OLS - "Mắt thần" vạch mặt máy bay tàng hình

    PV,  

    (GenK.vn) - OLS cùng với radar của máy bay sẽ tạo nên một hệ thống "mắt thần" hoàn hảo, có thể phát hiện máy bay tàng hình hay các mục tiêu được ngụy trang kỹ lưỡng của đối phương.

    Hệ thống định vị quang học (OLS - Optical Locator System) có thể được xem là một trong những thiết bị cực kỳ quan trọng trên máy bay chiến đấu . OLS cùng với radar của máy bay sẽ tạo nên một hệ thống "mắt thần" hoàn hảo để có thể tác chiến hiệu quả trên chiến trường hiện đại, khi mà ngày nay các quốc gia tiên tiến đều đang tập trung ưu tiên giảm thiểu diện tích phản xạ tín hiệu radar trên máy bay chiến đấu của họ.

    Hệ thống OLS của Su-27UB
    Hệ thống OLS của Su-27UB

    Hiện tại có hai dạng thiết bị quang học thường được gắn trên máy bay:

    1. Thiết bị thu nhận bước sóng hồng ngoại: (IRST - Infra-Red Search and Track) có tác dụng thu nhận bước sóng hồng ngoại và cung cấp hình dạng của mục tiêu hay địa hình mà phi công muốn quan sát dưới dạng ảnh nhiệt.

    Loại thiết bị này có ưu điểm là quan sát được vào ban đêm, phân biệt được mục tiêu là thật hay giả, cân nhắc được giá trị của mục tiêu. Ví dụ một chiếc xe tăng làm bằng cao su hay bằng nhựa sẽ không thể có ảnh nhiệt như một chiếc xe tăng thật làm bằng thép có nhiệt tỏa ra từ động cơ, phi công có kinh nghiệm có thể dựa vào ảnh nhiệt để biết mục tiêu là một bồn chứa đầy xăng hay chỉ là bồn rỗng… Với các lớp ngụy trang mỏng, camera hồng ngoại còn có thể nhìn xuyên qua và thấy mục tiêu bên trong.

    Tuy nhiên, loại thiết bị thu nhận bước sóng hồng ngoại này cũng có nhược điểm là hình ảnh nhiệt thu được thường không rõ ràng và không có màu sắc thật, phi công sẽ khó nhận dạng chính xác đó là một chiếc xe tăng bắt buộc phải dùng đến tên lửa đắt tiền Hellfire hay là một xe cơ giới hạng nhẹ chỉ cần vài loạt đạn 30mm rẻ tiền là tiêu diệt được.

    Ví dụ như chiếc xe tăng T-72BM Rogatka dưới đây, nó được bao phủ bằng lớp áo khoác Nakidka, một trong những công dụng của lớp áo này là ngăn bước sóng hồng ngoại tỏa ra từ xe tăng, vì thế nếu phi công sử dụng camera hồng ngoại để quan sát thì rất dễ bỏ qua, không phát hiện được mục tiêu này.

    T-72BM Rogatka với lớp áo Nakidka
    T-72BM Rogatka với lớp áo Nakidka

    2. Thiết bị thu nhận bước sóng có thể nhìn thấy bằng mắt thường: cung cấp cho phi công hình ảnh thật, màu sắc thật của mục tiêu.

    Ưu điểm của thiết bị này là giúp phi công quan sát tốt hơn trong điều kiện ban ngày, dễ dàng xác định và phân loại được mục tiêu nhưng nó lại có một nhược điểm chí tử đó là không quan sát được vào ban đêm. Phi công sẽ rất khó xác định đâu là mục tiêu thật còn đâu là mục tiêu giả, có thể thấy rất rõ điều này qua hai bức ảnh dưới đây:

    Bên trái là ảnh nhiệt còn bên phải là ảnh nhìn thấy bằng mắt thường
    Bên trái là ảnh nhiệt còn bên phải là ảnh nhìn thấy bằng mắt thường

    Như vậy, chúng ta thấy rằng mỗi thiết bị quang học đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau và lý tưởng nhất khi cả hai cùng được trang bị trên một máy bay để bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, các máy bay thế hệ 4 cũ thường chỉ được trang bị một hệ thống mà thôi, lý do chính là bởi không phải máy bay nào cũng có chỗ để gắn (Mirage-2000, F-16 hay F-15 đời đầu thậm chí còn không có bất kỳ hệ thống quang học nào; những máy bay như MiG-29 hay Su-27 thì chỉ đủ chỗ để gắn một hệ thống).

