chạy bằng nhiên liệu rắn được thiết kế để trang bị cho lớp tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân Borei. Tên lửa Bulava có thể được phóng đi từ dưới nước, kể cả trong lúc tàu ngầm đang chuyển động. Bulava có chiều dài thân 12,1 m (có mang đầu đạn), đường kính thân 2 m và trọng lượng đủ tải đạt 36,8 tấn với tầm bắn tối đa tới 8.300 km. Tuy nhiên, trong các vụ phóng thử, Bulava có thể đạt tầm bắn tới 9.000 km.

    Việc phóng tên lửa Bulava có thể được thực hiện ngay khi tàu ngầm đang di chuyển ở độ sâu 50 m. Điều này giúp tàu ngầm có thể chủ động được vị trí phóng và cơ động ngay sau khi phóng. Như đa số các dòng SBLM khác, Bulava được thiết kế mang đa đầu đạn dạng MIRV có thể tự cơ động quỹ đạo ở pha cuối với số lượng mang theo từ 3 đến 8 đầu đạn. Sức công phá của mỗi đầu đạn này dao động trong khoảng 100-150 Kilotone và sai số đường tròn đồng tâm (CEP) ở tầm bắn tối đa khoảng 200-250 m. MIRV trang bị trên SLBM Bulava có sự khác biệt so với SLBM của Mỹ. Các MIRV do Nga thiết kế là các tên lửa hành trình có khả năng tự thay đổi độ cao và quỹ đạo làm lá chắn tên lửa của đối phương mất dấu, còn MIRV của Mỹ được định trước quỹ đạo tấn công mục tiêu dù có thể bị bắn chặn một vài đầu đạn con.

     

    Ngoài ra, SLBM Bulava còn được thiết kế mang một đầu đạn đơn nhất có sức công phá 500 Kilotone (tương tự như thiết kế của Topol-M), để tấn công các mục tiêu kiên cố như boongke hay hầm ngầm đặt sâu dưới lòng đất.

    Dự án phát triển tên lửa đạn đạo Bulava là một trong những dự án phát triển vũ khí thuộc loại "đắt đỏ” nhất của Nga và cũng là một trong những dự án gây tranh cãi nhiều nhất do hàng loạt các vụ phóng thử tên lửa gần đây đều gặp sự cố.

    Tham khảo: Listverse, Wiki

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