    Ngoài ra, giá thành của hệ thống này cũng rất đắt (Hàn Quốc đã phải bỏ ra thêm 4,5 triệu USD để mua thiết bị IRST gắn ngoài từ Lockheed Martin để trang bị cho các máy bay F-15K của mình) không kinh tế khi trang bị cả hai. Hệ thống thu bước sóng hồng ngoại đã được chọn bởi chúng toàn diện và đa năng hơn.

    Hàn Quốc đã phải trả thêm 4,5 triệu USD để có được thiết bị được coi là tiêu chuẩn trên máy bay chiến đấu thể hệ 4 của Nga
    Hàn Quốc đã phải trả thêm 4,5 triệu USD để có được thiết bị được coi là tiêu chuẩn trên máy bay chiến đấu thể hệ 4 của Nga

    Chỉ có một máy bay duy nhất thuộc thế hệ 4 được trang bị song song cả hai hệ thống, đó là chiếc F-14D của Mỹ.

    Bên trái của F-14D là camera ghi nhận hình ảnh nhìn thấy bằng mắt thường. Bên phải là camera hồng ngoại IRST
    Bên trái của F-14D là camera ghi nhận hình ảnh nhìn thấy bằng mắt thường, bên phải là camera hồng ngoại IRST

    Sau này các máy bay thế hệ 4 chỉ có chiếc Rafale là được trang bị song song cả hai hệ thống lắp đặt ở trên mũi, phía trước kính chắn gió.

    Bên trái là camera hồng ngoại, bên phải là camera ghi nhận các hình ảnh nhìn thấy bằng mắt thường và được tích hợp thêm thiết bị đo lường laser của máy bay Rafale
    Bên trái là camera hồng ngoại, bên phải là camera ghi nhận các hình ảnh nhìn thấy bằng mắt thường và được tích hợp thêm thiết bị đo lường laser của máy bay Rafale

    Cả hai loại máy bay trên đều được trang bị hai hệ thống quan sát quang học dạng tách biệt, nhưng hiện nay người Nga đã phát minh ra hệ thống OLS-M để dùng trên máy bay MiG-29M . Khác biệt giữa OLS-M với các hệ thống trên F-14D hay Rafale ở chỗ thay vì gắn hai thiết bị tách riêng, nó tích hợp cả hai tính năng này vào một thiết bị duy nhất.

    Hệ thống OLS-M của MiG-29M
    Hệ thống OLS-M của MiG-29M

    OLS-M chỉ sử dụng một camera để thu nhận hình ảnh đầu vào. Hai bộ xử lý hình ảnh (dạng ảnh nhiệt và dạng ảnh nhìn thấy bằng mắt thường) sẽ cung cấp hai loại ảnh khác nhau ở đầu ra. Phi công có thể chọn một trong hai chế độ hình ảnh hay để cả hai chế độ cùng hiển thị trùng khớp trên màn hình.

    Hiện tại chưa rõ chất lượng hình ảnh hay tầm quan sát của thiết bị tích hợp OLM-S khi so với hệ thống tách riêng trên F-14D hay Rafale ra sao nhưng có một điều chắc chắn rằng OLS-M gọn nhẹ, đơn giản và rẻ tiền hơn rất nhiều so với các hệ thống trên hai máy bay kia, nó có khả năng quan sát mục tiêu cả trên không lẫn trên mặt đất và mặt biển, cả trong điều kiện ban ngày lẫn ban đêm và trong đời kiện thời tiết xấu, đây có lẽ sẽ là xu hướng công nghệ cho tương lai.

    Theo Soha

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày